Bộ phim "Shoplifters" kể về một gia đình phải sống sót ngày qua ngày bằng việc người cha đi ăn trộm cùng con trai. Nhưng rồi mọi thứ thay đổi khi hai cha con cứu sống một bé gái bị bỏ rơi giữa tiết trời lạnh giá, quyết định đưa cô bé về nhà…
Bộ phim được các nhà phê bình đánh giá cao vì giàu cảm xúc, vẽ nên một cách chân thật và sinh động về một góc khác không lung linh, mạnh mẽ của đất nước Nhật. Đạo diễn Hirokazu Kore-eda từng 4 lần tranh tài tại LHP Cannes. Ông từng được tôn vinh với giải thưởng của Hội đồng Giám khảo LHP Cannes dành cho bộ phim "Like Father, Like Son" vào năm 2013.
Đạo diễn Hirokazu Kore-eda nhận giải Cành cọ vàng từ tay Chủ tịch Ban Giám khảo Cannes lần thứ 71, Cate Blanchett. Ảnh: REUTERS
Đây là kết quả gây nhiều bất ngờ, thậm chí gây "sốc" bởi trong suốt 12 ngày diễn ra liên hoan, những bình luận, dự đoán sôi nổi về chủ nhân Cành cọ vàng lần này ít khi nhắc đến "Shoplifters". Trong khi đó, các ứng viên nổi trội của giải thưởng Cành cọ vàng nghiêng hẳn về "Cold War" của đạo diễn Pawel Pawlikowski hay bộ phim "Burning" của đạo diễn Lee Chang Dong (bộ phim này chỉ nhận được giải thưởng của Hiệp hội Phê bình báo chí trong hạng mục trao giải độc lập).
Sau "Shoplifters", bộ phim "BlacKkKlansman", về phân biệt chủng tộc ở Mỹ, của đạo diễn Spike Lee giành được giải thưởng quan trọng thứ 2, giải Grand Prix (Giải thưởng lớn).
Vấn đề nữ quyền thực sự được quan tâm tại LHP Cannes lần này khi nữ đạo diễn Nadine Labaki, người Lebanon, nhận giải Jury Prize với bộ phim "Capharnaum", khắc họa chân thực về những tuổi thơ bị bỏ mặc tại các khu ổ chuột ở Beirut. Giải Đạo diễn xuất sắc nhất thuộc về đạo diễn người Ba Lan, Paweł Pawlikowski, với bộ phim nói về những vết thương hậu Thế chiến thứ hai "Cold War". Giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất được trao cho Samal Yeslyamova trong phim "Ayka", còn Marcello Fonte trong phim "Dogman" mang về giải thưởng Nam diễn viên xuất sắc nhất.
Đồng kịch bản xuất sắc nhất được trao cho nữ đạo diễn người Ý - Alice Rohrwacher - với phim "Happy As Lazzaro" và đạo diễn Iran, Jafar Panahi, với phim "Three Faces".
Bộ phim "Climax" của đạo diễn Gaspar Nóe đoạt giải cao nhất ở nhánh Directors’ Fortnight tại LHP Cannes lần thứ 71. Phim với thời lượng 95 phút kể về một đoàn vũ công 20 người đến từ nhiều quốc gia. Sau buổi tập nhảy, một chất kích thích ví như "bùa yêu" đã được bỏ vào rượu khiến mọi người trở nên kích động. Mọi người điên cuồng tìm ra thủ phạm nhưng đồng thời lún sâu vào trạng thái như bị quỷ nhập. Một "bữa tiệc liên hoan xác thịt" cả về tình dục lẫn khuynh hướng bạo lực đã diễn ra ngay tại sân khấu biểu diễn.
Chiến thắng của "Climax" nằm trong dự đoán của giới chuyên môn khi ngay trong buổi công chiếu, bộ phim này được đánh giá rất cao từ phía những nhà nghệ thuật. Nhiều nhà phê bình đã bày tỏ lời khen ngợi dành cho tác phẩm khi lột tả được bản chất con người, có sự dàn dựng công phu đồng thời thể hiện tốt ngầm ý sự suy đồi của xã hội.
Gaspar Nóe - nhà làm phim người Argentina, sinh năm 1963, nổi tiếng với những hình ảnh và chủ đề gây sốc trong các tác phẩm của mình. Ông được biết đến với các phim "Irréversible" (2002) - có cảnh cưỡng hiếp dài 10 phút, "Enter the Void" (2009) - kể về trải nghiệm khi dùng ma túy và "Love" (2015) với cảnh sex thật gây tranh cãi.
Directors’ Fortnight là một nhánh phụ của LHP Cannes, một "sân chơi" cho những đề tài táo bạo. Hạng mục này năm nay có tới 20 tác phẩm tranh tài, trong đó có bộ phim "To the ends of the World" (phim quay ở Việt Nam, kể về chuyện tình của một chàng lính Pháp và cô gái Việt).
Bình luận (0)