Trước đây, chỉ có một mình Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) "độc diễn" trên lĩnh vực thu phí bản quyền tác phẩm âm nhạc với sự hợp tác của khoảng 4.000 nhạc sĩ trong nước thì đến nay, thị trường béo bở này đã phải san sẻ cho một số đơn vị mới, trong đó nổi lên là Sky Music.
Mảnh đất màu mỡ
Dù việc thu phí bản quyền còn nhiều khó khăn nhưng năm 2017, VCPMC vẫn thu được 83 tỉ đồng phí sử dụng tác phẩm âm nhạc trong nhiều lĩnh vực: truyền thông, biểu diễn, file-midi, phát thanh - truyền hình, dịch vụ kinh doanh... Riêng lĩnh vực khách sạn, resort và cao ốc văn phòng, đơn vị này cũng thu được hơn 4 tỉ đồng. Đưa ra con số trên để thấy thị trường khai thác bản quyền âm nhạc hiện nay hết sức béo bở! Một đơn vị rất mới trong lĩnh vực bản quyền âm nhạc là Sky Music hằng năm cũng chi ra khoảng hơn 3 tỉ đồng trả cho quyền tác giả của 2 kênh nhạc số và nhạc nền.
Cũng bởi thị trường quá "thơm" nên cuộc cạnh tranh khai thác bản quyền âm nhạc ngày càng trở nên khốc liệt.
Năm 2013, vì không tìm được tiếng nói chung khi Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) ký hợp đồng ủy quyền cho Zing Mp3 (thông qua VNG) khai thác độc quyền toàn bộ các bản ghi âm của RIAV, các trang nghe nhạc trực tuyến như nhacso.net, nhacvui.vn, nhaccuatui.com,… đã bắt tay liên kết với Sky Music, một đơn vị kinh doanh bản quyền nhạc số, để tạo nên cuộc so kè trên thị trường nhạc trực tuyến. Hoạt động trên mô hình hợp tác và đầu tư sản phẩm âm nhạc, kết hợp với kênh phát hành online, đưa bản quyền âm nhạc đến với người nghe và phối hợp kinh doanh với những đơn vị có nhu cầu, Sky Music xây dựng chiến lược quảng bá, hỗ trợ các nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ, về mặt truyền thông, phân phối sản phẩm.
Những bản ghi âm bao gồm cả quyền tác giả và quyền liên quan. Khi sử dụng người sử dụng phải thanh toán phí tác quyền cho cả hai. Trong ảnh: Ca sĩ Hồ Ngọc Hà trong phòng thu thanh. (ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Cuộc chiến giữa truyền thống và công nghệ
VCPMC có 16 năm hoạt động, thị phần khai thác khá lớn nên chiếm được lòng tin của hầu hết các quyền tác giả thành viên. Chính vì vậy, "khi Sky Music muốn hợp tác trực tiếp với nhạc sĩ thuộc VCPMC, nhiều người từ chối vì đã ủy quyền thu tiền tác quyền cho VCPMC" - nhạc sĩ Trần Minh Phi cho biết.
VCPMC có lợi thế gần như trả thu nhập thường xuyên theo quý, thậm chí ứng trước tiền cho những trường hợp gặp hoàn cảnh ngặt nghèo, khó khăn nên được những tác giả không đòi hỏi thu chi minh bạch chấp nhận, đặc biệt là được các tác giả lớn tuổi trông cậy.
Điểm yếu của VCPMC là chưa minh bạch được trong thu chi, trong khi Sky Music và những đơn vị tương tự có lợi thế ứng dụng công nghệ trong thu chi. Nhưng vì ra đời muộn so với VCPMC nên những đơn vị này chưa có nhiều khách hàng là các nhạc sĩ, "trong khi cách làm của họ chỉ coi trọng quyền liên quan mà bỏ quên quyền tác giả khiến nhiều nhạc sĩ lên tiếng bị vi phạm bản quyền" - nhạc sĩ Lê Văn Lộc nói.
Về trách nhiệm chi trả chi phí quyền tác giả trong quá trình khai thác bản ghi âm, ghi hình có bản quyền, phía Sky Music giải thích: "Một bài hát sẽ có 2 quyền, gồm quyền tác giả và quyền liên quan (thường là quyền ghi âm). Vì thế, sẽ có 2 trường hợp xảy ra. Bên chi trả chi phí quyền tác giả là chủ sở hữu bản ghi âm, ghi hình nếu trong hợp đồng với Sky Music họ cam kết đã chi trả nhuận bút, thù lao cho nhạc sĩ. Còn nếu không, Sky Music sẽ thực hiện trách nhiệm chi trả chi phí quyền tác giả".
Trong mắt nhiều nhạc sĩ đang nhận chi trả tác quyền qua VCPMC lâu nay, những công ty mới tham gia vào thị trường "bản quyền" như Sky Music không tạo nên khoản thu nhập ổn định cho họ theo kiểu trả lương khoán theo quý như cách mà VCPMC đang áp dụng hiện nay. Sky Music có thể minh bạch về khoản thu chi nhưng cũng mang nhiều rủi ro cho thu nhập đòi hỏi ổn định của tác giả, đó là chưa kể còn đó nghi ngại liệu ai trong số họ có đủ điều kiện giám sát số liệu Sky Music đưa ra cho họ là chính xác và trung thực.
Các nhạc sĩ chuyên viết nhạc cho thiếu nhi: Hoàng Long, Hoàng Lân và Nguyễn Lân Cường cũng cho hay ủng hộ gia đình cố nhạc sĩ An Thuyên rút khỏi VCPMC. Ảnh: YẾN ANH
Minh bạch sẽ tạo công bằng
Ông Phạm Hà Anh Thủy, Giám đốc Công ty Sky Music, khẳng định vai trò của VCPMC đối với các nhạc sĩ là rất quan trọng bởi trung tâm này khai thác bản quyền của nhạc sĩ ở tất cả các kênh. Trong khi đó, Sky Music chỉ khai thác bản quyền đối với các bản ghi mà nhạc sĩ gửi tới đơn vị này. Tuy nhiên, ông Thủy cũng nhấn mạnh đến ưu điểm của đơn vị mình là ứng dụng công nghệ rất tốt. "Chúng tôi đo đếm đàng hoàng từng lượt bản ghi một cách rất chi tiết. Mỗi nghệ sĩ sẽ được cấp một tài khoản riêng, trực tiếp theo dõi và giám sát sản phẩm của họ được sử dụng trên những kênh nào, tần suất là bao nhiêu. Việc theo dõi này cũng giúp cho nghệ sĩ nắm được tình hình đón nhận của khán giả, bài hát nào được nghe nhiều nhất, đối tượng nghe cụ thể trong độ tuổi bao nhiêu" - ông Thủy trình bày.
Chính nhờ ưu thế này mà Sky Music đang dần có được sự tin tưởng của các nhạc sĩ. Nhiều nghệ sĩ đã chủ động gửi bản ghi đến cho Sky Music như nhạc sĩ Phú Quang, Quốc Bảo, gia đình nhạc sĩ Bắc Sơn, gia đình nhạc sĩ An Thuyên... Theo ông Thủy, số lượng bản ghi mà nhạc sĩ Phú Quang gửi đến đơn vị này là khoảng 500, nhạc sĩ Quốc Bảo gần 900, gia đình nhạc sĩ An Thuyên hơn 300... Tính đến cuối năm 2017, Sky Music nắm giữ 60.850 bản ghi có đầy đủ các quyền và hơn 2.000 hợp đồng ký kết với nghệ sĩ, đối tác khác.
Ông Thủy khẳng định phần lớn các tác giả gửi bản ghi đến Sky Music đều cho rằng họ hợp tác vì thích sự minh bạch trong cách làm việc của bên này. Hiện mức giá thu từ các đơn vị trên từng lượt phát cao hơn VCPMC, dự báo sắp tới còn cao hơn nữa. Trên con đường mở rộng thị phần, Sky Music cũng đã hợp tác với nhiều đối tác chiến lược khác như RIAV, Bến Thành Audio, Phương Nam Phim, Music Faces, Pops Worldwide, Yeah1, Vega, Wepro... để có thể trao đổi, khai thác bản quyền và sản phẩm âm nhạc trên các kênh tương ứng.
Theo cách này, Sky Music và nhiều công ty khác hoạt động theo phương thức trả tiền tác quyền trực tiếp cho chủ sở hữu theo số lượng tác phẩm được sử dụng mà chẳng phải thông qua VCPMC. Doanh thu của mỗi nhạc sĩ phụ thuộc vào lượng sản phẩm của họ được tiêu thụ. Điều này cũng thu hút sự chú ý của nhiều tác giả khi nhu cầu công khai cụ thể lượng tiêu thụ sản phẩm được đề cao hàng đầu.
Với các nhạc sĩ, đơn vị khai thác bản quyền nào tuân thủ pháp luật và minh bạch trong thu chi sẽ tạo được sự tin cậy để họ yên tâm tin tưởng giao tác phẩm của mình.
Nhiều lựa chọn hơn cho nhạc sĩ
Nhạc sĩ Trần Minh Phi cho hay không chỉ có Sky Music liên lạc với anh mà còn có công ty khác là Sony Music Entertainment cũng có nguyện vọng gặp mặt để bàn công việc. Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cho rằng trong tương lai gần, có rất nhiều công ty tham gia vào thị trường này nên cơ hội lựa chọn cho các nhạc sĩ sẽ nhiều hơn.
Nhạc sĩ An Hiếu, con trai cố nhạc sĩ An Thuyên, khi chia sẻ về câu chuyện gia đình anh từ chối tiếp tục hợp tác với VCPMC, nói rằng đã đến lúc cần phải thay đổi cách hoạt động của trung tâm này. Theo anh, việc VCPMC ký hợp đồng một lần với các nhạc sĩ và gia hạn sau 5 năm là sự thiệt thòi đối với các tác giả. "Sau 5 năm, rất nhiều thứ thay đổi nhưng các tác giả vẫn chỉ nhận được một mức thù lao là khó chấp nhận" - nhạc sĩ An Hiếu nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên, vấn đề giao cho ai khai thác bản quyền là giao dịch dân sự. Nếu các nhạc sĩ thấy phí bản quyền tác phẩm của mình không thỏa đáng, họ có thể rời bỏ để tìm đến những đơn vị khác mà họ thấy minh bạch hơn.
Bình luận (0)