Tôi líu ríu chân sáo cắp rổ theo mẹ, hai má nẻ hây hây ánh lên niềm sung sướng vì hôm nay có món cải thiện cho cả nhà.
Cánh đồng làng chỉ ngay bên kia triền đê. Con đê dài như dải lụa quăng tròn, ngăn giữa bộn bề thôn xóm với mênh mông những luống vườn thẳng tắp.
Mẹ kéo tôi tới những ruộng màu đã được thu hoạch, cày xới. Mẹ chỉ cho tôi phân biệt trong rất nhiều loại rau dại, có một thứ là linh hồn của món bánh. Hóa ra, loại rau mọc xen kẽ lẫn lộn trong các lớp đất cày, lá bầu tròn, màu phấn trắng, thân khẳng khiu, ở đầu có chùm hoa nhỏ li ti lại là hương vị chính của thứ bánh đậm chất hồn quê quà Việt. Mẹ bảo phải tìm đúng lá khúc nếp chứ lá khúc tẻ trông mập mạp, mỡ màng nhưng ăn ngái lắm. Cặm cụi một lúc, hai mẹ con đã hái được một rổ.
Bắt tay vào làm bánh thật lắm công phu. Lá khúc đem về, mẹ vứt bỏ cọng già, rửa sạch sẽ, sau đó cho vào cối giã và quết rất lâu, đến khi rau quện như bột. Thứ bột rau xanh đen ấy được đem trộn với bột nếp, quật đều tay cho đến khi quả bột mịn màng không dấp dính là được. Những cục nhân tròn trịa vàng ươm, gồm đậu xanh đồ nhuyễn xào chung với hành khô, thêm chút tiêu cùng thịt ba chỉ thái mỏng, ướp đủ độ. Mẹ dặn nhớ thái thịt sao cho giữ được lớp mỡ, chứ nạc quá bánh kém ngon. Bánh nặn xong xếp vào chõ, cứ lớp bánh lớp nếp rải đều, rồi cho lên đồ.
Ánh lửa bập bùng theo tiếng nước sôi bốc khói mù mịt. Lũ trẻ lăng xăng xung quanh thèm thuồng ngóng giờ dỡ bánh. Mẹ ra ngoài một lát, cầm về tàu lá chuối tây. Mẹ bảo lá chuối tây non hơ lửa, gói bánh khúc là ngon nhất. Bánh chín, mẹ cẩn thận lấy chăn dạ trùm kín để giữ ấm. Tiếng gió lạnh vẫn rin rít ngoài hiên đầy thách thức với những đứa trẻ hong hóng chờ đến lượt. Trong cái thời thực phẩm khan hiếm thì nồi bánh khúc của mẹ quả là một thứ quà vô giá.
Ấp trong tay chiếc bánh nóng hổi, hít hà mùi của những hạt xôi căng mẩy, của lá khúc nồng nàn, quấn quít với mùi của lá chuối tây non nhân nhẫn, như một sự khăng khít, thảo thơm đến dung dị. Thận trọng cắn một miếng để cảm nhận sự dẻo của xôi, của vỏ bánh thơm ngai ngải cùng với vị ngọt béo bùi, nồng nàn chút tiêu của hành mỡ đỗ xanh, cảm giác thật là tuyệt. Miệng xuýt xoa vì bánh nóng, tiêu cay nhưng lại thấy ấm áp, xênh xang như thể mùa đông không bao giờ trở lại.
Nồi bánh khúc cũng theo mẹ con tôi mỗi độ xuân về, cho đến khi cơn bão đô thị len lỏi khắp làng trên xóm dưới. Cả cánh đồng biến thành một công trường khổng lồ. Người ta đưa cần cẩu, máy xúc vào cày nát, băm bấy cánh đồng. Tiếng xe ben chạy ầm ầm ngày đêm, phá lồi lõm thương tích cả triền đê lãng mạn và đầy kỷ niệm. Hết chỗ cho lúa, cho màu và dĩ nhiên cũng chẳng còn nơi đâu để lá khúc chen chân. Nồi bánh khúc của mẹ chỉ còn trong dĩ vãng, trong lớp vàng son đã qua một thuở.
Và kẻ "ăn mày dĩ vãng" hôm nay, trong cái lạnh tê cóng của những cơn bão tuyết xứ người, bỗng thèm đến nao lòng được ăn một chiếc bánh khúc nóng hổi của mẹ.
Bình luận (0)