Trong khi Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đang tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến của giới chuyên môn về đề án xây dựng "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam" thành thương hiệu quốc gia thì người trong giới đã có nhiều ý kiến trái chiều, gây tranh cãi.
Sự trỗi dậy của sơn mài
Dường như đang diễn ra cuộc phục hưng nghệ thuật sơn mài Việt Nam: Tất cả đều hối hả bung nở, sặc sỡ và nhộn nhịp, sản xuất và tiếp thị, trưng bày và sưu tập. Nước ngoài gọi sơn mài là quốc họa của Việt Nam (như thủy mặc là quốc họa của Trung Quốc). Họa sĩ Nguyễn Quân nhìn nhận: "Có phong trào đề cao chất liệu kỹ thuật thủ công truyền thống khai mở thêm năng lực biểu đạt mê hoặc của nó và có trào lưu cách tân phối hợp vật liệu công nghệ mở nhằm đáp ứng tính đương đại tân kỳ hội nhập hôm nay. Lại có xu hướng khai triển tính trang trí ứng dụng sự hào nhoáng của vàng sơn, nhẵn, bóng, lung linh..., đáp ứng thị hiếu sưu tầm, thưởng ngoạn, trưởng giả. Trong khi đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thì đang muốn xây dựng sơn mài thành thương hiệu quốc gia...".
Bức sơn mài “Thiếu nữ trong vườn” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí là một trong những tác phẩm được xem như bảo vật quốc gia
Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp xây dựng của các cơ quan quản lý, các tổ chức nghề nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học về đề án xây dựng thương hiệu quốc gia "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam" vào cuối tháng 8 tại Hà Nội. Hiện cục tiếp tục chuẩn bị cho hội thảo cùng nội dung tại Đà Nẵng và TP HCM để tiếp nhận thêm ý kiến đóng góp từ người trong giới.
Theo chia sẻ từ Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm, việc xây dựng nghệ thuật sơn mài Việt Nam thành thương hiệu quốc gia là hoạt động nhằm góp phần phát triển công nghiệp văn hóa, đồng thời quảng bá đất nước, con người Việt Nam qua nghệ thuật.
Theo đó, đề án "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam" với mục đích đưa ra các tiêu chí, quy chuẩn về chất liệu để làm sơn mài, quy trình chế tác sơn mài đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia; tiêu chuẩn nghệ thuật và kỹ thuật để các sản phẩm, các tác phẩm sơn mài đạt chuẩn thương hiệu "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam". Đề án cũng xây dựng kế hoạch, nội dung để Việt Nam trở thành trung tâm của nghệ thuật sơn mài; đăng cai tổ chức liên hoan nghệ thuật sơn mài quốc tế 2 năm một lần tại Việt Nam. Từ đó thúc đẩy sự phát triển của sơn mài Việt, kích thích thị trường tiêu thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sơn mài và tác phẩm hội họa sơn mài Việt Nam ở trong nước và quốc tế.
Giới chuyên môn khẳng định tính cấp thiết của việc làm này nhằm khẳng định giá trị sơn mài Việt trên trường quốc tế và thị trường nghệ thuật trong nước. Nhưng việc đưa sơn mài Việt thành thương hiệu quốc gia lại là vấn đề cần phải xem xét nhiều. Bởi "nước nào cũng có sơn mài và đưa thành thương hiệu quốc gia xem chừng không khả thi", đã có ý kiến trong giới chuyên môn nhận định như vậy.
Bó hẹp sáng tạo
Sơn mài Việt Nam được thế giới ghi nhận. Nhiều bức sơn mài đã trở thành "bảo vật quốc gia" như tác phẩm "Vườn xuân Trung Nam Bắc", "Thiếu nữ trong vườn" và "Phong cảnh" của danh họa Nguyễn Gia Trí; "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ", "Thanh niên thành đồng" của Nguyễn Sáng, "Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc" của Dương Bích Liên, "Gióng" của Nguyễn Tư Nghiêm... Nhiều người lo ngại "sơn mài Nhật Bản đang lấn át sơn mài Việt nên nếu Việt Nam không gìn giữ và phát huy được chất liệu này quả là điều đáng tiếc bởi đất nước của chúng ta mới là nơi phát tích và sản sinh ra kỹ thuật vẽ sơn mài. Nhưng với đề án đưa "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam" thành thương hiệu quốc gia thì còn nhiều lấn cấn.
Họa sĩ Nguyễn Quân chia sẻ: "Cá nhân tôi không ủng hộ đề án này vì không thấy tính khả thi. Ban tổ chức cũng chỉ đưa ra được các tiêu chuẩn về nguyên liệu, quy trình sản xuất chất liệu và không thể đưa ra được các tiêu chuẩn trong nghệ thuật sơn mài. Điều đó là phi thực tế với tính cá nhân rất rõ nét trong các sáng tác trên chất liệu hội họa truyền thống này. Chưa kể thương hiệu quốc gia sẽ để chỉ những sản phẩm mang tính phổ quát với những công thức cụ thể, rõ ràng. Trong khi đó, hội họa, mỹ thuật phải đề cao tính sáng tạo. Nếu trở thành thương hiệu quốc gia, điều đó cũng đồng nghĩa vô tình bó hẹp tính sáng tạo trong nghệ thuật sơn mài".
Ý kiến này nhận được nhiều sự đồng thuận của giới chuyên môn. Cũng giống như điện ảnh, kịch bản là vật liệu quan trọng nhưng còn đạo diễn (như họa sĩ), diễn viên (tạo hình), ê-kíp sản xuất, trình chiếu (triển lãm) và phê bình trong chuỗi tạo tác, quảng bá sản phẩm nghệ thuật. Sơn mài chỉ là vật liệu và kỹ thuật, giống như sơn dầu, màu nước, lụa, mộc bản..., đưa thành thương hiệu quốc gia là không phù hợp. Trong thành phẩm của một tác phẩm, vật liệu chỉ chiếm tối đa 50% hiệu quả, còn lại là sáng tạo riêng, là hiệu quả nghệ thuật. Vấn đề là phải làm sao để phát triển sơn mài thành vật liệu dễ sản xuất, dễ sử dụng và an toàn, để quốc tế sử dụng là nên hơn. Vì sơn mài hiện nay bị các công thức gia truyền làm cho bí hiểm, khó phát triển và xuất khẩu - nhiều người trong giới chuyên môn nhận định.
Đã có sự pha tạp chất liệu
Theo họa sĩ Triệu Khắc Tiến, Nhật Bản không phải là nơi khởi thủy của sơn mài nhưng giá của chất liệu này lại cao ngất ngưởng. Trong khi đó, các họa sĩ Việt Nam không phải ai cũng sử dụng chất liệu sơn mài truyền thống trong sáng tác mà đã có sự pha tạp. Có phong trào đề cao chất liệu kỹ thuật thủ công truyền thống nhưng cũng có trào lưu cách tân phối hợp vật liệu công nghệ mở nhằm đáp ứng tính đương đại hội nhập hôm nay. Chưa kể việc phân định giữa sơn mài mỹ nghệ và tranh sơn mài cũng khiến giới chuyên môn băn khoăn.
Bình luận (0)