Sau nhiều tháng điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, gia đình đã đưa ông về nhà riêng ở quận Tân Phú, TP HCM. Từ sáng 7-5, ông có triệu chứng hôn mê, hơi thở mệt nhọc. NSƯT Lê Tứ và nghệ sĩ Hà Như - Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - đã đến chia sẻ với gia đình NSƯT Giang Châu.
NSƯT Giang Châu tên thật là Trần Ngọc Châu, sinh năm 1952 tại Chợ Lách, Bến Tre. Ông được công chúng yêu mến bởi chất giọng đặc biệt với cách ca vọng cổ hơi dài độc đáo. Từ nhỏ ông đã sớm bộc lộ năng khiếu ca hát, vì gia đình nghèo nên từ năm 14-15 tuổi, ông đã đi học nghề lái tàu. Chủ tàu là Hai Đực, một nghệ nhân đờn ca tài tử đã dạy ông ca vọng cổ theo nhịp đờn. Đó là người thầy đầu tiên trong sự nghiệp nghệ thuật của ông.
NSƯT Giang Châu. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Năm 1971, Giang Châu chính thức theo đoàn hát - Đoàn Cải lương Phước Châu, gốc là đoàn hát bội của bầu Nhàn ở Trà Ôn - Vĩnh Long, khi đoàn này diễn gần nhà ông. Sau đó, ông được nghệ sĩ Hữu Lợi - đoàn Hương Mùa Thu - nhận làm em nuôi, đặt tên Giang Châu, chính thức gắn bó với nghề diễn bằng tài ca vọng cổ hơi dài. Sự nghiệp nghệ thuật của NSƯT Giang Châu trải qua các đoàn: Phước Châu, Hương Mùa Thu, Hoa Mùa Xuân, Ngân Điện - Ngọc Đính, Thanh Hương - Hùng Minh, Minh Cảnh 2. Khi về Đoàn Cải lương Sài Gòn 2, tên tuổi Giang Châu vụt sáng nhờ sự chăm chút của đạo diễn - NSƯT Thanh Điền, sau này ông có thêm hai người thầy dìu dắt là NSND Huỳnh Nga, NSND Diệp Lang.
Nhắc đến NSƯT Giang Châu, khán giả nhớ đến những vai diễn để đời: Trần Hùng (Tìm lại cuộc đời), Trùm Sò (Ngao, Sò, Ốc, Hến), Thừa (Tiếng hò sông Hậu), Út Chất (Ánh lửa rừng khuya), cô Ba Sáng (Những ánh sao đêm), Thái Ngọc (Khách sạn Hào Hoa), Tâm (Tô Ánh Nguyệt)...
Được biết, trong danh sách các nghệ sĩ sẽ được trao tặng danh hiệu NSND đợt này, có tên NSƯT Giang Châu. Ông và NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn đã được TP HCM giới thiệu trong đợt xét tặng danh hiệu lần này bởi những đóng góp to lớn của ông đối với sân khấu cải lương.
Bình luận (0)