Song Lang gây nhiều hứng thú với khán giả điện ảnh
Sau nhiều tháng chờ đợi, bộ phim điện ảnh "Song Lang" do đạo diễn trẻ Leon Quang Lê, Ngô Thanh Vân sản xuất, với sự tham gia của các diễn viên Isaac, Liên Bỉnh Phát, Tú Quyên, Kiều Trinh,… chính thức ra rạp.
Song Lang kể chuyện của nghệ sĩ trẻ Linh Phụng (Isaac thủ vai), người yêu cải lương từ nhỏ nhưng bị gia đình cấm cản vì sợ ảnh hưởng việc học. Nhưng tình yêu quá lớn của cậu bé đã chinh phục được gia đình. Cậu bé được bố mẹ cho theo đoàn hát.
Nhưng ngày mà cậu bé Linh Phụng được vào vai kép chính trên sân khấu cũng là ngày cha mẹ anh qua đời vì gặp phải tai nạn giao thông trên đường lên xem con trai mình hát. Điều đó trở thành nỗi ám ảnh của anh kép chính trẻ tuổi, cho đến khi anh gặp Dũng "thiên lôi", một tay anh chị làm nghề đòi nợ mướn….
Cảnh trong phim
Sau thành công của "Cô Ba Sài Gòn", Ngô Thanh Vân tiếp tục con đường khó cho mình khi chọn cải lương làm đề tài điện ảnh. Đây là lần đầu tiên cải lương lên điện ảnh nên ít nhiều tạo hứng khởi với một lượng lớn khán giả. Nhưng, lượng khán giả xa lạ với cải lương cũng tỉ lệ thuận khi mà cải lương là một nền văn hóa đặc trưng của phương Nam chứ không phải cả nước. Điều đó đủ để chứng minh, Ngô Thanh Vân tâm huyết thế nào cải lương, với bộ môn nghệ thuật vốn là niềm tự hào của không ít người. Và, dù nhiều ý kiến cho rằng Song Lang sẽ chẳng thể trở thành tác phẩm có doanh thu "khủng" như mong đợi nhưng ít nhất bộ phim là một sự đóng góp đáng ghi nhận của nhà sản xuất. Chưa kể, tổng thể bộ phim có nhiều cái được so với mặt bằng chung của điện ảnh Việt Nam hiện tại.
Cái được đầu tiên chính là việc Song Lang trở thành bộ phim nhạc kịch hoàn hảo nhất của điện ảnh Việt từ trước đến nay. Không lê thê, dài dòng, không khiên cưỡng, ép uổng, âm nhạc của Song Lang thú vị bởi những trích đoạn tiểu phẩm nổi bật của nền cải lương. Cải lương không mới, không hiện đại, không tiết tấu nhanh gọn nhưng cuốn người đi bởi những câu hỏi trầm bổng chứa đựng cả phận đời, phận người. Song Lang đã làm được điều ấy một cách trơn tru, không vết cặn dù diễn viên trong phim là những người trẻ, rất trẻ và rất mới. Thành công này phải kể đến sự đóng góp của nhạc sĩ Tôn Thất An - người kể chuyện bằng nhạc - khiến bản hòa tấu Song Lang mang chất hoài niệm càng thêm thuyết phục.
Bộ phim khiến khán giả thấy tiếc khi vấn đề không được khai thác triệt để
Điều đáng khen nhất của Song Lang có lẽ là khắc họa trọn vẹn thời kỳ hoàng kim của cải lương, thời mà cách đây mấy mươi năm khán giả có thể bỏ ăn nhưng không thể lỡ một buổi nghe hát. Màu phim rất cũ, cảnh phim rất xưa, tất cả trên phim đều ít nhiều chạm đến ký ức đã bị khỏa lấp trong lòng mỗi người bởi sự hối hả của cuộc sống hiện đại. Vậy nên, bộ phim tạo nhiều xúc động.
Nhưng Song Lang vẫn khiến khán giả thấy "bức rứt". Bởi lẽ bộ phim khai thác mối tình đồng giới rất đẹp nhưng lại không có "đất" để được phát triển một cách hợp lý và thuận tình. Đạo diễn chọn giải pháp lấp lửng để khán giả "hiểu sao thì hiểu" nhưng điều không công bằng ấy khiến cho phim bị "sượng". Chọn đề tài cải lương, không có nghĩa tâm tư nghệ sĩ phải lu mờ khi điều đó là một phần trong nền nghệ thuật quan trọng ấy. Nếu bộ phim đưa thông điệp "hát cải lương hay không phải chỉ chăm chăm kỹ thuật mà còn là cái tình mà nghệ sĩ đưa vào tác phẩm lúc hát", vậy thì tại sao đạo diễn phải "ém" cái tình, một mấu chốt rất đỗi quan trọng ấy của Song Lang để mọi thứ trở nên nửa vời và lấp lửng?
Ê kíp đã rất có tâm khi chọn cải lương, một đề tài khó để đưa lên màn ảnh
Có lẽ vì đạo diễn mang trong mình nỗi lo về sự đón nhận của công chúng với một đề tài mới mẻ này của điện ảnh Việt. Đạo diễn Leon Quang Lê không biết phải chọn cái nào để đặt lên bàn cân Song Lang: thiên hẳn về cải lương hay chọn một góc khuất của cải lương để khai thác? Kết quả, Song Lang không đã vì mỗi thứ chỉ đi được một chặng đường và khán giả thì không thể thỏa mãn.
Đó là chưa kể đạo diễn khá "vụng" khi sắp xếp tình huống trong phim. Dẫu biết "một đời có khi không đủ nhưng một ngày cũng trở nên quá nhiều". Nhưng, ở điện ảnh, khán giả cần những điều hợp lý hơn. Một đêm để thay đổi một đời người, điều ấy có chút khiên cưỡng, phi lý. Chưa kể, phải trải nghiệm, con người mới biết đau tận cùng là thế nào. Đằng này, đạo diễn quá gấp gáp khi cho nhân vật của mình biết đau dù chẳng có trải nghiệm nào. Dường như anh đã chọn một cái kết ngược, và điều đó có chút ngược đời.
Cảnh trong phim Song Lang
Song Lang- giống như một giấc mộng đẹp nhưng đời thực thì luôn luôn khác.
Bình luận (0)