xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sử dụng vô pháp hình ảnh người nổi tiếng

Thùy Trang

Lợi dụng hiểu biết pháp luật về bản quyền còn mập mờ trong giới showbiz, nhiều nhãn hàng sử dụng vô tội vạ hình ảnh người nổi tiếng để trục lợi, trong khi giới nghệ sĩ rất ngại "đáo tụng đình"

Chuyện diễn viên Trương Thế Vinh bị một nhãn hàng sử dụng hình ảnh trái phép và còn bị "tố" vòi tiền khi anh lên tiếng phản đối làm dậy sóng dư luận mấy ngày qua. Vụ này như giọt nước làm tràn ly thực trạng sử dụng trái pháp luật bản quyền hình ảnh nghệ sĩ cho mục đích kinh doanh đang rất phổ biến.

Nạn nhân kêu than

Diễn viên Trương Thế Vinh bỗng trở thành tâm điểm của dư luận khi anh viết trên trang mạng xã hội tố cáo một nhãn hàng thời trang đã tự ý lấy ảnh anh để quảng cáo mà không xin phép. Để đòi quyền lợi, anh nhắn tin yêu cầu gỡ ảnh, đồng thời phải bồi thường cho anh chi phí 25 triệu đồng thiệt hại về hình ảnh. Tuy nhiên, phía nhãn hàng này chỉ xin lỗi, đồng ý gỡ ảnh nhưng khẳng định việc làm của mình không sai vì dùng ảnh được lấy trên báo mạng, không phải từ trang cá nhân của nam diễn viên. Nam diễn viên này cho rằng chuyện anh đòi phí cho việc sử dụng hình ảnh của mình là hợp lý và thất vọng về cách hành xử kém văn minh của đại diện nhãn hàng.

Sử dụng vô pháp hình ảnh người nổi tiếng - Ảnh 1.

Hình ảnh của Hoài Linh trong một buổi phỏng vấn trên truyền hình bị sử dụng ghép vào một bài viết trả lời phỏng vấn mạo danh anh để đăng tải trên một trang web bán hàng trực tuyến nhẫn phong thủy. (Ảnh chụp lại màn hình)

Thực tế thời gian qua, việc nghệ sĩ bị các nhãn hàng sử dụng hình ảnh trái phép để trục lợi là không mới và khá phổ biến. Không chỉ kêu than, nhiều nghệ sĩ tỏ thái độ cứng rắn dẫn điều luật để yêu cầu nhãn hàng vi phạm gỡ bỏ hình ảnh của mình. Mới đây, diễn viên của bộ phim "Về nhà đi con" - Quốc Trường - đã lên tiếng cảnh cáo một thương hiệu: "Đừng hành động thiếu đạo đức như thế!" khi bị thương hiệu này vô tư tag tên anh để quảng cáo cho sản phẩm của họ trong lúc anh livestream trò chuyện cùng khán giả.

Đây là hình thức quảng cáo mới của nhiều nhãn hàng khi hình thức livestream trong giới showbiz ngày càng trở nên phổ biến. Trước đó, bịa ra những bài phỏng vấn "như đúng rồi" là cách mà các thương hiệu tận dụng. Hình ảnh Hoa hậu Đặng Thu Thảo cùng con gái mới sinh bị quảng cáo rộng rãi cho sản phẩm ngũ cốc lợi sữa. Kẻ mạo danh "tự soạn" một bài phỏng vấn trực tiếp với lối dẫn dắt có thể làm người đọc tin tưởng để mua sản phẩm. Nghệ sĩ Hoàng Dũng (diễn viên nổi tiếng trong phim "Người phán xử") bức xúc: "Thật bực mình khi liên tục có người hỏi về thuốc chống ngáy và được biết có một trang bán hàng đã lợi dụng, cắt ghép hình ảnh của tôi để quảng cáo cho nhãn thuốc này. Tôi yêu cầu họ gỡ xuống, chấm dứt tình trạng giả dối này ngay lập tức". Mới đây, danh hài Hoài Linh cũng phản ứng gay gắt vì bị một đơn vị bán nhẫn phong thủy bịa đặt bài phỏng vấn anh về việc sử dụng nhẫn của họ. Trong danh sách nạn nhân còn có nghệ sĩ Lan Hương (diễn viên nổi tiếng trong phim "Sống chung với mẹ chồng"), chị bị sử dụng hình ảnh để quảng cáo cho nấm linh chi, mỹ phẩm, quần áo…; ca sĩ Mỹ Linh - nhạc sĩ Anh Quân có bài trả lời phỏng vấn về cách trị thuốc chống ngáy; nghệ sĩ Công Lý quảng cáo dao (vì đang nổi tiếng vai anh chị xã hội đen trong phim "Những cô gái trong thành phố"); ca sĩ Thu Minh quảng cáo thuốc lợi sữa sau khi sinh con; Ốc Thanh Vân quảng cáo mỹ phẩm; Đàm Vĩnh Hưng quảng cáo thuốc trị hói;... Những ngôi sao càng nổi tiếng hay những gương mặt đang thu hút truyền thông càng dễ trở thành nạn nhân của việc sử dụng trái phép hình ảnh cho mục đích thương mại.

Xuề xòa, cho qua

Cho đến nay, những bức xúc của nghệ sĩ chỉ mới dừng lại ở trang cá nhân. Hầu hết nghệ sĩ cho rằng sau khi lên tiếng, các đơn vị vi phạm đều gỡ bỏ hình ảnh, với họ như vậy là được rồi. Nghệ sĩ Lan Hương nói: "Thật ra, họ cứ sử dụng bừa bãi hình ảnh của nghệ sĩ như vậy sẽ mất niềm tin ở khách hàng. Nên mình lên tiếng để họ gỡ hình ảnh xuống cũng là cách giải quyết". Cứng rắn như nghệ sĩ Hoài Linh cũng mới dọa: "Nếu không gỡ hình ảnh cùng bài phỏng vấn của tôi xuống, tôi sẽ đưa ra tòa". Tất nhiên, đơn vị có nhãn hàng vi phạm phải làm theo yêu cầu và mọi chuyện cũng lắng xuống. Chính điều này đã khiến tình trạng mạnh ai nấy xài hình ảnh nghệ sĩ để quảng cáo thu lợi, không cần xin phép xảy ra ngày một phổ biến.

Điều 34 Bộ Luật Dân sự năm 2015 có quy định: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Bộ luật này cũng quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại phải được sự đồng ý của người đó và phải trả thù lao cho hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Thế nên, theo giới luật sư, nghệ sĩ bị sử dụng thông tin sai sự thật có thể khởi kiện.

Người trong giới showbiz thừa nhận ở Việt Nam, nghệ sĩ rất ngại đến tòa án kiện tụng, kể cả việc ủy quyền cho luật sư vì rắc rối và phiền phức kéo dài mà phần thắng chưa chắc cầm trong tay. Nếu phát hiện bị nhãn hàng nào đó lợi dụng, nạn nhân thường lên trang cá nhân "la làng", sau đó báo chí, truyền thông nhảy vào, nhãn hàng hoảng hốt tìm đến thương lượng là xong.

Hiện nay, việc áp dụng luật trong đời sống chưa thật sự hiệu quả. Luật pháp có quy định nhưng khi khởi kiện để đòi bồi thường thiệt hại, bên nguyên đơn phải chứng minh mức độ thiệt hại. Điều này nằm ngoài khả năng của nghệ sĩ trong điều kiện của Việt Nam. Không ai mạnh dạn kiện ra tòa để làm gương, vì vậy tình trạng nghệ sĩ bị sử dụng hình ảnh để trục lợi vẫn tồn tại. 

Kiện là thắng

Trên thế giới đã có nhiều vụ kiện sử dụng hình ảnh trái phép để quảng bá thương hiệu và người thắng là người nổi tiếng (nguyên đơn). Năm 2010, một tạp chí ở Nhật Bản phải bồi thường 4 triệu yen vì sử dụng hình ảnh ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc Bae Yong Joon mà không được anh cho phép. Năm 2015, Phạm Băng Băng thắng kiện một đơn vị phẫu thuật thẩm mỹ tại Đài Loan khi sử dụng hình ảnh của cô để quảng cáo dịch vụ gọt cằm. Năm 2015, gia đình cố danh ca B. Marley đã thắng kiện hãng thời trang A.V.E.L.A vì đã tự ý in hình danh ca lên các sản phẩm thời trang của mình mà chưa có sự cho phép của gia đình. Ca sĩ Rihanna cũng thắng kiện hãng thời trang Topshop ở Anh vì lý do tương tự. Trước đó, Topshop cho rằng họ không vi phạm pháp luật của nước Anh, vì bức ảnh họ sử dụng được mua lại từ một nhiếp ảnh gia độc lập khi người này chụp bức ảnh tại buổi ra mắt một album âm nhạc mới của Rihanna. Thế nhưng, tòa án ở nước Anh khẳng định Topshop đã cố tình "lách luật" và dù luật pháp Anh không cấm việc một cá nhân bán hoặc sao chép lại các bức ảnh của họ nhưng hành động của hãng thời trang trên đã vi phạm quyền nhân thân của Rihanna.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo