Với cô, thành phố này là nơi những khát vọng thanh xuân luôn cháy bỏng để cùng anh hướng về. Ước mơ của anh dang dở thì cô cùng những người con của thành phố chung tay dựng xây, vun đắp. Để bây giờ, đi qua nửa cuối cuộc đời, những yêu thương không bao giờ vơi.
Chiều nay, cô lại ghé về vùng đất lửa của một thời tuổi trẻ, nơi cô cùng bao người từng chiến đấu, hy sinh. Chiếc ghe nhỏ chạy ngang đồn Rạch Bắp, cô gọi chủ đò ngừng ngay chỗ mấy gốc gừa già mọc de ra bờ sông để cô ngắm nhìn cảnh cũ. Bâng khuâng và nhói đau.
Ngay chỗ này đây, ngày 28 tháng 4 năm 1975, cô và anh đã đi ngang qua đây để về thành phố, để cùng chung tay với nhóm sinh viên đô thị chuẩn bị lo tiếp quản thành phố.
Chiếc xuồng nhỏ lênh đênh trên sông nước, anh bơi mũi, cô bơi lái, hai người trò chuyện vui vẻ, cùng bàn tính chuyện tương lai. Bầu trời trên cao trong vắt, không một áng mây, tiếng chim hót trên mấy nhành cây bên bờ sông nghe thật yên bình. Trong giây phút cận kề ngày độc lập, lòng cô nôn nao vui mừng quá đỗi. Bỗng từ trong đồn Rạch Bắp, mấy tên địa phương quân của chế độ cũ vẫn còn ngoan cố bắn ra. Chiếc xuồng ba lá lật ngang, anh bị thương nặng nơi ngực trái, máu loang trên dòng nước đỏ hồng. Cô cố dìu người yêu tấp vào gốc gừa, băng cá nhân bỏ trong ba lô đã bị cuốn theo dòng nước. Trong lúc hoảng loạn, cô cởi chiếc áo bà ba, xé ra băng vết thương trên ngực người yêu. Tiếng anh mệt nhọc: "Anh không… sống... Anh… về…tới thành phố, được chết trên...tay em. Chào ..em…Chào thành phố ..."
Cô ôm anh đứng trơ bên gốc gừa, nước mắt, máu và nước sông quyện hòa nhau, đôi mắt anh vẫn trừng mở, nhìn bầu trời trong xanh, vời vợi trên cao...
Chiếc ghe đi bán trái cây cứu giúp hai người. Cô chở xác anh về giữa phố trưa đang tưng bừng cờ hoa náo nhiệt. " Anh ơi! Mình về tới thành phố rồi". Tiếng cô nghẹn trong ngực. Cô khóc òa, cô nhìn thành phố thân yêu đang trong giờ phút thiêng liêng, trọng đại của đất nước, niềm vui lớn đã về, lòng cô rối bời giữa niềm vui và nỗi buồn đau buốt tận tim gan.
***
Theo năm tháng rồi nỗi buồn cũng dần qua. Biết bao người đã hy sinh trong những ngày cận kề ngày đại thắng. Máu xương đã trải khắp nẻo đường thành phố để giành lại nền độc lập thống nhất cho nước nhà. Nỗi đau của cô hòa trong niềm đau chung của những người con đã hy sinh cho ngày toàn thắng. Trước mắt, nhiều việc phải làm để phục hồi nền kinh tế, ổn định xã hội đã cuốn cô đi, nỗi buồn rồi cũng nguôi ngoai theo năm tháng.
Ngày nay TP HCM phát triển nhanh chóng, diện mạo thành phố ngày càng hiện đại Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Kinh tế thời hậu chiến còn quá nhiều khó khăn, các cuộc di dân về vùng kinh tế mới để khai phá những vùng đất hoang, dân chung sức đi làm thủy lợi… Đang lúc khó khăn trăm bề thì Mỹ cấm vận Việt Nam, trong nước thì sản vật bị ngăn sông cấm chợ. Rồi những người lãnh đạo TP HCM đã mạnh dạn chủ trương "Mở cửa", lãnh đạo đất nước nhận ra đây là lối đi đúng và quyết tâm đưa đất nước đi vào công cuộc đổi mới. TP HCM vượt lên dẫn đầu, góp phần đưa đất nước phát triển, hòa nhập cùng bạn bè quốc tế.
Bốn mươi lăm năm, TP HCM thay da đổi thịt từng ngày. Dưới những vòm cây xanh, bên những dòng kênh, con rạch là đời sống của hàng triệu con người. Đời sống người dân ngày càng dễ chịu, vật chất tinh thần phong phú, diện mạo thành phố ngày càng hiện đại. Dòng sông Sài Gòn vắt ngang thành phố như một dải lụa trắng, uốn lượn quanh co tạo nên phong cảnh hai bên bờ sông đẹp như bức tranh thủy mạc. Cây cầu Phú Mỹ đỏ thắm lừng lững trên dòng nước đục phù sa. Cảng Sài Gòn nhộn nhịp tàu buôn trong nước và thế giới với những chiếc tàu khổng lồ có sức chứa hàng vạn tấn. Kia là Bến Nhà Rồng, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước nay được trùng tu tôn tạo thành Bảo tàng Hồ Chí Minh trang trọng, thâm nghiêm.
Giờ đây cô đã có gia đình ấm êm, cô sống gần công viên Đầm Sen là công viên đẹp và lớn nhất thành phố. Sau ngày thống nhất đất nước, cô công tác trong ngành giáo dục, tròn tâm nguyện ngày xưa cô và anh từng nghĩ về, mong ước ngày trở lại thành phố và đứng trên bục giảng, dạy dỗ những thế hệ học sinh nên người. Nay cô nghỉ hưu nhưng vẫn cùng đồng đội năm xưa làm những việc có ích cho đời, những chuyến về nguồn, những hoạt động chăm lo cho gia đình đồng chí đồng đội ngày xưa, những dự án xã hội và những trang văn lay động.
Mỗi lần nhớ người xưa, cô thường về Củ Chi để nhìn lại chốn cũ mà trôi trong miền nhớ, mà thầm dặn lòng hãy sống và làm việc vì thành phố thân yêu, xứng đáng với lòng tin yêu của những người đã khuất.
Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải.
Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.
Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).
Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.
Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)