Phóng viên: Nói đến tác phẩm thi ca của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, công chúng biết nhiều đến tác phẩm "Kiều Nguyệt Nga" của đạo diễn Lưu Chi Lăng, tác giả Ngọc Cung. Khi quyết định thực hiện tác phẩm nhạc kịch về Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, anh có đối mặt với áp lực?
- NSƯT Thành Lộc: Đúng là không thể làm hay hơn vở cải lương của đạo diễn Lưu Chi Lăng, do đó tôi chọn hướng đi cho riêng mình. Đó là nhạc kịch. Áp lực là nếu vẫn sử dụng phần âm nhạc thu sẵn, dù nghệ sĩ hát thật trên nền phối âm, vẫn sẽ không có gì mới, do vậy chúng tôi quyết tâm mời cho được dàn nhạc sống. Nhạc sĩ Đức Trí là người tôi nghĩ đến đầu tiên vì anh đã gắn với chúng tôi qua tác phẩm "Ngàn năm tình sử", có một ê-kíp là học trò, cộng sự có thể gắn kết để dàn nhạc sống này theo suốt 25 suất diễn. Áp lực rất nhiều khi diễn viên kịch không thể hát sống vì không biết nhịp. Nhạc sĩ Đức Trí và tôi đã rất khổ luyện cho việc này, để các bạn diễn viên hòa vào tác phẩm tiếng hát từ nội lực và cảm xúc.
NSƯT Thành Lộc vai cụ Đồ Chiểu trong vở nhạc kịch "Tiên Nga" sẽ công diễn từ ngày 14-12 tại Nhà hát Bến Thành Ảnh: THANH HIỆP
Bên cạnh đó, vở "Tiên Nga" không chỉ có Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga mà còn có một nhân vật tôi đọc từ kịch bản cải lương của tác giả Ngọc Cung, đó là Kim Liên. Cô đã khoác lên mình chiếc áo mỹ nhân đất Việt, để thay thế Kiều Nguyệt Nga cống Phiên. Trong tác phẩm nhạc kịch này, Kim Liên đại diện cho những người phụ nữ nước Việt dũng cảm đối mặt với hiểm nguy, bảo vệ danh dự, chống lại bạo tàn, áp bức. Tôi yêu kính tác phẩm của cụ Đồ Chiểu vì đó là tác phẩm thuần Việt, các nhân vật mang đậm tố chất trung - hiếu - tiết - nghĩa của người dân Việt nói chung và sự hào sảng vốn có của người dân Nam Bộ.
Cảnh trong vở nhạc kịch "Tiên Nga" sẽ công diễn từ ngày 14-12 tại Nhà hát Bến Thành Ảnh: Thanh Hiệp
Hơn 20 năm trước khi sang Pháp lưu diễn vở "Ông Giuộc Đanh ở Sài Gòn" theo lời mời của sân khấu Pháp, chúng tôi đã dựng và diễn phục vụ kiều bào vở "Kiều Nguyệt Nga", lúc đó tôi đã ao ước sẽ dựng nguyên vở này tại Việt Nam. Hôm nay, tôi đã toại nguyện ước mơ của mình.
Vì sao anh chọn 3 nữ diễn viên: Vân Trang (Võ Thể Loan), Lê Khánh (Kim Liên) và Lê Phương (Kiều Nguyệt Nga)? Phải chăng đây là điều kiện cần và đủ cho vở nhạc kịch hướng đến khán giả trẻ?
- Lúc đưa kịch bản cho diễn viên đọc, tôi có nói với Vân Trang là em hãy xem 2 vai Kim Liên và Võ Thể Loan, nếu em thích vai nào thì nhận vai đó vì anh thấy em và Lê Khánh đều hợp với 2 vai này. Sau khi đọc xong, Vân Trang nói vai nào cũng hay nhưng với sức của em thì em chỉ dám nhận vai Võ Thể Loan.
Thật ra sự lựa chọn của Vân Trang lại quá đúng ý tôi vì ở Vân Trang không chỉ có nét đẹp quý phái mà còn có cả kiêu hãnh trong đó, nói theo đúng từ ngữ hiện nay là "sang chảnh". Có lẽ đây cũng là lần đầu Vân Trang đóng vai tính cách trên sân khấu, mà trong nghệ thuật cải lương gọi là đào lẳng. Vai Võ Thể Loan chỉ xuất hiện mỗi một cảnh mở đầu cho hồi 2 chỉ có 4 nhân vật nên phải chọn những diễn viên giỏi nghề, cứng cựa mới cự được với cảnh cuối của hồi 1 quá nóng, đó là cảnh Kim Liên hành thích vua Phiên, Vân Trang cùng NSƯT Hữu Châu, Hương Giang, Lương Thế Thành làm được điều kỳ diệu. Đây là lớp kịch dựa vào diễn xuất của diễn viên, xung đột tâm lý của nhân vật kịch là chính chứ không vào kỹ thuật dàn dựng tình huống. Còn với Lê Khánh, cuối năm nay em có 2 vai hay: Hạ trong vở "Ngôi nhà không có đàn ông" và Kim Liên trong vở nhạc kịch "Tiên Nga", tôi cho đó là sự xứng đáng trước nỗ lực lao động của em. Với Lê Phương, tôi chọn từ đầu em sẽ vào vai Kiều Nguyệt Nga, thú thật tôi chưa xem em diễn cũng chưa nghe em hát, dù thấy hình trên báo mạng em có cầm micro hát. Thế rồi, tôi đã không sai khi chọn em. Phải nói nếu 3 nữ diễn viên này không thể tham gia, tôi khó mà chọn ai để thay thế. Họ minh chứng cho một sức trẻ có nhiều hoài bão, muốn được chạm vào những vai diễn khó cho hành trang nghệ thuật của mình.
Với thủ pháp dàn dựng mới, mang lại cho nhạc kịch thuần Việt không gian sang trọng, nếu làm không khéo sẽ bị "lai cải lương" bởi vở diễn vận dụng cổ trang, bối cảnh giống thể loại cải lương. Để tránh bị rập khuôn anh bám vào tiêu chí nào để hình thành bố cục vở nhạc kịch này?
- Là nhạc kịch cổ trang thuần Việt nên chắc chắn tôi phải sử dụng vũ đạo của nghệ thuật truyền thống. Tiêu chí mà tôi bám theo chính là âm nhạc mang âm hưởng vùng đất Nam Bộ. Nhạc sĩ Đức Trí đã sáng tác dựa theo âm hưởng của âm nhạc tài tử và thang âm ngũ cung. Ở một số lớp diễn chúng tôi còn sử dụng các điệu thức: Ai, Bắc, Xuân. Đức Trí rất kỹ, trong quá trình tập dượt anh luôn mang theo từ điển tiếng Việt, để câu chữ nào không thuận thì thay thế đúng chất thuần Việt.
Sàn diễn đang gặp nhiều khó khăn, việc cho ra đời vở nhạc kịch hoành tráng như vậy, anh có nghĩ đây là cuộc chơi phiêu lưu?
- Ba vở diễn đỉnh cao mà chúng tôi đã làm đều rơi vào những cột mốc kỷ niệm thương hiệu Kịch IDECAF: "Bí mật vườn Lệ Chi" (5 năm), "Ngàn năm tình sử" (10 năm), "Vua thánh triều Lê" (15 năm). Thì với chặng đường 20 năm, tôi muốn minh chứng rằng khán giả luôn hướng tới nghệ thuật chân chính. Tôi muốn nhắc thế hệ trẻ hướng tới nghệ thuật ở thánh đường đúng nghĩa, nơi mà chúng tôi luôn giữ lửa cho chính mình và cho nghệ thuật, để các bạn diễn viên trẻ hiểu hơn về vị thế của nghệ sĩ muốn được khán giả yêu mến thật sự thì phải lao động nghệ thuật đúng tầm và khát vọng vươn tới những vai diễn khó.
Sau buổi diễn phúc khảo, điều gì đọng lại trong lòng anh về tác phẩm "Tiên Nga". Anh có tự tin khán giả sẽ hưởng ứng vở nhạc kịch thuần Việt này?
- Cách đây vài ngày, khi chúng tôi tiến hành trình duyệt phúc khảo vở "Tiên Nga" lại đúng ngay vào thời điểm người dân Khánh Hòa và một số tỉnh miền Trung đang quằn quại trong cơn bão 12, cho nên khi lớp cuối kết thúc vở diễn, tất cả nhân vật cùng hát bài hát ngợi ca hòa bình với nội dung: "Hòa bình đến với dân tôi. Hòa bình phải đến với người thiện tâm. Qua bao dâu bể rối bời. Đêm đen đã sáng rạng ngời ánh dương. Ngọt bùi ôn chuyện đắng cay. Cầu cho sóng lặn dân lành ra khơi!".
Như quá hợp tình hợp cảnh, chúng tôi thấy mọi người ngồi dưới khán phòng, trong đó đa số là các nhà chuyên môn, báo giới đều xúc động và cùng đứng lên vỗ tay theo nhịp rồi cùng hòa giọng với chúng tôi ở 4 câu hát quen thuộc của cụ Đồ Chiểu: "Ai ơi lẳng lặng mà nghe! Dữ răn việc trước, lành dè thân sau. Trai thời trung hiếu làm đầu. Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình!".
Màn đóng lại, anh em diễn viên chúng tôi ôm nhau thật chặt, ngoài khán phòng vẫn những tiếng hò reo của khán giả. Tôi tin công chúng sẽ đến với tác phẩm của mình, vì chúng tôi đã thực hiện tác phẩm ca ngợi lòng ái quốc. "Tiên Nga" là câu chuyện thơ nhưng lồng thêm lịch sử, khát vọng hòa bình và gửi gắm vào đó lời nhắn nhủ người dân Việt phải luôn khắc ghi công ơn của những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc.
Dấu ấn đậm nét của Thành Lộc
Vở nhạc kịch mang tên "Tiên Nga" do NSƯT Thành Lộc đạo diễn và biên kịch từ kịch bản văn học của NSND Nguyễn Thành Châu, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Hồng Dung đã nhận được sự khen ngợi của giới chuyên môn sau buổi ra mắt.
NSƯT đạo diễn Trần Minh Ngọc nhận xét: "Trong vai cụ Đồ Chiểu, Thành Lộc đã khiến tôi bất ngờ trong cách kể chuyện. Cụ Đồ Chiểu đau đáu trước những bi kịch của Tiên, Liên, Nga và thân phận Kim Liên cũng chính là thân phận và nỗi niềm của cụ Đồ Chiểu. Với trạng thái trầm buồn đầy trắc ẩn. Đây cũng có thể xem là lần đầu tiên một tác phẩm nghệ thuật chuyển thể tác phẩm Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga mà tác giả xuất hiện với tư cách một nhân vật có đất diễn giàu cảm xúc. Trong cách kể chuyện của mình, Thành Lộc không xuôi theo trình tự tác phẩm gốc. Anh hòa mình vào số mệnh của nhân vật, nói lên vận mệnh, tiền đồ của dân tộc, nếu chịu luồn cúi, hèn nhát, sẽ không thể ngẩng cao đầu. Ý chí quật khởi của cụ Đồ Chiểu đã truyền ngọn lửa đấu tranh chống bạo tàn cho Kim Liên, giữ phẩm hạnh cho Kiều Nguyệt Nga và sự kiên trung, mạnh mẽ vượt bao thử thách của chàng trai họ Lục. Dấu ấn đậm nét của Thành Lộc là đây".
Bình luận (0)