Với tôi, Sài Gòn – TP HCM luôn đẹp và đầm ấm tình người.
50 năm về trước, lúc lên 10 tôi đã ấn tượng hai tiếng Sài Gòn. Ngày đó, mẹ dắt 5 anh em chúng tôi từ quê lên Sài Gòn chơi. Tôi nhớ thời đó chưa có bến xe miền Tây mà xe đậu ở khu vực đường Lê Hồng Phong bây giờ. Mẹ kêu chiếc xích lô máy chở về nhà người bà con bên Xóm Củi. Xuống xe rồi mẹ mới nhớ bỏ quên cái bóp (ví) trên xe xích lô. Trong bóp khá nhiều tiền vì không chỉ đi chơi mà mẹ còn tranh thủ bổ hàng về bán. Đang buồn rầu nghĩ chắc mất rồi thì nghe tiếng xe "pành pành". Má quay lại thì thấy chú xích lô máy giơ cái bóp tiền vừa cười vừa nói "Mai mốt cẩn thận nghe".
Những năm 1980 tôi làm nghề buôn bán hàng kim khí điện máy nên thường xuyên đến chợ Huỳnh Thúc Kháng. Chợ hoạt động theo kiểu "chợ trời" nên khá phức tạp. Ngày đó chưa có các dịch vụ chuyển tiền, chuyển khoản như bây giờ, giao dịch chủ yếu là tiền mặt nên tôi luôn mang theo khá nhiều tiền. Lần đó tôi đến một quầy bán băng video chọn mua một số băng ca nhạc, cải lương... về bán. Tính tiền, lấy hàng xong khi đến quầy bán tivi, cassette... mới nhớ đã bỏ quên cái túi xách đựng tiền ở quầy bán băng. Lúc đó tôi không hy vọng còn vì giữa tôi và chủ quầy bán băng đó không hề quen biết, không là mối mua bán của nhau. Nhưng từ xa tôi đã thấy chị chủ quầy ôm cái túi của tôi trước ngực dõi ánh mắt tìm kiếm. Chị trả túi cho tôi cùng những lời dặn dò cẩn thận. Điều ấn tượng nhất với tôi lúc đó là sự chân thành, là niềm vui trong mắt chị không kém gì niềm vui của tôi!
Người dân đi mua hàng tại một siêu thị ở TP HCM Ảnh: NGỌC ÁNH
Tôi cũng thường đến các chợ Kim Biên, Nhật Tảo, Tân Thành... và cũng thường nhận được những lời dặn dò, giữ gìn tiền bạc cẩn thận của người bán. Không ít lần đi xe thức đêm mệt mỏi nên đầu óc thiếu tỉnh táo đưa tiền thừa hoặc để tiền bạc hớ hênh tôi đều nhận được sự dặn dò chu đáo. Tôi thấy người buôn bán ở TP HCM ngoài mặt có vẻ "lạnh lùng" nhưng kỳ thực họ rất thiệt tình. Tuy nhiên, cái gì thấy cần họ mới lên tiếng, giúp đỡ. Đặc biệt là họ không phân biệt người vùng miền nào, thậm chí tôi thấy họ còn "thương" dân tỉnh lẻ nữa!
Có một kỷ niệm khó quên là lần tôi đưa mẹ đi khám bệnh ở BV Đại học y dược TP HCM. Khám xong, bác sĩ yêu cầu nhập viện nhưng trên khoa hết giường nên hẹn đầu giờ chiều quay lại. Tôi và con gái đưa bà ra cổng bệnh viện đứng lóng ngóng chưa biết tính sao. Nhiều năm không lên TP HCM nên tôi khá lạ lẵm, còn con gái thì mới lên đây học đại học được 2 tháng nên cũng chẳng rành đường. Bỗng có một chị ngồi trên xe máy bảo thuê khách sạn gần đây nghỉ tạm. Nói vừa dứt lời chị dắt ngay xe máy xuống đường bảo con tôi ngồi sau ôm bà, chở một mạch tới khách sạn gần đó. Khi tôi đi bộ tới khách sạn thì chị ấy đã đi rồi làm tôi không kịp nói lời cảm ơn. Tôi tự nhủ: Có lẽ không nơi nào có nhiều "Lục Vân Tiên" như mảnh đất Sài Gòn – TP HCM!
Cháu gái tôi là sinh viên Trường đại học Kinh tế - Luật kể có lần cháu vào nhà sách mua vài dụng cụ học tập. Khi cháu mua xong, chị bán hàng vội trở ra đưa lại 1 tờ 500.000 đồng vì cháu tôi đưa dính tới 2 tờ. Cháu nghĩ, trong hoàn cảnh đó chị bán hàng có thể lờ đi được. Nhưng không, chị đã trả lại cho cháu, rất rạch ròi. Mấy năm sau, trong một lần đi siêu thị cháu nhận được một bóp tiền ai đó đánh rơi. Cháu mang đến bảo vệ siêu thị kiểm tra thì có vài giấy tờ tùy thân và số tiền gần 20 triệu đồng. Phải chờ đợi mất hơn 1 giờ đồng hồ mới tìm được người, trả lại bóp tiền với sự phối hợp giữa siêu thị và công an khu vực. Dứt khoát từ chối khoản tiền hậu tạ, cháu chỉ nhận đúng một que kem "vị Sài Gòn" mát rượi.
Có lẽ những câu chuyện, hành động đẹp về mảnh đất Sài Gòn – TP HCM không còn xa lạ với nhiều người. Với tôi, cái quý nhất chính là tính kế thừa, là đặc trưng Sài Gòn – TP HCM vẫn lưu truyền qua từng thế hệ. Cái đẹp đã thuộc về bản chất của con người, vùng đất hòa quyện cùng năm tháng.
Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải
Nhận bài dự thi từ ngày 10-4-2021. Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.
Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021)
Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.
Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)