Một ngày cách nay 14 năm, tôi nhìn thấy trong nhà anh chị mình một tờ báo giấy đã qua ngày, trong đó có một cuộc thi viết. Có cảm hứng và cũng muốn thử sức mình, tôi liền viết tham gia. Tôi viết trên giấy và gửi theo đường bưu điện vì khi ấy wifi chưa kết nối rộng khắp và computer là một phương tiện xa xỉ với nhiều người, trong đó có tôi!
Tôi nghĩ bụng nếu có bài đăng thì tòa soạn sẽ theo dấu bưu điện báo về!
Thì trong tuần đó có tin báo thật, nhưng qua tin nhắn, từ một người bạn học. Bạn nói vừa đọc bài tôi đăng trên Báo Người Lao Động, trang viết về người thầy.
Bài báo duy nhất tôi sử dụng tên thật của mình! Đến giờ, người bạn báo tin cho tôi vẫn là một ẩn số. Tôi chỉ có thể đoán đó là bạn học chung đại học với tôi. Cũng là bài báo khởi đầu cho tôi, mạnh dạn viết tham gia cộng tác cho các tòa soạn báo ở TP HCM, hưởng niềm vui nho nhỏ những khi nhận được nhuận bút.
Sở dĩ tôi yêu TP HCM vì cảm thấy mọi thứ nơi này thân thuộc với mình, kể từ khi tôi chào đời, 3 năm sau ngày thống nhất đất nước. Tôi cảm thấy mình như một nhân chứng cho những đổi thay của TP này. Nơi nào trước đây từng là thửa ruộng, ao hồ, nơi nào là trường học, là trụ nước công cộng... Vô số cao ốc đã mọc lên, trẻ nhỏ lớn lên, tôi cũng vào tuổi "chớm thu". Tôi vui mừng lẫn tự hào trước những đổi thay của TP. Tôi yêu tất cả những gì thuộc về TP này, kể cả những điều không hoàn hảo.
Từ những căn hộ này, người trẻ nhìn ra và thấy thành phố luôn rộng mở Ảnh: SỸ ĐÔNG
Giờ đây công việc của tôi cũng đã thuận tiện hơn rất nhiều. Tôi bứt rứt nếu mỗi ngày không nhìn lại TP này một chút. Tôi nóng lòng với một dự án giao thông lớn đang chuyển động để về đích. Đường về nhà tôi đi qua những quận nội thành, ngang qua những cây cầu, tôi bồi hồi nghĩ về cha tôi, nhớ cha đã từng đèo tôi bằng xe đạp lên những con dốc. Chợ Cầu Muối khi ấy với tôi là xa lắm. Cạnh đó vẫn còn một ngôi trường, nơi tổ chức lớp bồi dưỡng hè cho các giáo viên...
Nói đến TP HCM là nói đến cái thân thiện của con người. TP rộng nên lòng người không ưa chấp nhặt những chuyện nhỏ, giận nói đó rồi quên! Cái nét đặc trưng của TP này không lẫn vào đâu là những miệng cười. Từ hai bến Miền Đông, miền Tây, bước xuống xe là những gương mặt ngơ ngáo, lạ nước lạ cái nên rụt rè. Người TP liền chủ động bắt chuyện, cười một cái cho người ta bớt sợ, cười để nâng người ta ngước mặt nhìn lên. Vỗ vai một cái để khích lệ, móc số tiền ít ỏi còn trong túi ra để giành trả tiền chai nước, sốt sắng chỉ nơi đang tuyển lao động công nhật, đặt luôn giùm cuốc xe công nghệ. Ở đất này, chẳng có gì phải ngại ngùng, xấu hổ, cả sinh viên đi phụ hồ hay chạy xe công nghệ ngoài giờ. Miễn đúng luật pháp và không làm điều xằng bậy là được. Cha mẹ tôi vẫn luôn nhắc vậy.
Tôi cũng tính hay cười, dù cuộc sống có buồn vui, sướng khổ. Mùa dịch, tôi sụt xuống 2 kg, dáng vẻ có chút tiều tụy. Thấy "chủ nợ", cũng là bạn tôi, tôi xuê xoa: "Cam rẻ, mua uống, sẵn giảm cân". Tôi che giấu việc ăn chay, túc tắc qua ngày, vì còn gánh nợ nhà cửa... Bạn vẫn tinh ý, kéo tôi đi ăn phở Bắc! Bạn khác nhờ Grab gửi tôi thực phẩm đóng gói, đặc sản, với lời nhắn "Ăn phụ giùm".
Giờ đây, tôi đã có cho mình một chiếc tổ nhỏ, để từ đó nhìn ra tôi luôn thấy TP và cuộc sống rộng mở. Từ đó nhìn ra, tôi thấy mình là chú chim may mắn. Trong những ngày Covid chưa qua, TP của tôi luôn sẵn sàng phòng chống dịch với tất cả sự cẩn trọng và ý thức tự giác của mọi công dân. Tôi mong và tin sẽ đến ngày tất cả trở lại nhịp sống sôi động thường ngày.
Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải
Nhận bài dự thi từ ngày 10-4-2021. Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.
Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021)
Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.
Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)