Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 đang diễn ra ở tỉnh Long An đã gần kết thúc, điều bất ngờ đối với giới chuyên môn và khán giả theo dõi những ngày qua là các đoàn cải lương tỉnh chứng tỏ họ chiếm ưu thế về mặt chất lượng, cho thấy sức bật đáng nể của các đơn vị cải lương tỉnh lẻ trong điều kiện còn nhiều khó khăn.
Giữ hồn cốt truyền thống
Nhiệt tình theo suốt gần như không bỏ xem suất diễn nào, bác Võ Thị Nữ (80 tuổi; ở phường 4, TP Tân An, tỉnh Long An) nhận xét: "Tôi thích các đoàn tỉnh, từ Hương Tràm - Cà Mau cho tới Cao Văn Lầu - Bạc Liêu, Đồng Nai, Đồng Tháp. Đào kép hát hay quá, đúng chất cải lương hồi đó tôi mê".
Cảnh trong vở “Anh hùng di hận” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai
Hỏi ra mới biết chồng của bà là họa sĩ Lê Văn Điều từng vẽ phong cảnh sân khấu cho Đoàn Cải lương Kim Chưởng nên bà rành cải lương, phân tích, nhận xét chính xác từng cách ca diễn của nghệ sĩ đoàn tỉnh. "Tôi còn thích các đoàn tỉnh đến từ phía Bắc như Thái Bình, Nam Định,… họ cũng hát cải lương hay quá chừng" - bà Nữ tấm tắc khen.
Không riêng khán giả, các nhà chuyên môn cũng nhận xét rằng chính vì không bị áp lực thương mại hóa nên các đoàn tỉnh đã giữ được hồn cốt cần bảo tồn của nghệ thuật cải lương. Chính sự đa dạng trong việc tìm kiếm đề tài để chuyển tải được chất dung dị, mộc mạc trong ca diễn, nhằm giữ cho được những bài bản cải lương xưa, đã giúp các đoàn cải lương tỉnh không thua kém những đoàn của các thành phố lớn, thậm chí còn vượt mặt bởi cách dàn dựng thuyết phục. Những vở diễn: "Anh hùng di hận" (còn có tên "Hồ Quý Ly" - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai), "Nỗi niềm sau cuộc chiến" (Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Cà Mau), "Bến đợi" (Hương Tràm - Cà Mau), "Cuộc đời của mẹ" (Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An), "Kiếp tằm" (Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh), "Bão dậy trời Long Hưng" (Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang), "Người đồng bằng" (Đoàn Văn công Đồng Tháp), "Trống trận Ba Đình" (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa), "Bến nước Ngũ Bồ" (Đoàn Nghệ thuật cải lương Nam Định), "Tiếng vọng Hang Hòn" (Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang)... đã thật sự gieo vào lòng khán giả nhiều cảm xúc.
Để giữ được cốt cách của cải lương xưa, hồn vở diễn chính là âm nhạc cải lương được chăm chút, nâng niu. Hầu hết các đoàn kể trên đều duy trì đủ từ 6 đến 8 nhạc cụ dân tộc, hạn chế sử dụng nhạc cụ điện tử. Cách dàn dựng không lạm dụng tính thể nghiệm làm xáo trộn trình thức của nghệ thuật ca diễn vốn đòi hỏi sự mộc mạc, chân phương của bộ môn này. Tuy nhiên, vẫn như cải lương xưa thời hưng thịnh, mỗi đoàn có một phong cách, làm nên tầm vóc riêng.
Soạn giả Đăng Minh, cha đẻ của tác phẩm "Vụ án Mã Ngưu", phấn khởi: "Điều tôi mừng nhất năm nay là trong các đoàn cải lương tỉnh đã thấy xuất hiện thế hệ diễn viên trẻ đủ bản lĩnh, đảm đương tốt những vai diễn chính".
Nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sân khấu - Điện ảnh, ngạc nhiên khi một số đoàn cải lương phía Bắc tham gia liên hoan đã khẳng định được phong cách cải lương Bắc. Tuy các vở diễn chưa đặc sắc nhưng cho thấy chất "địa phương hóa" khi đưa nghệ thuật chèo vào cải lương, cụ thể là các đoàn Thái Bình, Quảng Ninh, Nam Định. Trong tiến trình 100 năm qua, cải lương chưa từng bị ảnh hưởng bởi các loại hình khác, chỉ có dung nạp để làm giàu thêm cho cải lương. Chứng tỏ họ có nghiên cứu để vận dụng những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống khác làm giàu cho cải lương mà vẫn giữ được hồn cốt.
Diễn lần cuối với liên hoan?
Hiện nay, các đoàn tỉnh đang đứng trước thử thách rất lớn khi chuyển đổi từ hình thức bao cấp mọi mặt tiến dần đến tự chủ, mà theo các nhà chuyên môn, đó là bước chuẩn bị lấy đà, để vài năm nữa chuyển hẳn sang cơ chế mới. Trong khi ở phía Bắc chỉ mới nghe triển khai nhưng các đoàn cải lương phía Nam đã khẩn trương hơn. Nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Văn Thành nhận định: "Một số đoàn đã tiến hành tự chủ, cụ thể là đoàn Bến Tre và Tây Ninh, đoàn Long An trong tháng 10 này sẽ sáp nhập với đoàn xiếc và trung tâm văn hóa của tỉnh trở thành Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Long An. Theo tôi, đó là bước chuyển đổi tất yếu, vì nhiều năm qua, ngân sách nhà nước đã cáng đáng quá nhiều cho các đơn vị nghệ thuật công lập, có điều là phải sắp xếp thế nào để ổn thỏa, có chế độ chính sách cho những nghệ sĩ có nhiều công lao đóng góp, hoặc vì sự sáp nhập này mà phải chuyển nghề". Ông cho biết nhiều nghệ sĩ đã nói với ông đây là lần liên hoan cuối cùng hoặc các năm tới hình thức tổ chức sẽ khác. Họ đến với liên hoan năm nay bằng tâm thế diễn lần cuối. Chính vì thế, họ đã sống hết lòng với nhân vật của mình.
Mang nhiều tâm tư, soạn giả Đăng Minh cho rằng việc sáp nhập đang gây hoang mang cho nghệ sĩ là khi vào trung tâm văn hóa, hoạt động đủ các loại hình nên yếu tố làm vở diễn để bán vé, để giữ đúng chất cải lương sẽ khó. Bởi khi đó, kinh phí bị xẻ nhỏ, các đoàn cải lương phía Nam sẽ chọn cách dàn dựng trích đoạn cho tiện, cho rẻ, chứ đầu tư cho vở diễn sẽ khó khăn. Theo NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, trước khi bước vào liên hoan cải lương, ông rất lo vì trước thông tin nhà nước sẽ sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật công lập. Ông cho rằng chính sự trỗi dậy của các đơn vị công lập ở các tỉnh qua liên hoan năm nay cho thấy họ cần sự đánh giá công tâm về mặt đầu tư, định hướng để dù có sáp nhập hoặc hoạt động theo mô hình tổ chức khác, cải lương vẫn cần giữ đúng chất như các tác phẩm mà họ mang đến liên hoan năm nay.
Quan trọng nhất giữ được cốt cách
NSND Giang Mạnh Hà cho rằng những phong cách, bài bản xưa, chất liệu chuẩn mực của nghệ thuật cải lương sau 100 năm phát triển rất cần được bảo tồn, phát huy. Điều quan trọng nhất là cải lương phải giữ được cốt cách. Các đoàn tỉnh đúng là không bị đặt nặng yếu tố thương mại nên luôn hướng đến công chúng bằng những kịch bản văn học được chăm chút, trau chuốt. "Có kịch bản hay thì đạo diễn mới phát huy sáng tạo, cảm xúc cộng hưởng để vở diễn thăng hoa" - NSND Giang Mạnh Hà, đạo diễn tác phẩm "Anh hùng di hận", nói.
Bình luận (0)