...Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang/Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ/Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn... Tôi mê những câu thơ ấy của Tuệ Sĩ những năm còn ngồi ghế giảng đường, rồi quên mất trong những tất bật công việc. Bỗng Hồ Sĩ Bình xuất hiện ở phòng tôi và đưa tập sách mới của anh ra tặng: "Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện" (NXB Hội Nhà văn - 2020). Anh chọn 6 từ trong một câu thơ của Tuệ Sĩ để làm tựa cho cuốn sách, thật gợi!
Chong đèn cả đêm ngồi với những trang bản thảo chính là cách làm việc của giới cầm bút. Chẳng thế mà Erskine Caldwell, nhà văn nổi tiếng người Mỹ, cũng từng đặt tên cho một tiểu thuyết của ông - "Đêm đêm đèn sáng!". Mà không viết vào ban đêm thì viết vào lúc nào? Hồ Sĩ Bình đi dạy học nhiều năm ở miền núi, làm quản thủ thư viện một trường học, làm biên tập viên suốt ngày ở một nhà xuất bản, đi thực tế để có tư liệu và vốn sống ở khắp nơi… nên về đêm mới tĩnh tại ngồi trước trang giấy, trước bàn phím cũng là điều tất yếu.
Ngoài cả chục đầu sách in chung thì "Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện" là tập bút ký và tiểu luận văn học thứ 5 mà anh vừa ra mắt bạn đọc trong "năm Covid 2020" này, với 250 trang đầy đặn. Xếp tập sách lại, tôi mới giật mình, té ra nhờ đọc nhiều, đi nhiều mà anh tích lũy vốn cho thế mạnh bút ký của mình. Đến đâu, gặp ai, đề cập việc gì, anh cũng đào đến tận nơi, lục tung ký ức, tra vặn đến ngọn ngành đối với từng nhân vật.
Tập sách mới này gồm 21 ký sự và 24 bài viết, tiểu luận văn học về thơ văn, hội họa, âm nhạc của nhiều tác giả - càng cho thấy sức đi, sức đọc và khả năng thẩm thấu văn nghệ của Hồ Sĩ Bình. Rồi tôi lại thoáng nghĩ, hèn chi anh được chọn làm biên tập viên của NXB Hội Nhà văn!
Bìa sách “Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện”
Trở lại với thế mạnh bút ký của mình, Hồ Sĩ Bình rất tinh tế khi phát hiện nhiều chi tiết và cảm xúc, phù hợp cho thể loại văn học này. Một cố kinh thấm đẫm không gian sống giao thoa giữa Phật giáo với yếu tố làng quê và phố thị (Luang Prabang…); Đắk Nông, Gia Nghĩa vẫn là nỗi ám ảnh đầy tiếc nuối trong những tháng ngày xa cách, lòng cứ canh cánh một nỗi niềm trở lại (Đắk Nông, ký ức ngọt ngào) hay anh chỉ ghé qua Đơn Dương, nơi mà họa sĩ Đinh Cường và Trịnh Công Sơn đã đến đó, ở lại và sáng tác thì ngay tức khắc có một ký sự đầy cảm xúc và hoài niệm. Các bút ký "Mùa cá rải đồng ở Diên Sanh" hay "Phố cây bàng" và cả "Thắp đèn khuya" gắn liền với quê hương và ký ức tuổi thơ của tác giả đã để lại cho người đọc nhiều cảm xúc về những người mẹ, người bà thím nghèo, về dòng sông Thạch Hãn và những mùa mưa lụt ở quê nhà. Ăn những món ăn đơn sơ của quê nghèo, anh chợt bồi hồi: "Thật ra cái vị giác của mỗi người bao giờ cũng hình hành từ những ngày thơ bé bên mẹ mình, những món ăn mẹ nêm nấu cho ta ăn đã vấn vương hương vị riêng của vùng miền, (dù mấy chục năm lưu lạc) vẫn không hề quên được, chỉ cần đụng đến trên đầu lưỡi lại rung lên mỗi cảm xúc kỳ lạ khó tả…". Ai đó từng viết "Mẹ là người dạy ta về văn hóa ẩm thực vĩ đại nhất", quả không sai!
Nếu viết về quê hương Quảng Trị, Hồ Sĩ Bình khiến ta cảm xúc bùi ngùi thì những bút ký về Tây Nguyên của anh cũng vậy. Ở đó còn bàng bạc những khó khăn thời bao cấp của một thế hệ giáo viên gánh chữ lên non nhưng ẩn chứa một tâm hồn lạc quan đến lạ lẫm!
Từng là người học ngành sư phạm Hán Việt nên trong phần 2 của tập sách, các tiểu luận văn chương của Hồ Sĩ Bình tuy không dài nhưng hàm súc, thấu đáo và phát hiện được thế mạnh của các tác giả. Dù vậy, tôi thích nhất khi anh viết về thế mạnh "Ký sử" của nhà văn Hồ Duy Lệ với lối kể chuyện chân thật nhưng hấp dẫn về các nhân vật và sự kiện mà tác giả từng là người trong cuộc và bám sát đề tài này trong đời viết của mình. Nhiều tác giả trẻ ở miền Trung cũng được Hồ Sĩ Bình giới thiệu với những lời bình ấm áp. Tôi nghĩ nó sẽ tạo ra những xung động, kích thích người viết ấy mạnh mẽ đi vào thế giới sáng tạo văn chương về sau…
Bình luận (0)