Đây là quyển sách viết về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo - đại thụ của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, do nhóm tác giả GS-TS Nguyễn Thuyết Phong chủ biên, gồm 5 nội dung chính: "Những giai điệu cuộc đời", "Tinh tường và tinh tế", "Nhớ", "Cải tiến đàn tranh", "Nhiều góc nhìn - Một tâm trạng". Bên cạnh đó còn có phần phụ lục với hàng trăm hình ảnh, tư liệu...
Trong đợt tái bản này, có nhiều thay đổi so với bản in đầu tiên, năm 2015. Đó là ảnh bìa sách, đồng thời bổ sung thêm nhiều ảnh mới về nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo trong hoạt động âm nhạc, nghiên cứu, biểu diễn, dạy học và hình ảnh gia đình; nhiều bài viết mới: "Tiếng đờn ngân mãi", "Sự độc đáo trong việc cải tiến nhạc cụ của nhạc sư - nghệ nhân Nguyễn Vĩnh Bảo", "Nghĩ về cách dạy nhạc tài tử Nam Bộ của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo", "Thế giới của thầy Nguyễn Vĩnh Bảo", "Kính mừng nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo", "Thầy ơi về tới nhà rồi"... Theo TS Lê Hồng Phước, đó là những thông điệp quý giá được nhạc sư gửi gắm đến giới trẻ trong việc hun đúc tinh thần nâng niu, bảo vệ di sản âm nhạc dân tộc trong cuộc sống hôm nay.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo bày tỏ cảm xúc tại buổi ra mắt sách tái bản lần 1 của ông. Ảnh: LÊ PHƯỚC
Buổi ra mắt tác phẩm đã trở thành cuộc truyền lửa về những triết lý nhân sinh, những tấm lòng tâm huyết bảo tồn văn hóa dân tộc, đờn ca tài tử Nam Bộ. Đầu tiên là những lời tri ân của nhạc sư Vĩnh Bảo dành cho Tỉnh ủy Đồng Tháp, những nhà hảo tâm gần xa đã góp sức cho tác phẩm ra đời.
Nhóm tác giả trao toàn bộ tiền nhuận bút quyển sách cho nhạc sư Vĩnh Bảo như lời tri ân với nhạc sư 103 tuổi, có hơn 80 năm gắn bó với nghiệp đờn ca tài tử Nam Bộ và để lại cho đời nhiều dấu ấn lưu mãi với thời gian.
Nhạc sư Vĩnh Bảo sinh năm 1918 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc, nay là TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, được giới đờn ca tài tử Nam Bộ và giới nghiên cứu âm nhạc dân tộc trong nước và thế giới biết đến như "di sản sống".
Ông không chỉ nói được 5 thứ tiếng, chơi điêu luyện hàng chục nhạc cụ trong nước và thế giới, tham gia giảng dạy âm nhạc tại nhiều trường đại học nổi tiếng tại nhiều quốc gia trên thế giới, mà ông còn sáng tạo ra dây tỳ (hò - liu - sol - sol) và dây xề (rề - sol) cho cây đàn gáo, cải tiến đàn tranh có nguồn gốc Trung Hoa có 16 dây thành 17 dây, 19 dây và 21 dây với nhiều tính năng vượt trội...
Nhân dịp này, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã bàn giao hiệu đàn Vĩnh Bảo, do ông gầy dựng trong nhiều năm qua, từ khi được Tỉnh ủy Đồng Tháp mời về sinh sống tại quê nhà, cho tỉnh Đồng Tháp quản lý, phát triển.
Bình luận (0)