Đã 95 tuổi nhưng nhà nghiên cứu vẫn miệt mài bên những trang bản thảo như một tráng niên say mê con chữ. Mới đây, ông ra mắt bạn đọc hai tác phẩm công phu tiếp theo về Nam Kỳ - Nhà Xuất bản Tổng hợp TP HCM.
Được công chúng biết đến rộng rãi qua các công trình khảo cứu về địa chí, văn hóa, lịch sử như "Địa chí Khánh Hòa" (1972), "Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ" (2008), "Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ" (2013), "Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ "(1859 - 1954) (2 tập, 2016),… nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tạo được dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả qua những nghiên cứu, biên khảo công phu.
Sinh quán đất Nghệ An nhưng với tấm lòng yêu mến mảnh đất Nam Bộ nơi ông lập nghiệp, tác giả có nhiều tác phẩm nghiên cứu về địa danh, lịch sử Nam Bộ. Hai tác phẩm "Nam Kỳ địa hạt tổng thôn danh hiệu mục lục (San định năm Nhâm Thìn 1892)" và "Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859 - 1954)" mới xuất bản là hai trong số đó.
"Nam Kỳ địa hạt tổng thôn danh hiệu mục lục" rất giá trị về mặt tư liệu lịch sử khi tập hợp danh sách các tổng thôn Nam Kỳ trong mục đích của chính quyền Pháp sau khi chiếm trọn Nam Kỳ lục tỉnh để dễ quản lý, như lời tác giả cho hay: "Nó cung cấp cho chúng ta một bản thống kê tương đối đầy đủ và sớm nhất về tên các tổng, thôn của Nam Kỳ thời kỳ đầu thuộc Pháp". Càng đáng quý hơn nếu biết rằng trong các thư viện lớn, các trung tâm lưu trữ Quốc gia I, II,… dù lưu giữ nhiều tư liệu quý hiếm thời Pháp thuộc, nhưng lại không có tập tài liệu này. Bản duy nhất có ở Thư viện Khoa học Xã hội Hà Nội với ký hiệu A 975. Lo lắng cho sự mai một tài liệu quý hiếm, tác giả đã tiến hành công việc gian nan, dịch tài liệu Hán văn ra quốc ngữ.
Với sự gia công miệt mài, nhà nghiên cứu họ Nguyễn đã dịch, chú thích công phu cho tài liệu, bổ sung những điểm sai sót, đính chính những chỗ viết chưa đúng, phiên âm các địa danh theo tên gọi địa phương. Tác phẩm thêm chỉn chu hơn qua công tác hiệu đính của nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh. Bạn đọc cũng có thể so sánh bản dịch với nguyên bản Hán văn được in kèm ở phần sau của sách.
Trong khi đó, "Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859 - 1954)" là tác phẩm dày dặn tới 680 trang khổ 16x24cm, bao gồm những văn kiện ghi lại quá trình sắp xếp, điều chỉnh ranh giới, tên gọi các đơn vị hành chính đầu thời Pháp thuộc; những văn kiện về sự phát triển dân số các tỉnh Nam Kỳ; những văn kiện bổ dụng quan chức các tỉnh; những văn kiện quy hoạch đường sá…
Qua biên khảo này, tác giả đã bổ sung mảng khuyết tư liệu rất đáng kể lâu nay cho lịch sử đất Nam Kỳ thời gian 1859 - 1954 dưới ảnh hưởng của người Pháp. Theo tâm sự của ông, tập địa chí này cũng bổ sung cụ thể cho tác phẩm "Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859 - 1954)" được xuất bản năm 2016, cũng như thêm tư liệu cho các tập Monographie của Hội Nghiên cứu Đông Dương biên soạn, ấn hành vào đầu thế kỷ XX.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!