Theo phản ánh của TS Đỗ Hải Ninh (Viện Văn học) trên mạng xã hội, TS Vũ Thị Trang đã "đạo" 1 chương trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ "Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học" thuộc Học viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) mà TS Vũ Thị Trang chủ nhiệm đề tài, làm cùng với 5 người khác trong đó có TS Đỗ Hải Ninh.
Thông tin về cuốn sách giải thưởng Hội Nhà văn bị tố vi phạm quyền tác giả đang nhận được nhiều sự chú ý của dư luận, đặc biệt giới học thuật
Ngày 21-1-2022, TS Đỗ Hải Ninh có đơn đề nghị lần 1 lên Học viện Khoa học xã hội (Học viện) về việc TS Vũ Thị Trang "đạo văn". Ngày 27-1, Học viện có văn bản trả lời bà Đỗ Hải Ninh, trong đó khẳng định theo các điều trong hợp đồng thuê khoán chuyên môn giữa Học viện và TS Vũ Thị Trang ngày 3-8-2017 và biên bản nghiệm thu ngày 16-8-2018 thì TS Đỗ Hải Ninh không thực hiện toàn bộ chương 2 của đề tài cấp bộ kể trên. Về kiến nghị vi phạm bản quyền tác giả của TS Trang, Học viện khẳng định TS Ninh cần phải có minh chứng rõ ràng, xác thực và thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật về quyền tác giả.
Không đồng tình với trả lời này, TS Đỗ Hải Ninh đã làm đơn kiến nghị lần 2. Nữ TS này khẳng định trong thực tế bà viết toàn bộ chương 2 của đề tài nghiên cứu trên. TS Đỗ Hải Ninh cho rằng tuy tên các tiểu mục đã được thay đổi, có viết thêm một số phần, đảo vị trí các đoạn và một số chỗ diễn đạt lại nhưng TS Vũ Thị Trang đã sao chép các đoạn TS Đỗ Hải Ninh viết đưa vào sách với hơn 40 đoạn, tương đương hơn 11.700 chữ, chiếm khoảng hơn 60% của Phần III của cuốn sách.
Trả lời Báo Người Lao Động, TS Vũ Thị Trang khẳng định đã in một phần từ đề tài cấp Bộ có tên "Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học" do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cấp kinh phí, do chính TS Vũ Thị Trang làm chủ nhiệm và một phần từ bản thảo luận án của bà. Cuốn sách có tên "Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật" được Nhà xuất bản Khoa học xã hội in ấn và nộp lưu chiểu tháng 12-2020.
Cuốn sách này được trao Tặng thưởng của Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương (tháng 11-2021) và Giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam tháng (1-2022).
Trước câu hỏi liệu cuốn chuyên khảo "Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật" có nội dung nào là của TS Đỗ Hải Ninh, TS Vũ Thị Trang khẳng định phần TS Đỗ Hải Ninh viết là nội dung nằm trong bản nghiệm thu đề tài là khái niệm tự truyện, tương tác giữa tự truyện với hồi ký, tiểu thuyết dài gần hai chục trang. "Phần này tôi đã bỏ khi in sách của mình vì nó không phải hướng của phê bình phân tâm học" - TS Vũ Thị Trang nói.
Về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Thanh Tú, thành viên nghiệm thu cấp Bộ của đề tài, cho biết mình là người được mời nghiệm thu đề tài của TS Vũ Thị Trang ở đề tài cấp Bộ. PGS-TS Nguyễn Thanh Tú cho hay trong quán trình nghiệm thu đề tài có phần viết về khái niệm tự truyện, tương tác thể loại, ông đã yêu cầu cắt đi vì nó không hợp.
"Khi xảy ra tranh cãi xung quanh cuốn sách này, tôi có kiểm tra sách thì đúng là tác giả Vũ Thị Trang đã bỏ đi đoạn tôi yêu cầu. Nói một cách khách quan, công trình khoa học rất cần ý kiến đóng góp của tập thể và khi TS Vũ Thị Trang đã mời TS Đỗ Hải Ninh tham gia và trả tiền thì TS Trang được phép sử dụng phần ấy ở trong đề tài" - PGS-TS Nguyễn Thanh Tú chia sẻ quan điểm.
Được biết, 20 trang sách trong cuốn "Tiểu thuyết có yếu tố tự truyện trong văn học Việt Nam đương đại" xuất bản tháng 3-3020 của TS Đỗ Hải Ninh lại là phần nằm trong đề tài cấp Bộ của TS Vũ Thị Trang đã được nghiệm thu trước đó vào tháng 6-2019.
Cụ thể, trong cuốn sách "Tiểu thuyết có yếu tố tự truyện trong văn học Việt Nam đương đại" của TS Đỗ Hải Ninh có tổng cộng 4 mục (1.2.1 Khái niệm tự truyện; 1.2.2 Hồi kí, nhật kí và tự truyện; 1.2.3 Tự truyện và tự thuật; 1.2.4. Tự truyện, tiểu thuyết và tiểu thuyết tự thuật) dài từ trang 29 đến trang 48 lại là phần nằm gần như hoàn toàn trong đề tài của TS Vũ Thị Trang dài từ trang 75 đến trang 88. Trên facebook cá nhân, TS Đỗ Hải Ninh cũng đã khẳng định mình viết phần này.
Vấn đề khiến các chuyên gia đặt câu hỏi, liệu đó có là hành vi "tự đạo văn" hay không và việc in sách từ nội dung trong đề tài cấp bộ của người khác có được cho là vi phạm bản quyền?
Sự việc vẫn chờ cơ quan chức năng có thẩm quyền là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam lên tiếng.
Bình luận (0)