"Kế thừa và phát huy những giá trị di sản Hồ Chí Minh" tập hợp các bài viết, bài nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh của TS Trần Thị Mạo, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP HCM, trong quá trình bà công tác ở các bảo tàng thuộc hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh, tại Hà Nội và TP HCM và giai đoạn sau khi nghỉ hưu. Với bố cục 2 phần: "Những dấu ấn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh"; "Mãi học tập và làm theo lời dạy của Người", tác giả làm rõ di sản Hồ Chí Minh và tâm nguyện kế thừa, phát huy di sản mà Người để lại. Giá trị di sản ấy là tình cảm của Người đọng lại ở Trường Dục Thanh, Phan Thiết; là Sài Gòn in dấu sự kiện ngày 5-6-1911; là Nguyễn Ái Quốc - người cộng sản Việt Nam đầu tiên; ảnh hưởng của Nguyễn Ái Quốc đối với phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân Sài Gòn - Gia Định những năm 1920-1930… Trong phần I, tác giả có 2 bài nhấn mạnh tình cảm của Bác Hồ với những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến và Bác Hồ với thủ đô Hà Nội trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Việc kế thừa và phát huy di sản được đề cập trong phần II qua những vấn đề Người trăn trở: Xây dựng con người mới XHCN; xây dựng nền văn hóa mới; trồng cây và trồng người…
Từng kinh qua công tác tại Cục Lưu trữ - Phủ Thủ tướng, Cục Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ và từng là giáo viên Trường Trung cấp Văn thư Lưu trữ Trung ương 2, giảng viên đại học Học viện Hành chính quốc gia, Trường Đại học KHXH&NV TP HCM; dưới góc độ người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lĩnh vực quản trị văn phòng, tác giả - TS Nghiêm Kỳ Hồng không có tham vọng đề cập nội dung lớn về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh mà chỉ đề cập đến một phần phong cách của Người qua hơn 200 trang sách "Bác Hồ với công việc văn phòng".
Cuốn sách trình bày các bài về Bác Hồ với công việc văn phòng và một số bài viết của Bác liên quan đến công việc văn phòng. Ở phần đầu, TS Nghiêm Kỳ Hồng đưa ra những nghiên cứu về tư duy công việc văn phòng qua phong cách Hồ Chí Minh. Đó là những vấn đề về tầm quan trọng của văn phòng trong các cơ quan, tổ chức; kỹ thuật hành chính; lập và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác; tổ chức hội họp; soạn thảo, ban hành văn bản; dùng tài liệu địch để đánh địch; về thực hành tiết kiệm chi dùng trong văn phòng… Phần sau của tác phẩm, tác giả sưu tầm lại các bài viết của Bác từ năm 1919 đến năm 1969 liên quan đến công tác văn phòng. Có thể nhận ra lối viết rõ ràng, khúc chiết, thiết thực và ngắn gọn, dễ hiểu của Bác Hồ qua các bài cụ thể: "Thiếu óc tổ chức, một khuyết điểm lớn của ủy ban nhân dân"; "Chống thói ba hoa"; "Một việc mà cơ quan lãnh đạo cần thực hành ngay"; "Cần kiệm liêm chính"; "Bệnh máy móc"; "Xin chỉ thị, gửi báo cáo"; "Phải tẩy sạch bệnh quan liêu"; "Cách viết"; "Chống nạn giấy tờ"; "Gửi báo cáo và xin ý kiến".
Trong những năm gần đây, nước ta đang chuyển từ cuộc vận động thành việc làm thường xuyên trong học tập và làm theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh với ba nội dung cơ bản về tư tưởng, đạo đức và phong cách. Trong quá trình đó, chúng ta học tập gương Bác không chỉ từ những việc làm trọng đại, công lao to lớn đối với vận mệnh đất nước, mà còn học tập từ những việc làm rất bình thường, giản dị trong công việc hằng ngày của Người.
Bình luận (0)