À... cái ngữ điệu ấy, cái tiếng nói ấy cũng tự nhiên thôi; riêng ấy mà cũng rất chung. Bởi ấy là tiếng Việt! Mang dòng máu Lạc Hồng, sống trên dải non sông hình chữ S bên bờ biển Đông không ai là không hiểu tiếng quê mình, dân tộc mình. Khi có dịp đến một vùng miền nào đấy, buổi đầu bỡ ngỡ bởi tiếng nói địa phương nghe lạ tai và chắc không ít lần phải nhốt tiếng cười trong lòng nhưng qua vài lần tiếp xúc đã hiểu để có được sự giao hòa. Ngẫm mới thấy cái sự giao hòa của tiếng quê thật diệu kỳ, hiểu để đi đến một khối thống nhất là một phần nền tảng tạo nên sức mạnh Việt Nam, để thấy tự hào được làm người Việt Nam, nói tiếng Việt Nam.
Tùy theo tâm trạng, có thể là một áng mây chiều, một đỉnh núi, một làn khói, một mùi vị... làm thức dậy tình yêu quê hương trong ta. Nhưng chắc chắn tiếng quê là tác động mạnh nhất. Tiếng quê ta có thể là rất "nặng" hay "thanh" cũng cho ta một tình cảm dạt dào. Bởi tiếng quê là tiếng mẹ ru nuôi lớn dần ta đến khi trưởng thành; bởi là tiếng của thuở thiếu thời đã chạm khắc nên kỷ niệm để ta nhớ, ta yêu đến trọn đời. Trong một đời người, có lần phải xa quê, bôn ba dặm đường, lạ cảnh, lạ người, chợt nghe được tiếng nói của người cùng quê. Ôi!...Sao nghe mà mến, mà thương. Có thể ta với người cách xã, cách huyện vẫn thấy mến thương như anh em một nhà. Ôi!...thương sao chất giọng quê hương!
Bến đò Đồng Dạ (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ảnh: PHI TÂN
Hôm nay, sau một thời gian bôn ba nơi hải ngoại, những đứa con xa quê quay về. Đứng trên đất quê hương bao năm xa cách, bồi hồi thu vào tầm mắt diện mạo quê hương, cảm nhận được sự đổi thay vẽ nên sắc màu thịnh vượng. Nhưng hơn hết vẫn là được đắm hồn giữa tiếng mẹ đẻ thân thương...
Mở rộng tầm nhìn để thấy thêm yêu, thêm quý tiếng quê hương. Nơi hải ngoại xa xôi, tinh thần dân tộc qua tiếng Việt vẫn được cộng đồng người Việt gìn giữ, phát huy để những đứa trẻ sinh ra vẫn nói được tiếng nước mình. Những chương trình sinh hoạt, học tập nhằm giữ gìn tiếng Việt vẫn được tổ chức thường xuyên. Và thật tự hào khi có những trường đại học danh tiếng trên thế giới đã có bộ môn tiếng Việt giảng dạy cho sinh viên. Do vậy, tiếng Việt, văn hóa Việt đã có được vị trí nhất định, được quảng bá cùng các thứ tiếng và các nền văn hóa khác trên thế giới.
Tiếng Việt, chữ Quốc ngữ là hồn dân tộc. Tính khoa học của chữ Việt ngữ chúng ta đủ phong phú để thể hiện mọi cấp độ tư tưởng, mọi sắc thái tình cảm. Từ những văn bản chính trị - xã hội đến các tác phẩm văn học xuất sắc bằng chữ viết hay truyền miệng, như "Tuyên ngôn Độc lập", "Truyện Kiều", "Lục Vân Tiên"... đều là những điển hình để chứng minh.
Việt Nam! Tiếng Việt! Chữ Việt! Ta tự hào khi ta đang nói, đang viết chữ viết và tiếng nói quê hương.
Bình luận (0)