Mohsin Hamid là nhà văn người Pakistan, sinh trưởng ở Lahore, từng theo học tại Princeton và Harvard. Ông bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình vào đầu thế kỷ XXI. Hamid viết chính trị, nghệ thuật, văn học, du lịch… Cuốn tiểu thuyết "Thoát đến phương Tây" (Phương Nam Book và NXB Thế giới, 2019) tập trung phân tích tình trạng nội chiến ở Pakistan thông qua câu chuyện tình yêu của một cặp vợ chồng trẻ, Saeed và Nadia, sống ở thành phố vô danh phải thường trực sống trong không khí chiến tranh, cuối cùng buộc phải chạy trốn.
Trong 2 năm, 2017 - 2018, ba tiểu thuyết: "Đừng nói chúng ta không lợi quyền" (Trang Nguyễn dịch, Phương Nam Book và NXB Văn học, 2018), "Pachinko" (Nguyễn Bích Lan dịch, Phanbooks và NXB Phụ nữ, 2018) và "Thoát đến phương Tây" xuất bản vào những thời điểm gần kề nhau, cả 3 tác giả đều là người gốc Á: Madeleine Thien gốc Hoa (tên theo âm Hán Việt là Đặng Mẫn Linh); Min Jin Lee gốc Hàn còn Mohsin Hamid gốc Pakistan. Điểm chung nữa của cả 3 đều lựa chọn chủ đề di dân để triển khai trong tiểu thuyết của mình.
Bìa 3 cuốn sách đề cập trong bài đã xuất bản tại Việt Nam
"Đừng nói chúng ta không lợi quyền" của Madeleine Thien thông qua hồi ức của một người Hoa nhập cư đã tái hiện sinh động lịch sử Trung Quốc kể từ sau nửa thế kỷ XX đầy biến động. Những nghệ sĩ, trí thức buộc phải rời bỏ tổ quốc nhưng cố quốc vẫn hiện diện trong họ, được nuôi sống bằng những khắc khoải cá nhân.
Nếu "Đừng nói chúng ta không lợi quyền" là những mẩu ký ức lịch sử vụn vỡ, xen lẫn thực tại với quá khứ, đa điểm nhìn và giọng kể thì "Pachinko" có lối viết rất cổ điển, tuyến tính, để lột tả số phận một gia đình Hàn Quốc sống ở Nhật Bản gần như suốt thế kỷ XX. Nữ tính nhưng không kém phần dữ dội, Medeleine Thien và Min Jin Lee thể hiện những trăn trở về nguồn cội, thông qua số phận một gia đình để khắc họa số phận cả một dân tộc.
"Thoát đến phương Tây" của Mohsin Hamid, tác giả nam duy nhất trong bộ 3 này, cũng mỏng về dung lượng so với 2 tác phẩm đã nhắc đến ở trên, tuy vậy, sức nặng chuyên chở của nó không hề thua kém. Bằng những chi tiết kỳ ảo, Hamid đã dẫn người đọc vào một cuộc phiêu lưu tưởng chừng bất tận trong một đất nước đang diễn ra nội chiến. Trong đó, cụm từ "Thoát đến phương Tây" như là một thần chú để thoát ra, đối với những đất nước thuộc thế giới thứ ba hay với người dân ở những nơi đang chìm vào đói nghèo hoặc chiến tranh, phương Tây đồng nghĩa với thiên đường.
"Giấc mơ Mỹ" còn sống được chừng nào thế giới vẫn còn có khoảng cách về sự phát triển. Nhưng điều gì xảy ra khi những người nhập cư bước qua cánh cửa "thiên đường" rồi nhưng vẫn gặp toàn người lạ? Liệu cả đời họ có thoát khỏi mặc cảm lưu vong, xa lạ khi sống trong cái "thiên đường" mà họ đã chọn lựa.
Một câu chuyện bi ai được kể bởi một người hài hước, sự khắc khoải về bản thể ở Mohsin Hamid không mạnh như ở 2 nhà văn trên nhưng ngược lại "Thoát đến phương Tây" là một bản tường trình những vấn đề thời sự.
Vấn đề nhập cư, thân phận sẽ luôn là chủ đề lớn, việc 3 tiểu thuyết kể trên xuất hiện trong vài năm gần đây, được giới phê bình công nhận bằng chứng là cả 3 tác phẩm trên đều có mặt trong danh sách đề cử của những giải thưởng văn học danh giá.
Bình luận (0)