NS Út Bạch Lan - Thành Được trong suất hát hội ngộ 14-10-2007 tại San Jose "Nửa thế kỷ Tùng và Hương trong vở Nửa đời hương phấn gặp lại nhau"
NS Thành Được và NS Út Bạch Lan may mắn khi bước chân vào nghề hát đã được danh sư Kim Chưởng chỉ dạy. Bà chủ đoàn cải lương Kim Chưởng được mệnh danh là "Anh hùng lưu diễn".
Khán giả khó quên cặp đôi này bởi cả hai đã tạo dấu ấn đậm nét qua các vở: "Chưa tắt lửa lòng", "Bên đồi trăng cũ", "Thuyền ra cửa biển", "Áo trắng nàng Mộng Trinh", "Nửa bản tình ca", "Người đẹp thành Bát Đa". . .
Trên sân khấu Kim Chưởng, đôi diễn viên tài sắc Thành Được - Út Bạch Lan yêu nhau, đưa đến cuộc hôn nhân mà nói theo soạn giả Nguyễn Phương, đó là cuộc hôn nhân có hôn thú hẳn hoi, NSND Phùng Há được mời làm chủ hôn bên đàn trai, bà bầu Kim Chưởng là chủ hôn đàn gái.
Đám cưới được tổ chức long trọng, hầu hết các ký giả kịch trường đều được mời tham dự. Báo chí thời đó đã đăng bài phóng sự lễ cưới và các giai thoại về cuộc tình Út Bạch Lan - Thành Được vì đây là lần đầu tiên trong giới nghệ sĩ cải lương có một cuộc hôn nhân "hôn thơ giá thú" đàng hoàng.
Thông tin nghệ sĩ hải ngoại Thành Được về nước tổ chức chương trình "Giã từ sân khấu" tại Việt Nam bất thành khi sức khỏe không cho phép khiến người hâm mộ không khỏi tiếc nuối.
NS Út Bạch Lan, Ngọc Giàu và Thành Được trong trích đoạn "Nửa đời hương phấn" diễn tại Mỹ năm 2007
Năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng theo lời nhận xét của NS hải ngoại Phượng Liên, mỗi lần gọi điện thoại thì lại được nghe ông ca vọng cổ: "NS Thành Được vẫn còn ca hay lắm. Bài hát nào chỉ cần gợi vài chữ là anh ca theo. Dù sức khỏe không như xưa nhưng nghe có chương trình mời biểu diễn là anh hăng hái, gần như quên hết mệt mỏi do tuổi già sức yếu".
NS Út Bạch Lan, Thành Được và Ngọc Nuôi trong vở "Nửa đời hương phấn"
Nếu khán giả cải lương yêu mến vở "Nửa đời hương phấn" thì không thể nào quên hai nghệ sĩ đã tạo dấu ấn đậm nét ngay từ ngày đầu vở diễn này ra mắt công chúng, đó là NSƯT Út Bạch Lan (vai Hương) và NS Thành Được (vai Tùng). Trong đêm tái ngộ khán giả của cặp đôi này tổ chức tại thành phố San Jose - Mỹ năm 1995 đã tạo làn sóng hâm mộ trong cộng đồng kiều bào tại Mỹ. Trên thực tế đó không phải là suất hát "Giã từ sân khấu" của hai nghệ sĩ nhưng gần như không còn suất diễn nào họ hội ngộ với nhau sau khi NS Út Bạch Lan qua đời đột ngột.
NS Út Bạch Lan - Thành Được
Nghệ sĩ Thành Được trước 1975 đã được mệnh danh là ông vua không ngai. Năm 12 tuổi ông đã bước lên sân khấu diễn cho Đoàn Thanh Cần. Hai năm sau, tên tuổi của NS Thành Được nổi bật trong vai Tô Đình Sơn (vở Khi hoa anh đào nở). Năm 1958, ông về hát trên sân khấu đại bang Kim Chưởng rồi sau đó lập nên thương hiệu Út Bạch Lan – Thành Được.
Còn sầu nữ Út Bạch Lan là em nuôi của danh cầm Văn Vĩ. Bà ca hay đến nỗi giới chuyên môn thời đó gọi bà là "bức trường thành vọng cổ". Khi gặp NS Thành Được, bà thú nhận trái tim mình rộn ràng trước "ông hoàng sân khấu" một thời điển trai, ca hay, diễn đầy phong độ.
Sầu nữ Út Bạch Lan và Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan diễn cùng CLB Sân khấu Lạc Long Quân tại Cung VHLĐ TP HCM (vở "Mẹ mãi trong đời con")
Khi đứng ra lập đoàn hát "Út Bạch Lan – Thành Được", đây là giai đoạn tài năng của ông và bà sáng rực. Bảng hiệu của đôi uyên ương nghệ thuật được công chúng mộ điệu dành cho nhiều ưu ái bởi đức tính thích sáng tạo, ca diễn nghiêm túc mà bằng chứng là năm 1967 ông được trao giải HCV Thanh Tâm với vai "Tướng cướp Thi Đằng" (vở "Tiếng hạc trong trăng" của Hà Triều, Hoa Phượng).
Sầu nữ Út Bạch Lan (ảnh: Thanh Hiệp)
NS Út Bạch Lan sau khi chia tay với NS Thành Được thì đầu quân về đoàn cải lương Long An, làm trưởng đoàn một thời gian. Tại đây bà đã góp phần đào tạo nhiều nghệ sĩ trẻ mà ngày nay họ đã được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT như: Ngân Vương, Mỹ Thu, Phương Hồng Thủy….
Hiện nay cuộc sống của nghệ sĩ Thành Được rất ổn định tại Mỹ cùng người vợ sau.
NS Thành Được
NS Thành Được và NS Trường Sơn (trong đêm live show NS Trường Sơn năm 2007 tại Mỹ)
Sinh thời, sầu nữ Út Bạch Lan đã từng tâm sự, phút giây khiến bà xao xuyến trước NS Thành Được chính là thời gian bà đi thu âm ở hãng dĩa Hồng Hoa. Khi đó "ông vua vọng cổ" Viễn Châu làm biên tập và giám đốc kỹ thuật đã viết bài vọng cổ mời hai người thu âm chung. Bài vọng cổ "Duyên bẽ bàng", trong đó có câu "Nếu phải xa nhau mình đừng tiếc nuối kỷ niệm một thời tươi đẹp, mà hãy nghĩ về nhau bằng cái nghĩa tri âm của đôi bạn tâm…đầu". Sau khi thu xong, NS Thành Được nói đùa với soạn giả Viễn Châu: "Chú Bảy viết bài này buồn quá, ca xong rồi con không muốn xa Út Bạch Lan". Và từ câu nói này, bà đã dành trọn trái tim yêu cho người đàn ông mà hàng triệu nữ khán giả mộ điệu "thầm thương, trộm nhớ".
Và cũng từ người đàn ông này bà đau khổ, khóc thầm, ghen tức cho mãi về sau. "Dù đã xa nhau như tôi biết chị Út Bạch Lan vẫn còn thương anh Thành Được. Đêm hội ngộ tại San Jose 14 tháng 10 năm 2007 do MC Thanh Tùng và chị Trương Gia Vy đứng ra tổ chức nhằm kỷ niệm nửa thế kỷ "Tùng và Hương" trong vở "Nửa đời hương phấn" tái ngộ.
Đêm đó tôi ở chung phòng với chị Út. Chị không ngủ mà cứ thao thức, bồi hồi. Vì hôm đó đến phần giao lưu với khán giả, anh Thành Được đã nhắc đến nguyên nhân đỗ vỡ hạnh phúc vợ chồng là do chị Út quá ghen. Mà thực tế chị ghen lắm, khi có một người chồng quá đào hoa, được nhiều nữ khán giả si mê. Đến suất diễn live show NSƯT Trường Sơn tổ chức tại quận Cam cũng trong năm 2007 do đạo diễn Mai Thế Hiệp thực hiện, cả hai một lần nữa hát trích đoạn "Nửa đời hương phấn". Trời đã trao cho họ duyên phận đến với nhau và cũng khiến họ chia ly trong đau buồn. Từ sau suất hát đó, họ không còn gặp nhau nữa" – NSND Ngọc Giàu kể lại trong xúc động.
Bình luận (0)