"Nữ nhi" đại chiến
Phim "Mẹ chồng" ngay từ khi công bố đã thu hút sự chú ý bởi đây là chủ đề quen thuộc, muôn thuở trong các mối quan hệ gia đình. Toàn bộ câu chuyện phim xảy ra trong một bối cảnh giả định Đại Điền, tập trung ở một biệt phủ đồ sộ nơi ở của gia đình Hội đồng Lịnh nức tiếng giàu có.
Nơi đây, cô Ba Trân (Thanh Hằng đóng) sống đời dâu con, chịu sự đối xử hà khắc của mẹ chồng vì bị sẩy thai. Cô ngậm đắng nuốt cay để chồng tiến thêm bước nữa và chịu tiếng "Cây độc không trái, gái độc không con", mất hết quyền lực. Để trở thành người nắm quyền "sinh sát" trong gia đình, Ba Trân phải có con trai và nàng dâu này không từ thủ đoạn từ chơi bùa, dọa nạt, cho đến hạ độc người giúp mình để đạt mục đích. Đến lúc trở thành mẹ chồng, Ba Trân cũng đối xử với con dâu khắc nghiệt không khác gì hoàn cảnh của mình trước đây.
Cuộc chiến của nữ nhân trong gia đình Hội đồng Lịnh
Phim có cảnh quay rất đẹp, màu săc đẹp, nhạc hay, dàn diễn viên tập hợp mỹ nữ: Diễm My, Thanh Hằng, Ngọc Quyên, Lan Khuê, Midu... Tuy nhiên, diễn xuất tốt nhất lại chỉ có hai người là Diễm My và Thanh Hằng. Diễm My với kinh nghiệm của mình cộng nét diễn tinh tế lột tả thành công hình ảnh người mẹ chồng từ lúc quyền lực đến lúc bất lực, thể hiện nỗi oán hờn trong ánh mắt.
Thanh Hằng là nhân vật trung tâm, cô thể hiện tốt những cảnh xót xa cho thân phận bản thân, những cảnh lên gân đanh thép đầy quyền lực trước các tá điền muốn nổi loạn. Những người đẹp khác một số diễn đơ cứng, gượng gạo một số do nhân vật thiếu độ sâu, mờ nhạt với khán giả. Chủ đề nói về quan hệ con dâu và mẹ chồng nên các cô gái thành trung tâm và nam giới mờ nhạt.
Trang phục sặc sỡ
Cách tân hiện đại
Lộng lẫy màu mè
Phần trang phục trong phim đầy màu sắc, thêu phụng sặc sỡ, cách tân hiện đại, áo dài và bà ba trông khác lạ, đôi lúc hơi quá đà dẫn đến phản tác dụng. Mẹ chồng Thanh Hằng không có nhiều thay đổi ngoại hình khi là thiếu nữ thanh xuân đến lúc trở thành mẹ chồng, đây là điều dù cố lắm cũng khó thông cảm được.
Cố gắng kể lại câu chuyện thuần Việt, phim lồng ghép đờn ca tài tử, ngày hội mùa, nghi thức đám cưới... vào phim. Những nhạc cụ cổ như đàn cò được sử dụng phân cảnh phù hợp, tạo sự ai oán, góp phần đẩy cảm xúc khán giả, là điểm nhấn sáng của phim.
"Phản anh hùng" chưa thuyết phục
Phim khắc sâu hình ảnh nhân vật Ba Trân từ lúc là cô gái quê tươi tắn, hiền lành đến khi vào cửa nhà Hội đồng Lịnh rồi trở nên độc ác để giành quyền lực. Cô muốn quyền lực tiếp nối khi vận dụng thủ đoạn để con trai khù khờ Hai Phước sớm có con nối dõi. Nhưng diễn biến tâm lý của nhân vật chưa mượt mà, Ba Trân khi đã trở nên độc ác, đa nghi lại cư xử chưa đúng bản chất của mình với hai con dâu Tư Thì và Tuyết Mai.
Thanh Hằng diễn tốt nhưng chật vật cùng Diễm My gánh hết cả phim
Ở đây, độ ác của Ba Trân vẫn chưa đủ mà chỉ dừng ở mức mẹ chồng khó tính, thích bắt bẻ con dâu. Với tư duy thông minh nhưng Ba Trân không nhìn ra tâm địa các nàng dâu để "con rắn" tham lam, ẩn mặt chờ thời bên cạnh. "Mẹ chồng" được xây dựng tương tự kiểu phim "phản anh hùng" thường thấy ở nước ngoài khi nhân vật chính là phản diện.
Một đại diện ấn tượng của dòng phim này là Lou Bloom trong phim "Kẻ săn tin đen". Mặc dù họ phạm tội, tàn nhẫn, độc ác, giết người vì mục đích bản thân nhưng chẳng bị phán xét, sống thoải mái, ung dung. Phim dạng này không biện hộ cho kẻ phản diện mà chỉ phản ánh cuộc sống lúc nào cũng có hai mặt song song, không chỉ một màu hồng hạnh phúc.
Trong gia đình, mối quan hệ mẹ chồng - con dâu cũng thế. Con dâu may mắn có được mẹ chồng thương yêu, gia đình hòa thuận và ngược lại, hầu hết ai cũng hiểu điều này. Ba Trân thủ đoạn, nối tiếp mẹ chồng mình trước đây và về sau con dâu Ba Trân có thể lại tiếp tục thủ đoạn như thế.
Nghiệp nối nghiệp, chuyện này không biện hộ, chẳng lý giải là thuyết phục nhất vì tình tiết trong phim đã làm công việc này nhưng nhà làm phim thêm phần biện giải: "Mẹ chồng nào cũng từng là nàng dâu..." khiến cái kết bị lệch quỹ đạo ban đầu. Nó làm giảm sự bí ẩn, cuốn hút, nghịch lý ở những dạng phim này.
Phim thiếu những chi tiết cao trào nhất định đẩy cảm xúc khán giả lên cao nhất, lấy nước mắt họ. Sự rời rạc, thiếu mâu thuẫn đỉnh cao để đẩy tình tiết giữa các cặp đối kháng trong phim chưa được khai thác sâu. Ba Trân và Tư Thì chỉ mâu thuẫn chuyện con nối dõi tông đường và mức độ ghét nhau thể hiện ở một người thị uy, người nhẫn nhịn đợi thời cơ chứ chưa đủ mức bùng nổ. Mối quan hệ tay ba Hai Phước - Tuyết Mai - Thiện Khiêm cũng nhợt nhạt, chẳng có sự chuyển biến nội tâm đáng chú ý. Phim thiếu chi tiết có thể do thời lượng nhưng rõ ràng để giải quyết mối quan hệ đan xen, mâu thuẫn chồng chéo thì cần một điểm nhấn hơn là sự lan man.
Đây là điều đáng tiếc với một phim chủ đề hay, được đầu tư có tâm, chỉn chu từ nhà sản xuất.
Bình luận (0)