Trong thời gian cách ly xã hội, nhiều người siêng vào bếp hơn và xem phim tại nhà trở thành chọn lựa của nhiều người. Vậy là có một "combo" hoàn hảo: vừa nấu ăn vừa xem các bộ phim nấu ăn.
Hiểu được nghệ thuật ẩm thực
Tạm chia phim ẩm thực thành hai trường phái: ẩm thực phương Đông và ẩm thực phương Tây. Dù Đông hay Tây thì những bộ phim nấu nướng thường có công thức: nhân vật chính là một đầu bếp cực kỳ đam mê công việc nấu nướng, giỏi giang và tràn đầy năng khiếu. Anh/cô ta thường có những nỗi buồn trong đời sống gia đình hoặc mang vết thương trong tâm hồn. Người đầu bếp phải trải qua nhiều sóng gió, phải thử thách bản thân và cạnh tranh với đồng nghiệp/đối thủ, từ đó khẳng định tài năng, bản lĩnh của mình và tìm được hạnh phúc.
Cảnh trong phim “Quyết chiến thực thần” (Cook Up A Storm, 2017) Ảnh: FPT PLAY
Đã xem phim ẩm thực thì điều mà khán giả mong đợi nhất hẳn phải là thức ăn. Thì đây, các bộ phim ẩm thực sẽ khiến chúng ta mãn nhãn với hàng trăm món ăn từ cao cấp đến bình dân của các quốc gia, vùng lãnh thổ: Việt Nam, Pháp, Ý, Cuba, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc… Những tên gọi món ăn dễ nghe, cách chế biến điêu luyệnvà phần trình bày đẹp đẽ làm nôn nao trái tim và nhất là bao tử của người xem. Phần nhận xét món ăn của chuyên gia ẩm thực trong các cuộc so tài trên phim cũng hết sức đáng xem vì không chỉ xác đáng mà còn vì lối diễn đạt ăm ắp từ chuyên môn sống động. Cuộc va đập giữa văn hóa Đông - Tây qua yếu tố ẩm thực góp phần làm nên nét độc đáo và duyên dáng của từng bộ phim như "Hành trình 100 bước chân", "Quyết chiến thực thần"… Không chỉ có vậy, người xem còn kịp bỏ túi vài công thức món mới hoặc các bí kíp nấu ăn. Qua những bộ phim này, ta sẽ hiểu vì sao nấu ăn được gọi là nghệ thuật, chỉ từ bộ dao hay chiếc chảo của đầu bếp.
Triết lý, thông điệp ẩn sâu
Nhưng nếu chỉ muốn tìm hiểu chuyện nấu ăn và ăn thì khán giả có thể xem các chương trình "thuần" hơn, kiểu "MasterChef". Điều đáng nói ở các bộ phim ẩm thực là ngoài vẻ đẹp và độ nổi tiếng của diễn viên; ngoài những cảnh nấu nướng choáng ngợp, chính là triết lý hoặc thông điệp ẩn sau công việc bếp núc.
Những bộ phim đề tài ẩm thực luôn đi kèm hành trình tìm kiếm giá trị thật sự của bản thân, của nghề nghiệp và phương cách kiến tạo hạnh phúc. Sáng tạo, đột phá, táo bạo hay giậm chân tại chỗ, mòn mỏi trong gian bếp quen thuộc? Ta có dám bước ra khỏi vùng an toàn khi đã thành công? Có thật rằng con đường qua dạ dày là con đường ngắn nhất đến tình yêu?...
Người đầu bếp giỏi là người có thể tạo ra những món ăn đệ nhất thiên hạ từ các nguyên liệu dân dã, ít tiền như bắp cải, thịt heo, bột mì, quả cam, muối hột… Người đầu bếp tài năng là người biết ngả mũ (đúng nghĩa đen) để công nhận tài năng của một đầu bếp khác. Những chi tiết phim như vậy gửi đến thông điệp: Hãy biết mình biết ta, đừng bao giờ đổ thừa hoàn cảnh và cái khôn luôn ló ra từ cái khó.
Cảnh trong phim "Hành trình 100 bước chân"
Xem phim còn là dịp tiếp nhận những bài học làm người toát lên từ đạo ẩm thực. Một chiếc màn thầu "có thời gian lên men quá dài, thời gian nhồi bột quá ngắn, hấp lửa quá lớn lại ăn sau khi hấp những năm tiếng" của chú tiểu trong chùa không thể khiến một đầu bếp dày dạn kinh nghiệm thấy ngon miệng. Nhưng cũng chính người đầu bếp "biết đủ kiếp trước kiếp này" của cái bánh ấy phải ngưỡng phục chú tiểu sau khi nghe lời thuyết trình giản dị: "Theo cháu, chiếc bánh vẫn ngon vì lúa mì do cháu trồng, bột bánh do cháu lên men và tự tay nhồi, hấp" (phim "Quyết chiến thực thần"). Vậy là, sự ngon trong món ăn còn cốt ở nét thanh sạch, niềm vui lao động, sẻ chia, hoài niệm...
Không hẹn nhưng các bộ phim ẩm thực đều gặp gỡ nhau ở quan niệm: linh hồn của món ăn ngon nằm nơi cái tâm người nấu. Món cháy, thực phẩm kém chất lượng thì không nên đưa người khác ăn, dù là miễn phí (phim "Siêu đầu bếp"). Và hãy nhớ rằng khi hành nghề nấu nướng hay bất cứ nghề nào khác, không nhất thiết phải vô tình và manh động mới thành công…
Những món ăn ngon trong phim còn đánh thức trong mỗi chúng ta tầm quan trọng của tình cảm gia đình, tình thầy trò, tình bạn, tình yêu đôi lứa, lý tưởng, hoài bão. Giải trí nhẹ nhàng, khuấy động vị giác mà vẫn đọng lại chút bâng khuâng, man mác - tựa hồ ta được ăn một món ngon rồi tơ tưởng mãi không thôi - chính là vị riêng của các bộ phim ẩm thực.
Phong phú phim về đề tài ẩm thực
Trên Netflix, FPT Play hay một số trang mạng có kha khá phim điện ảnh về đề tài ẩm thực: "Quyết chiến thực thần" (Cook Up A Storm, 2017), "Hành trình 100 bước chân" (The Hundred-Foot Journey, 2014), "Siêu đầu bếp" (Chef, 2014), "Ẩm thực cao cấp" (Haute Cuisine, 2013), "Đầu bếp trứ danh" (Comme Un Chef, 2012), "Julie và Julia" (2009), "Kungfu đầu bếp" (Kungfu Chef, 2009), "Không đặt trước" (No Reservations, 2007), "Chú chuột đầu bếp" (Ratatouille, 2007), "Ẩm thực nam nữ" (Eat Drink Man Woman,1994)… Series phim về ẩm thực châu Á (HBO Asia Food Lore, 2019; 8 tập, mỗi tập khoảng 50 phút) không chỉ nói về món ăn đặc sắc của từng quốc gia mà còn chuyển tải góc nhìn về đời sống, tình cảm, tâm lý con người khá độc đáo. Tập 2 mang tên "Chàng dâng cá, nàng ăn hoa" của Phan Đăng Di (Việt Nam) là cơ hội để người xem "đối thoại" với đạo diễn, ít nhất là về các món ăn được xem là đại diện của ẩm thực Việt. Các phim bộ cùng đề tài cũng vô cùng phong phú: "Kim ngọc mãn đường", "Nàng Dae Jang Geum", "Chảo lửa tình yêu", "Osen"…
Bình luận (0)