Thí dụ: "nước mẹ". Trong kiệt tác "Số đỏ" ("Cuốn sách ghê gớm có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học" - Nguyễn Khải), Vũ Trọng Phụng viết, đoạn thằng Xuân tóc đỏ bị tống vào nhà pha: "Lão thầy số để tráp, chiếu, ô xuống đất rồi ngồi lên tráp để thở hổn hển. Xuân tóc đỏ thì còn đứng, hai tay gãi sườn nhìn mọi người một cách trịch thượng, nhìn phòng giam một cách thản nhiên. Nó bĩu mồm nói: "Nước mẹ gì! Bóp với chả bóp! Phòng giam thì bằng cái lỗ mũi! Rõ chả biết xấu! Đề-bô với đề-bô!".
Do thằng Xuân đá cá lăn dưa, đầu đường xó chợ cũng võ vẽ dăm ba tiếng Tây "giả cầy" nên mới mượn từ bóp: poste - đồn, trạm, đề-bô: depôt - phòng giam. Trong ngữ cảnh này, ta hiểu là nó đánh giá nhà giam đó chỉ thuộc loại hạng bét/chót trong các hạng, chả ra cái quái gì cả. Chưa hết, trong "Giông tố", có đoạn lúc Nghị Hách động phòng: "Nhưng chợt lão ta vỗ vào bụng vợ bốp một cái, kêu to lên: "Thế này thì còn nước mẹ gì nữa!"...
Bìa sách “Số đỏ” của NXB Văn Học
Rõ ràng, "nước mẹ" không thể hiểu như tratu.soha.vn giải thích: "(Thông tục) như nước non - chẳng được cái nước mẹ gì!".
Thử hỏi, tại sao "nước" lại đi chung với "mẹ"? Xin giải thích, nước ở đây hoàn toàn không liên quan đến "nước non" gì sất; "nước" là chất lỏng, ngược với "cái" là chất đặc; chẳng hạn, thành ngữ có câu: "Khôn ăn cái, dại ăn nước". Mà, "cái" cũng đồng âm, có nghĩa là "mẹ" - "Việt Nam tự điển" (1931) giải thích; thí dụ: "Con dại cái mang". Từ "nước mẹ" xuất hiện là do hoán đổi từ "cái" sang "mẹ", dùng với nghĩa phủ định mang sắc thái chì chiết, biếm nhẽ.
Nói cách khác, "nước mẹ" là sự kết hợp của cặp từ trái nghĩa "nước cái" - nhằm ám chỉ sự vật/sự việc nào đó đã đạt đến mức quá lắm, quá thể, không còn gì để nói nữa. Do hoán đổi này, ta ngầm hiểu "nước mẹ" là nói gọn của ngữ cảnh "Hết nước hết cái" mà "Đại từ điển tiếng Việt" giải thích: "Cạn kiệt, hết mức, không còn có thể hơn được nữa". Qua hoán đổi này, ta có từ mới "nước mẹ", dù tiếng Việt không có từ "nước cái" nhưng nghĩa vẫn không thay đổi. Cách chơi chữ lắt léo, cắc cớ trong tiếng Việt chính là chỗ đó.
"Nước mẹ" này khác nghĩa với nước mẹ giữ quyền thống trị nước khác, gọi văn vẻ hoa hòe là "mẫu quốc". Chẳng hạn khi viết về tay phi công mũi tẹt da vàng đã cỡi hạc quy tiên vì bảo vệ nước Pháp, Tú Mỡ viết: "Người Nam Việt, quan ba họ Đỗ/ Bước đầu tiên, cưỡi gió, đi mây/ Gặp thời đại chiến Âu Tây/ Đền ơn nước mẹ bỏ thay sa tràng".
Rồi khi viết văn tế tống tiễn các quan "bảo hộ" mắt xanh mũi lõ cút về nước, Tú Mỡ hạ bút: "Ba hồn bảy vía, ngươi chóng siêu sinh/ Biến về nước mẹ, cùng ta dứt tình". "Nước mẹ" này không liên quan gì đến cách nói của thằng Xuân tóc đỏ, lão Nghị Hách, chỉ là dịch từ Hán - Việt "mẫu quốc" mà thành. Có điều thú vị là "nước mẹ" này lại mang sắc thái khác như trêu ngươi, như bông phèng, cười cợt mà không ai bắt bẻ được.
Bình luận (0)