Phim lấy bối cảnh thời hiện đại nhưng 2 nhân vật chính vẫn bị đặt trong truyền thống phong kiến mà bộ phim gợi nhắc tới. Một gia đình sống theo hình mẫu tam đại đồng đường, trong một ngôi nhà cổ giữa một không gian "nửa quê, nửa phố" để nhấn mạnh sự cố hữu của những định kiến Á Đông tồn tại hàng ngàn năm, nơi những cư dân gắn kết nhau bằng những mối quan hệ làng xóm, tin vào những cuộc hôn nhân mai mối giữa những người thân quen, nơi mà người chết và người sống kết nối với nhau qua quan hệ huyết thống.
Đạo diễn đã dày công xây dựng bối cảnh, tình huống để khắc họa đậm nét truyền thống nặng nề trong xã hội rồi đặt 2 nhân vật chính vào đó để làm nổi bật lên sự "nổi loạn" một cách cô độc, lẻ loi của hai chàng trai trẻ hiện đại với một tình yêu khác thường so với những chuẩn mực lâu đời trong xã hội đó.
Cảnh trong phim “Thưa mẹ con đi”
Đề tài đồng tính không phải quá mới mẻ nhưng hiếm phim nào thể hiện được một cách nhẹ nhàng và tinh tế, làm nổi bật được những con người trẻ có bản lĩnh, năng động, họ vươn lên giành lấy quyền chọn lựa, sống đúng với bản thân và tình yêu của mình. Dù đôi lúc, họ phải giấu mình cho phù hợp với không gian và hoàn cảnh. Không đơn thuần là đề tài đồng tính, nổi bật hơn chính là tình cảm gắn bó yêu thương của những con người trong gia đình, tầm quan trọng của quê hương, của cội nguồn là cái nôi và nền tảng cho mỗi con người dù có đi đến bất kỳ phương trời xa lạ nào.
Nhưng người xem vẫn còn cảm thấy hụt hẫng với kịch bản và những tình huống đặt ra chưa đẩy được mạch cảm xúc lên cao. Dường như "nút thắt" trong phim không chặt nên dẫn đến việc tháo gỡ một cách dễ dàng. Những xung đột, mâu thuẫn trong gia đình được giải quyết một cách nhanh chóng, cũng như việc người mẹ dễ dàng chấp nhận mối tình của 2 nam chính mà bà đã từng cho là sai trái.
Mạch phim hơi nhanh làm cảm xúc người xem bị chênh vênh khi chưa kịp thích ứng với những diễn biến. Cảm giác như bộ phim có rất nhiều nhân vật nhưng hầu như không một nhân vật nào được khắc họa đậm nét kể cả diễn viên chính.
Bộ đôi nam chính chỉ dừng ở mức độ tròn vai, có đôi chỗ còn thấy sự gắng gượng.
Phần diễn xuất ấn tượng lại đến từ các diễn viên phụ. Hồng Ánh thoát ra khỏi hình ảnh đào thương quen thuộc hóa thân thành "bà cô ế" nhí nhảnh hài hước. Vai bà nội của nghệ sĩ gạo cội Lê Thiện mang lại nhiều cảm xúc nhất cho bộ phim, với sự hồn nhiên của một cụ già lẩn thẩn sống trong lằn ranh giữa mê và tỉnh, giữa quên và nhớ, thậm chí không nhận ra đứa cháu đích tôn mình thương yêu nhưng bằng tình thương dành cho con cháu, bà cũng là người đầu tiên chấp nhận tình yêu đồng tính có phần ngang trái trong gia đình mình, thể hiện được sự phá bỏ mọi rào cản, bởi không có bức tường nào dựng được giữa con tim yêu thương, với những tình cảm hy sinh mà chỉ có người trong gia đình mới có thể dành cho nhau. Nghệ sĩ Hồng Đào cho khán giả thấy một người mẹ chịu thương chịu khó theo đúng hình mẫu người phụ nữ "tam tòng tứ đức" trong truyền thống. Bà đủ tinh tế để nhận ra có gì đó trong mối quan hệ của con trai mình nhưng đồng thời cố gắng bước qua mọi ngờ vực ấy, đến cuối cùng, dẫu dường như chấp nhận, vẫn có gì đó trong bà như níu kéo lại chút hy vọng ở người con trai, với những gánh nặng gia tộc bà phải mang vác theo suốt cuộc đời. Điều đó khiến cho một bộ phim thoạt tiên mang dáng dấp chuyện tình yêu đồng tính trở thành lời ca ngợi sự cao cả của tình mẹ.
Bình luận (0)