Cách đây gần 20 năm, một nhóm sinh viên về Báo Người Lao Động thực tập, sau đó một số người trở thành phóng viên chính thức của báo, trong đó có Thùy Trang. Trang sớm khẳng định năng lực qua lối làm việc xông xáo, sức viết khỏe, nhất là khi trở thành phóng viên viết mảng giải trí của báo.
Khát vọng sống, ý chí kiên cường
Em ngày càng trưởng thành, được bạn đọc và giới nghệ sĩ quý mến. Điều nhiều người ở Báo Người Lao Động khâm phục cô gái xinh xắn, dáng vẻ tiểu thơ ấy là rất chịu "cày", em lao động nghề nghiệp một cách nghiêm túc, cật lực, để có thể mua căn hộ, mua xe nhằm ổn định đời sống, hỗ trợ gia đình.
Bìa sách “Không sợ sống - Dám yêu đời mà sống”
Và càng khâm phục em hơn, khi em vượt qua được nghịch cảnh, kiên cường chống chọi với căn bệnh ung thư (K) quái ác. Để bây giờ, vượt qua những cơn đau tưởng chừng bất tận, những hóa trị, xạ trị hao mòn thể xác và sức lực, với ý chí và nghị lực phi thường, Thùy Trang hồi phục dần, khỏe mạnh. Trang viết tặng cho đời cuốn sách "Không sợ sống - Dám yêu đời mà sống" - NXB Tổng hợp TP HCM, 2023.
Tôi đã đọc cuốn sách của Trang với nhiều khoảng lặng, bởi không thể ngăn những giọt nước mắt. Những suy tưởng, trải nghiệm giữa lằn ranh tử sinh luôn là điều quý giá và thiêng liêng. Những ai yêu cuộc sống này đều biết phía sau những câu chữ đó là gan ruột bời bời; giữa muôn vàn tuyệt vọng cần biết bao một bàn tay, một lời nói, một ánh nhìn… để người bệnh đi vào cuộc chiến với tâm thế chịu đựng, gắng gỏi, không buông xuôi…
Điều đáng ghi nhận đầu tiên ở cuốn sách này chính là khát vọng sống và ý chí kiên cường. Cuốn sách này, như tác giả tâm sự, "viết với mục đích chia sẻ cách đối mặt với những khoảnh khắc nghiệt ngã mà bệnh nhân ung thư nào cũng đối mặt, xem như là một liệu trình điều trị tự thân, đó là cách xây dựng nên tinh thần quật cường để chiến đấu với bệnh và cả với sự nhiễu loạn thông tin về bệnh K hiện nay".
Một cô gái tươi xinh, khi lâm bệnh, những mảng tóc xanh theo nhau rụng xuống, thật xót xa. Khi đi cạo trọc đầu, anh thợ ban đầu từ chối, sau đó giúp cho cô với tiếng thở dài và cô nhìn vào gương "hốt hoảng khi thấy nước mắt đầm đìa".
Cũng bởi "cuộc đời này dù có khổ đau thế nào nhưng đứng trước cửa chết, được sống vẫn là điều hạnh phúc nhất", nên dù "những vết nhăn nheo trên móng tay, vết phỏng của tia phóng xạ khi xạ trị, trên đầu chỉ loe hoe vài cọng tóc tơ, mặt chằng chịt những đốm nâu khiến da mặt trở nên xám xịt", cô vẫn dặn lòng "chỉ một gang tay nữa thôi, tôi sẽ về đến đích và đã bò (một cách đúng nghĩa) một cách chầm chậm qua những rào cản trước mắt mình".
Tình yêu thương lớn lao
Nỗ lực tự thân, ý chí kiên cường đó của Thùy Trang còn được tiếp sức bởi tình yêu thương lớn lao của gia đình, của người thân. Tình yêu thương đó níu Trang ở lại với đời, tiếp thêm cho Trang sức mạnh để chống chọi với căn bệnh. Chỉ có linh cảm của người mẹ, tình máu mủ ruột rà mới nhói đau bằng thần giao cách cảm khi mẹ gọi không nghe Trang trả lời và khi Trang mở mắt ra sau ca phẫu thuật dài 8 giờ đã thấy mẹ và em đón mình dù Trang đã giấu lịch mổ, không cho mẹ biết.
"Với một bệnh nhân, gia đình, người thân và bạn bè cực kỳ quan trọng. Ngày tôi nằm viện, cha mẹ, anh chị em tôi tất bật ra vô để chăm nom, không một giây phút nào họ để tôi một mình. Không chỉ có gia đình, tôi còn có bạn bè quan tâm, những anh chị đồng nghiệp trong cơ quan cũng ở cạnh tôi. Tôi biết ơn cuộc đời đã cho tôi những mối quan hệ đó, bởi sự giúp đỡ của họ đã vực tôi dậy từ những hoang tàn, đổ nát trong tâm trí về niềm tin vào cuộc sống hay tình bạn". Viết tác phẩm này, như Trang mong muốn, cũng góp một chút với tác dụng "chữa lành" mà chính Trang trích dẫn một số tác giả và họ cũng là bạn đường trên hành trình chống chọi bệnh K của Trang.
Những cảnh đời trong bệnh viện được khắc họa là bức tranh xã hội thu nhỏ, nhưng ở nơi ngỡ như tăm tối và tuyệt vọng nhất lại là nơi lóe lên những niềm hy vọng, từ yêu thương tỏa lan. Thương biết bao "những đứa trẻ vừa làm quen với cuộc đời nhưng đã biết rõ ngày mình phải rời xa dương thế, nhưng chúng chưa bao giờ buông lời oán thán". Là cô bé bệnh nhi 10 tuổi cặp mắt đã bạc trắng vì thuốc với câu hỏi "Cô cũng ở bệnh viện này phải không? Điều thật lạ là nụ cười của cô bé lại cứu tôi".
Những bài học từ cuộc sống
Những câu chuyện Trang kể, những câu văn Trang viết, đầy ắp nỗi niềm chất chứa, Trang tỏ bày chân thành để sẻ chia, để tiếp sức cho những ai đang điều trị căn bệnh quái ác này. Điều đọng lại trong tâm trí người đọc, hẳn nhiên là hình ảnh cô gái kiên cường chống chọi căn bệnh, và quan trọng hơn, là đã gieo niềm tin vào cuộc sống này.
Thương biết bao cô gái trẻ phải cắt đi một phần thân thể đẹp nhất và rụng rơi những vạt tóc dày. Nhưng cả cơ quan Báo Người Lao Động vẫn nhận thấy ở em vẻ đẹp của sự kiên cường, lòng ham sống và niềm vui sống, yêu thương cuộc đời khi em để đầu trần vào cơ quan làm việc. Có nhiều bài học đáng quý từ cuốn sách này mà mỗi người đọc cảm nhận được, bài học về cuộc sống, về nghị lực, nỗ lực tự thân, về tình yêu thương, hạnh phúc…
Thay đổi không hẳn là đi tìm những điều to tát mà là tìm ra nguyên lý sống phù hợp với bản thân mình. Thùy Trang cũng đã thay đổi tư duy của mình như thế. "Tôi tin vào cảm nhận cá nhân mình và quyết định sống một cuộc đời rực rỡ nhất, dù cuộc đời có mang đến những thử thách khó khăn hay đau đớn nhất".
Cảm ơn Thùy Trang với tác phẩm của đời mình, tặng cho cuộc đời yêu thương và niềm tin, lòng từ ái.
Những chương cuối, Trang kể về chuyến qua Philippines học tiếng Anh và chuyến bay qua Mỹ. Chính em tự sự mà cũng khẳng định "nếu không thể thay đổi cái lớn, chúng ta sẽ thay đổi từ những cái nhỏ" cùng sức mạnh của sự tự tin đem lại những điều mới mẻ cho cuộc sống.
Nhà báoThùy Trang
Chính đi học ở đất nước bạn cũng là một cách điều trị giúp Trang nhanh chóng phục hồi. Ở đó, Trang trưởng thành hơn nữa, chín chắn hơn nữa, thêm trải nghiệm mới về xã hội đương đại qua chân dung những con người em gặp; nhất là chuyến bay từ Cebu về Manila bị hoãn vì thời tiết trong khi thời gian chuyến bay qua Mỹ cận kề, sự năng động của người bạn và những ứng xử của người bản địa đã giúp Trang thiện cảm hơn với người dân Philippines, cũng như thêm một lần Trang "vượt qua chính mình".
Bình luận (0)