Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ (ĐCTTNB) đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa (VH) phi vật thể quốc gia năm 2012, được UNESCO vinh danh là Di sản VH phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12-2013. Xây dựng không gian VH ĐCTTNB tại TP HCM không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất, giá trị nghệ thuật mà còn là "tiếng nói" của người Nam Bộ và người dân TP HCM về môi trường sinh hoạt VH nghệ thuật mang nét độc đáo.
Đường Huyền Trân Công Chúa là điểm hẹn
Với 320 năm hình thành và phát triển, TP HCM lưu giữ nhiều di tích, di sản VH đô thị, tập trung nhiều tinh hoa nghệ thuật từ các tỉnh - thành, tạo nên bức tranh sinh động cho VH nghệ thuật phát triển.
Đề án chọn đường Huyền Trân Công Chúa, quận 1 trở thành con đường di sản gắn liền với nghệ thuật ĐCTTNB đã được các chuyên gia VH, các nhà chuyên môn bàn luận nhiều tháng qua. Theo TS Lê Hồng Phước, sự xuất hiện của con đường nằm ngay trung tâm quận 1, tọa lạc phía sau Dinh Thống Nhất, liền kề Cung Văn hóa Lao động TP HCM sẽ mở ra chuỗi hoạt động VH về di sản độc đáo của người Nam Bộ. "TP có ưu thế với hơn 3.000 CLB, đội - nhóm ĐCTT, hàng trăm nghệ nhân giỏi và nghệ sĩ sân khấu giàu tâm huyết thì nội dung hoạt động sẽ phong phú, biến con đường trở thành điểm nhấn độc đáo vào dịp cuối tuần với chuỗi hoạt động VH có các sân khấu biểu diễn, khu triển lãm nhạc cụ và là nơi biểu diễn luân phiên của các CLB cả nước" - TS Lê Hồng Phước chia sẻ. Theo các nhà nghiên cứu VH, việc chọn đường Huyền Trân Công Chúa để sớm đưa vào hoạt động như Đường sách là chọn lựa tối ưu. Theo Nghệ nhân Nhân dân Lê Thanh Tùng, con đường sẽ là lợi thế để xây dựng và phát triển ĐCTTNB, đưa di sản VH phi vật thể tiêu biểu vào phục vụ khai thác du lịch, bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị, bản sắc VH riêng của TP.
Nghệ nhân Nhân dân Út Tỵ phân tích: "ĐCTTNB hình thành vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Nam Bộ. Đến nay, ĐCTTNB vẫn giữ được bản sắc dân tộc, không bị các loại hình khác tác động làm mất đi nét hay của nó. Từ khi bộ môn này được đưa vào hàng ngũ các di sản phi vật thể của nhân loại, TP HCM cần một con đường vinh danh bộ môn nghệ thuật này, nhằm tạo không gian sinh hoạt, giao lưu VH, đồng thời khai thác tiềm năng du lịch, vì ngôn ngữ thanh âm của ĐCTTNB rất dễ tạo không gian cho khách nước ngoài trải nghiệm".
Ngôn ngữ thanh âm của đờn ca tài tử Nam Bộ rất dễ tạo không gian cho khách nước ngoài trải nghiệm
Phát triển "không gian VH Nam Bộ"
GS-TS Trần Văn Khê lúc sinh thời từng nói khi lập hồ sơ về bộ môn ĐCTTNB trình UNESCO, ông đã mong mỏi các cơ quan chức năng sẽ lưu tâm đến việc nghiên cứu thành lập hồ sơ "không gian VH Nam Bộ" sau khi bộ môn này được thế giới công nhận, sự mở rộng này sẽ tạo điều kiện để ĐCTT và nhạc lễ có cơ hội được tôn vinh.
Theo NSND Kim Cương, con đường di sản ĐCTTNB sẽ mở rộng việc tạo nét đặc thù về nghệ thuật như yêu cầu đặt ra. "Không gian đó sẽ là nơi đặt ra các giá trị nghệ thuật về nghiên cứu, trao giải thưởng, học bổng cho đội ngũ nghệ nhân trẻ có nhiều tìm tòi, sáng tạo. Việc xây dựng con đường di sản này sẽ mở rộng, phát triển thành không gian VH Nam Bộ giữa lòng đô thị trong tương lai" - NSND Kim Cương đề xuất.
Theo NSND Đinh Bằng Phi, "không gian VH Nam Bộ" sẽ bao gồm nhạc lễ - xuất xứ từ nhạc lễ cung đình giản dị hóa thành dàn nhạc ngũ âm; hát ru; các điệu hò; điệu lý; múa bóng rổi và cả những trò chơi dân gian phong phú, là di sản đáng quý trong đó có hát bội. "Di sản của cha ông để lại từ thời kỳ đầu khai hoang lập nghiệp ở miền Nam sẽ được thiết kế trong không gian đặc sắc này. Tính khả thi của con đường di sản sẽ tạo thêm bề dày về lịch sử và chiều sâu của nghệ thuật, kích thích giới trẻ trong nước tìm đến với bộ môn ĐCTT truyền thống, nắm được tinh hoa trong nghệ thuật cổ truyền và sáng tạo những nhạc phẩm mới để di sản được phong phú hơn" - "Vua hát bội" Đinh Bằng Phi nói.
Theo PGS-TS Trần Yến Chi (Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM), ĐCTTNB gắn bó mật thiết với đời sống người dân TP HCM, là tiếng nói của tâm hồn, diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hằng ngày. Các loại nhạc cụ dân tộc sử dụng trong dàn nhạc ĐCTT rất phong phú, độc đáo, đặc sắc và đa dạng. Trong 13 lễ hội VH được TP HCM trưng cầu ý kiến người dân, lễ hội nào cũng có thể sử dụng ĐCTTNB, cho thấy tính phổ biến bộ môn nghệ thuật này rất cao.
Đặt vấn đề về bảo tồn di sản gắn liền với khai thác giá trị VH, TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP HCM, cho biết không gian VH gắn liền với di sản là một phần bản sắc của đô thị thông minh, nếu không có di sản, đô thị gần như không thể phát triển VH, du lịch. Do đó, cần hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị với những không gian VH tiêu biểu.
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái từng nói từ con đường di sản ĐCTTNB hướng tới tạo không gian VH Nam Bộ giữa lòng TP. Đây sẽ là những hoạt động nuôi dưỡng tâm hồn người dân, bên cạnh VH đọc đã có Đường sách thì VH nghe và nhìn cần có Đường di sản ĐCTT trước khi phát triển thành "không gian VH Nam Bộ".
TP cần tăng cường nguồn lực đầu tư
Theo các chuyên gia về nghiên cứu VH, xuất phát từ nhu cầu và thực tiễn cuộc sống, ngành VH TP cần tiếp tục tăng cường nguồn lực hơn nữa để tận dụng, phát huy, giữ gìn bản sắc VH nghệ thuật dân tộc. Kế hoạch sớm có con đường ĐCTTNB là nguyện vọng của người dân TP. Trong kế hoạch tập trung đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động của 11 nhóm công tác trọng tâm thì không gian VH công cộng là một mũi nhọn trong kế hoạch triển khai "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp VH Việt Nam năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030".
Một số công trình trọng điểm như: dự án Nhà hát Giao hưởng - Nhạc vũ kịch 1.700 chỗ ngồi tại Thủ Thiêm (quận 2), xây dựng rạp xiếc và biểu diễn nghệ thuật đa năng Phú Thọ 2.000 chỗ ngồi tại quận 11, hình thành trung tâm biểu diễn nghệ thuật truyền thống dân tộc... thì con đường di sản ĐCTTNB rất cần thiết, đó chính là điểm nhấn nhằm thu hút khách du lịch và tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân để bảo tồn các di sản VH.
Bình luận (0)