Đối với thế hệ sinh sau đổi mới, hẳn bao cấp là một thời xa lắc xa lơ, có phần siêu thực. Còn với những người đã trải nghiệm, chia ngọt sẻ bùi trong suốt mấy chục năm bao cấp thì khoảng thời gian chiếm hơn nửa cuộc đời ấy là một phần đời không thể nào quên.
Bìa cuốn sách "Thương nhớ thời bao cấp"
"Đọc lại những câu ca, những lời nói vần vè, những quán ngữ như "canh toàn quốc", "phở không người lái"…, ta không khỏi bùi ngùi nhớ lại khó khăn chồng chất của một thời, những khó khăn không chỉ chất lên vai ta - những người được may mắn chứng kiến cuộc đổi thay của đất nước hôm nay - mà còn đè nặng lên vai những người anh em ruột thịt, những người bạn của ta đã ngã xuống vì chiến tranh, bệnh tật, đói nghèo…" - GS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) viết về cuốn sách.
"Đến tận bây giờ mà tôi vẫn thỉnh thoảng nửa đêm đột ngột thấy mình đang giữa "thời bao cấp" choàng tỉnh, biết đấy là bóng đè chứ không phải thật, mừng húm. Khổ ải nhiều, buồn thương nhiều nhưng nhiều hơn cả vẫn là những chuyện buồn cười, đó là cái thời ấy. Song, đúng như cuốn sách thể hiện, con người thời ấy đề kháng với nỗi khổ không phải bằng sự oán thán, không bằng lời rên rẩm hay ta thán mà bằng thái độ tự trào. Tự trào đã là một phần sức mạnh giúp chúng tôi tồn tại nổi và vượt qua nổi những năm dài trì trệ để vươn được lên với thời đổi mới" - nhà văn Bảo Ninh, tác giả tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh", tự sự.
Những câu nói, những "thông điệp" ngôn từ kèm tranh minh họa của 2 họa sĩ Thành Phong và Hữu Khoa làm cho ta cười đấy nhưng gợi lên nhiều cảm xúc - vì cảm động và thấm thía khi chiêm nghiệm một hiện thực cuộc sống của đất nước còn chưa xa, vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay.
Bình luận (0)