Dượng Tư thương dì Tư, thương người phụ nữ một thân một mình nuôi 2 đứa con nhỏ nên gá nghĩa làm vợ chồng. Thuở còn làm nhà buôn, kinh doanh khấm khá kiếm được nhiều tiền, dượng Tư không để 2 con riêng của vợ thiếu thốn thứ gì, từ cái ăn, cái mặc cho đến những món đồ chơi mà thời đó có thể gọi là xa xỉ. Dượng thương 2 đứa nhỏ như con đẻ nhưng đáng tiếc lúc đó anh em Hiếu, Thảo còn quá nhỏ, cuộc sống êm đềm trong vòng tay cưu mang của dượng chỉ là những mảnh ký ức mơ hồ. Đến khi chúng lớn lên thì dượng Tư đã làm ăn thua lỗ rồi phá sản. Hình ảnh về cha dượng chỉ là một người đàn ông nghiện ngập, bệnh tật là gánh nặng cho má của chúng. Thành ra, dượng sống như một cái bóng trong nhà, thương vợ, thương con trong lặng lẽ và bất lực…
Thái Quốc và Ái Như trong vở “Bông hồng cài áo”
Thái Quốc diễn tinh tế, chăm chút tỉ mỉ cho vai diễn đến từng chi tiết nhỏ. Cái chất giọng già yếu ớt của một người bệnh lâu năm, pha lẫn trong đó một chút "nhừa nhựa" của những tay nghiện rượu. Cái kiểu nói chuyện tỉnh rụi, ba phải như kiểu mọi việc không can hệ gì đến mình. Nhưng qua ánh mắt bất nhẫn, qua những cái thở dài khe khẽ kín đáo, Thái Quốc đã khắc họa nên hình ảnh người cha dượng giấu kín tất cả mặc cảm và cam chịu trong một vẻ ngoài vô can. Làm sao dượng Tư có thể đứng ngoài tất cả? Những lúc dì Tư buồn, dượng lại đóng vai người an ủi, làm bờ vai để dì tựa vào dù lúc đó lòng dượng cũng đau không kém. Cảm động nhất là lúc dì Tư nằm co ro khóc vì 2 đứa con rời khỏi dì, dượng Tư đã gánh chè đi bán trong cái dáng vẻ run rẩy, yếu ớt. Dượng muốn dùng tất cả sức tàn của mình để gánh vác cho vợ, những mong tìm lại khung cảnh hạnh phúc của gia đình như ngày xưa. Hay trong cảnh sau khi dì Tư mất, dượng Tư từ biệt anh em Hiếu, Thảo để về quê lo nhang khói cho dì. Đó là lúc dượng thổ lộ tất cả tình cảm, tâm sự của mình, trút ra hết những gánh nặng dượng giấu kín bấy lâu, như một người cha nói với những đứa con. Đó cũng là lúc Thái Quốc làm khán giả phải rơi nước mắt và chợt nhận ra bên trong "Bông hồng cài áo" còn có cả tình cha.
Thái Quốc có ngoại hình trắng trẻo, thư sinh, hiền lành, giọng nói nhẹ nhàng, lại tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP HCM từ rất sớm, khi mới 20 tuổi. Những tưởng sẽ được giao cho đóng vai kép đẹp nhưng sớm bén duyên với những vai kép độc, kép già độc đáo. Vai diễn gây ấn tượng đầu tiên của anh lại là nhân vật ông già và đứa trẻ bị bệnh Down trong vở "Đứa con tiền kiếp". Lúc đó, anh được báo chí dành nhiều lời khen ngợi về khả năng diễn xuất nhưng sau đó lại không có nhiều cơ hội xuất hiện trong các vở kịch lớn. Vậy là anh quyết định quay lại trường, vừa học tiếp khoa đạo diễn vừa bươn chải mưu sinh bằng nghề tay trái để nuôi dưỡng nghệ thuật.
Cơ hội đến với Thái Quốc khi đạo diễn Hoa Hạ dựng lại vở "Nhân danh công lý" của tác giả Lưu Quang Vũ. Anh được giao vai phản diện Hoàng Tú thay cho một diễn viên khác và ghi được dấu ấn với khán giả bằng cách diễn của riêng mình. Một Hoàng Tú vừa giả tạo lại vừa ác độc theo kiểu lưu manh điển hình và không bị rập khuôn với các tiền bối đi trước.
Thế nhưng, số phận của Thái Quốc dường như lận đận, khi vừa tỏa sáng, gia đình lại gặp biến cố, anh phải nghỉ diễn ở nhà chăm sóc cha mẹ, làm những công việc khác để trang trải nợ nần: mở quán ăn kiêm luôn nghề may túi da, thiết kế áo dài,… đủ sức lo cho gia đình. Nhưng anh vẫn không quên sân khấu, thỉnh thoảng đi hát phòng trà cho đỡ nhớ.
Khi gia đình ổn định, Thái Quốc xuất hiện trở lại tại Kịch IDECAF và Hoàng Thái Thanh.
Trải qua nhiều lận đận nhưng Thái Quốc vẫn sống vui vẻ, chừng mực, chân thành. Ngoài hoạt động nghệ thuật, anh vẫn tiếp tục nghề may túi xách và thiết kế áo dài, như cách thư giãn đồng thời kiếm thêm thu nhập. Được hỏi có chạnh lòng không khi đã vuột qua cơ hội để nổi tiếng, anh chỉ cười: "Mỗi người có một số phận khác nhau, quan trọng là mình không ngừng nỗ lực để hoàn thiện. Đó là cách để tồn tại lâu bền trong nghệ thuật".
Bình luận (0)