xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thành phố và những con đường sách

Em Nguyên

Học ở sách vở và còn học ở người xưa, ở ông bà ba mẹ cách sống dung dị, khiêm nhường, tấm lòng nhân hậu, vị tha và trọng tình trọng nghĩa

Tôi đã một lần đến Đường sách Nguyễn Văn Bình. Đúng là một điểm hẹn đẹp cho những người mê sách, thích chụp hình hay tham gia vào các sự kiện có liên quan đến sách. Tôi ngắm nhìn, mọi thứ thật tinh tươm, những cuốn sách giấy trắng thơm mùi mực khiến tôi chạnh lòng nhớ đến những trang sách cũ vàng thời thơ ấu của mình. Để đến được với con đường đẹp trước mắt tôi bây giờ là cả một chặng dài đầy ắp kỷ niệm của nhiều người, trong đó có tôi.

Trên những vỉa hè rợp bóng cây, sát bờ tường là những tấm nilon trải ra và sách được xếp đặt khéo léo cho người mua ngó thấy cái tựa. Môn khoa học nào cũng có sách. Người đi đường dừng lại chọn lựa. Có người ngồi chồm hổm thử đọc mấy trang. Có người bò dài vô trong lục tìm cuốn sách yêu thích. Sách cũ nhưng nhiều cuốn bao bìa cẩn thận. Mỗi lần sà xuống một điểm, ta lại có cái hồi hộp, háo hức bởi đôi khi sẽ tìm thấy cuốn mình vô cùng cần, lại có một cái giá vô cùng "tình thương mến thương". Cứ hình dung nó đến từ một cái tủ đồ sộ, trong một căn phòng yên tĩnh, sạch sẽ. Lật giở từng trang, cảm giác bàn tay đang chạm vào những ngón thon dài của ai đó hoặc đang lưu lạc xứ người, hoặc tất tả trong cuộc mưu sinh ở ngoài kia. Cầm lên một cuốn tiểu thuyết của Quỳnh Dao, Hồ Biểu Chánh...  lại như thấy hình ảnh một thiếu nữ ngồi trên balcon có giàn bông giấy, mơ màng. Tôi học Văn, bắt gặp cuốn Tự điển Tiếng Việt của Khai Trí, mừng húm, nhưng tiền không đủ, cứ ngồi mân mê. Bà chủ hàng xởi lởi: "Thấy mày muốn quá, thôi Sáu để rẻ luôn cho". Sao mà dễ thương làm vậy! Rồi tôi nhớ đã đọc đâu đó câu chuyện cảm động về người học trò mua lại cuốn sách quý đem tặng lại thầy mình vì nhận ra tên của thầy trên đó. Ân tình biết bao!

Thành phố và những con đường sách - Ảnh 1.

Tôi vẫn nhớ mình đã vui như thế nào vào hôm "rinh" được bộ Tự điển Văn học về nhà (Ảnh tác giả)

Báo và tạp chí cũng có cách đi tìm người đọc. Ngoài những chú bé chạy lăng xăng "Báo đây, báo đây...!", còn có rất nhiều sạp nhỏ, với cách bài trí na ná nhau. Một cái tủ thiết kế đặc biệt với một ngăn trữ hàng bên dưới, bên trên là mặt quầy bày hàng. Những cánh cửa ban ngày kéo xuống cho mặt quầy rộng thêm, để được nhiều báo, ban đêm chủ sạp dựng lên rồi chốt khóa lại. Tạp chí có bìa màu thì dùng kẹp gỗ treo một hàng ở mặt trước cho bắt mắt, nổi bật hình ảnh những ngôi sao một thời như Thúy An, Diễm My, Chánh Tín ... với nụ cười quyến rũ trên các tạp chí Điện ảnh, Điểm phim. Sau lưng chủ sạp thường có thêm dàn kệ để truyện cho thuê. Thế chân một khoản rồi tha hồ mượn đọc. Giá thuê chỉ vài đồng một lượt đọc thôi...  Những sạp báo này sống được cũng nhờ người TP HCM vẫn giữ thói quen đọc nhật trình từ xưa. Sáng ra ngồi quán kêu ly cà phê đen vừa nhâm nhi vừa đọc báo, rôm rả chuyện trò hay bác xích lô mua tờ báo tranh thủ đọc tin khắp nơi lúc đợi khách.

Sinh viên chúng tôi hồi đó chưa biết đến làm thêm, mặt mũi lúc nào cũng ... ngây thơ và túi thì luôn luôn rỗng. Chúng tôi bị các thầy la hoài "Sao như học trò cấp 4 vậy bây!". Nhà nước cho 17 ký gạo là để đủ năng lượng mà học. Dân ngoại trú ăn cơm nhà được phép bán lấy để có tiền xài vặt. Dân nội trú nhờ có ba má chắt bóp gửi lên, xài nhín nhút để hôm nào ra sớm thì kéo nhau tới nhà sách. Gọi là nhà sách cho sang chứ lúc ấy những nhà sách trên đường Trần Bình Trọng, Nguyễn Văn Cừ, Câu lạc bộ Lao Động ở Tao Đàn ... vẫn còn chật hẹp, song là những điểm đến quen thuộc của chúng tôi. Thời đó chưa có máy photocopy, cũng chưa có internet để tìm tòi, chúng tôi buộc phải vào thư viện ghi tay. Vậy nên sở hữu được sách là mừng, có thể nhịn ăn dành tiền mà mua sách. Tôi vẫn nhớ mình đã vui như thế nào vào cái hôm "rinh" được bộ Tự điển Văn học về nhà. Đến giờ tôi vẫn gìn giữ trân trọng, vì đó là kỷ niệm hơn là một tài liệu hữu dụng.

Thành phố qua mấy  mươi năm đã có quá nhiều thay đổi. Người đi, người đến. Những dòng kênh xanh hơn. Những con đường tấp nập  xe cộ.  Công nghệ phát triển. Cuộc sống người dân cũng sung túc, phong phú hơn. Cách tiếp cận thông tin cũng khác trước. Sách cũ lưu lạc giờ về lại với những phố sách quen thuộc và nổi tiếng của thành phố, sách và người mê sách sẽ tìm nhau dễ dàng hơn.

Những nhà sách hôm nay đã rất khang trang với cửa kính, máy lạnh, không gian yên tĩnh thoáng rộng, mọi thứ ngăn nắp. Người ta còn lịch sự xếp nhiều bộ ghế rải rác cho độc giả. Những chàng trai cô gái, những đứa trẻ phổng phao xinh đẹp, ăn mặc thời trang, ngồi đọc chăm chú. Tôi nhận ra rằng, người trẻ dù ở trong hoàn cảnh nào cũng giống nhau ở ý chí, khát khao vươn tới tri thức. Học ở sách vở và còn học ở người xưa, ở ông bà ba mẹ cách sống dung dị, khiêm nhường, tấm lòng nhân hậu, vị tha và trọng tình trọng nghĩa. Phải chăng điều đó đã làm nên sức mạnh, sự bền bỉ, góp phần giúp thành phố quê hương vượt qua những khó khăn để phát triển, đi lên.

Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"

Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải

Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.

Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).

Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.

Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.

Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".

Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn

BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG



Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo