Mùa Xuân trên đất Việt có muôn loài hoa ganh đua khoe sắc nhưng người dân ở vùng đồng bằng Bắc Bộ lại thích chưng hoa đào vào dịp Tết. Ngày Tết, sắc đào đỏ thắm nhuộm hồng căn nhà và màu hồng khiến không gian trở nên ấm cúng hơn.
KHÔNG THUỐC MÀ SAY
Theo quan niệm của người phương Đông, màu đỏ là màu của máu, tượng trưng cho sự sống, cho tuần hoàn và tái sinh. Màu đỏ còn được gọi là "hỷ tín", màu của may mắn. Vì thế, màu đỏ là màu chủ đạo của Tết. Phong bao lì xì màu đỏ, mảnh vải trên đỉnh cây nêu rồi câu đối cũng màu đỏ. Lại còn xôi gấc, pháo tép, thậm chí nhiều nhà sau khi bánh chưng được nấu chín đã gói thêm lá dong tươi rồi buộc thêm cái lạt nhuộm đỏ. Và dĩ nhiên hoa đào màu đỏ.
Người ta chưng đào còn vì lý do tâm linh. Theo truyền thuyết, vào dịp trước Tết, hai ông Thần Trà và Uất Lũy trú ngụ trên cây đào ở núi Sóc, phải lên thiên đình báo cáo chuyện hạ giới. Nhân hai ông đi vắng, ở hạ giới, ma quỷ lộng hành quấy phá dân lành. Vì biết ma quỷ sợ màu đỏ nên dân chúng cắm đào. Thấy màu đỏ, ma quỷ lảng tránh.
Nhưng dân chơi đào còn vì loài hoa này rất đẹp. Má hồng hây hây của người con gái mới lớn được dân gian ví như sắc đào. Trong "Cung oán ngâm khúc" của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều có câu:
Má đào không thuốc mà say,
Nước kia muốn đổ, thành này muốn long.
Chưng đào còn có một lý do khác, đó là sự độc đáo. Hàng ngàn, hàng vạn cây, cành đào dù tự nhiên hay do bàn tay người trồng uốn thế tạo dáng nhưng không cành nào, cây nào giống nhau.
Có một truyền thuyết thú vị về hoa đào. Ấy là Tết Kỷ Dậu (1789), sau khi tiêu diệt mấy chục vạn quân xâm lược nhà Thanh ở Thăng Long vào ngày mùng 5 Tết, vua Quang Trung đã sai lính phi ngựa thần tốc ngày đêm mang cành đào Nhật Tân vào Phú Xuân để tặng Công chúa Ngọc Hân thay thiệp báo tin mừng chiến thắng. Cành hoa đào tươi thắm cũng là lời nhắn gửi tình cảm tới người vợ yêu. Và cũng cách nay 45 năm, sau khi Hiệp định Paris được ký kết cũng là giáp Tết. Một cây đào Nhật Tân đỏ thắm do cán bộ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong Ủy ban Liên hiệp quân sự 4 bên mang từ Hà Nội vào cắm ở Trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất đã làm cho những người ở phía bên kia ngỡ ngàng.
THÚ CHƠI THANH NHÃ
Xưa, Hà Nội chỉ có Nhật Tân trồng đào, nay đào được trồng nhiều nơi. Các tỉnh, thành khác cũng đua nhau trồng nhưng người chơi sành thì phải chọn đào Nhật Tân. Một thời, dinh đào cổ hướng ra mặt hồ Tây, quanh năm lồng lộng gió. Đất ở đây pha cát lẫn sỏi, không ngấm nước và bở, rất thích hợp với đào. Nắng, gió và hơi nước đã tạo nên sắc đào hồng tươi, dăm đào đỏ tía, nụ đào to, phấn trắng, bông đào nở căng, màu hồng đậm, số lượng cánh nhiều gấp rưỡi đến gấp đôi đào trồng ở nơi khác. Đặc biệt, khi hoa nở hết sẽ rụng từng cánh mà không bao giờ quắt lại.
Dân Nhật Tân một nắng hai sương, quanh năm quanh quẩn bên từng gốc đào, từ khi nảy mầm, uốn gốc, cắt tỉa thành tán, rồi đến lúc tuốt lá, chỉnh dáng thế thật lắm công phu. Gốc càng già thì đào càng đẹp bởi "đào già, hoa kép". Không phải cây to, sai hoa, nhiều nụ là đẹp, kén đào phải cần đủ các yếu tố: nhất dáng, nhì hoa, thứ ba mới là nụ, phải điểm thêm chút lộc mới nhú và nếu may mắn sẽ có thêm mấy quả non.
Bán và mua đào ở Nhật Tân là nghệ thuật; có bán, có mua nhưng hơn cả là kẻ mua nhìn ra cái đẹp, kẻ bán thấy được lòng yêu. Với khách say đào, kể cả bán rẻ, kể cả trả thêm thì kẻ bán lẫn người mua đều hoan hỷ. Người sành chơi đâu chờ áp Tết, cứ khoảng 21, 22 tháng chạp, đã lên tận vườn để kén. Còn gì thú vị hơn khi được thả hồn trong không gian chỉ có hoa và đất trời trong khí Xuân lành lạnh để chọn một cành ưng ý rồi hớn hở mang về nhà. Người Hà Nội sành chơi, một khi đã chọn đào Nhật Tân, họ sẽ chẳng bao giờ muốn chơi đào trồng ở nơi khác. Không chỉ 3 ngày Tết, nhiều người còn chơi trước Tết cả nửa tháng để tận hưởng trước thiên hạ và ra giêng, họ lại chơi đào cuối vụ. Những nhánh đào khẳng khiu điểm nụ, thêm vài bông đã nở đặt trên bàn khách thì thật thanh và nhã.
Nhật Tân không chỉ có đào phai mà còn bích đào. Giống này hoa to, mỗi cụm chỉ độ dăm bông, mỗi bông có 12 hay 14 cánh nhưng cũng có loại bông kép tới 32 cánh. Loại này ít trồng vì không được người chơi ưa chuộng. Cánh bích đào dày, có màu hồng thắm, xếp thành nhiều lớp bao bọc nhị vàng bên trong tỏa ra tua tủa. Lá bích đào hình mũi mác màu xanh biếc, cành thì vươn thẳng đứng.
Ở Nhật Tân, những ngày giáp Tết, người ta dựng lán giữa ruộng. Con trẻ vô tư nô đùa. Người già hút thuốc lào lo thời tiết và mỗi nhà đều muốn có riêng một ông trời. Nhà nào đào còn non chưa nở kịp thì mong trời ấm lên và kéo theo gió nồm, những nhà hoa đã hé vừa thì mong thời tiết cứ duy trì 23-24 độ C, còn nhà nào đào đã điểm hoa thì mong trời thật rét. Những cái mong ngược nhau tồn tại song song từ khi có đào ở làng này. Cái nghề mà thành bại không phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm và bí quyết, trông cả vào ông trời, nhìn trời mà mừng, mà lo cho đến khi cắt đào đi bán vẫn chưa thể thở phào. Vậy mà không ai muốn chuyển sang trồng cây khác.
Từ khi những ruộng đào trăm năm phải nhường chỗ cho dự án nhà cao tầng, biệt thự thì dân Nhật Tân phải đưa đào ra bãi sông Hồng, phải pha trộn các loại đất, phải làm luống và đào đẹp chẳng kém chỗ xưa. Ấy là nhờ lòng người sống chết với loài hoa này, nhờ công lao và kinh nghiệm bao đời truyền lại.
Bình luận (0)