Tọa đàm "Nhìn lại 100 năm sân khấu cải lương: Giá trị nghệ thuật, những bất cập và giải pháp" do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội đồng Lý luận phê bình văn học - nghệ thuật TP HCM tổ chức sáng 27-12, có đông đảo văn nghệ sĩ, nhà quản lý nghệ thuật, các nhà hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực sân khấu tham dự cũng tập trung đi tìm lời giải đó.
NSƯT Kim Tử Long phát biểu trong tọa đàm
Sự xuống dốc của sân khấu cải lương như hiện nay ai cũng biết và hiểu rõ nguyên nhân nhưng giải pháp để vực dậy cải lương cả ngắn hạn và lâu dài gần như chưa có.
Nhiều ý kiến cho rằng cải lương bây giờ đang "chết lâm sàng", vì thế, không cần mất công sức phục hồi làm gì, thay vào đó nên chuyển sang một loại hình văn hóa - nghệ thuật bảo tồn, không cần phổ biến trong đời sống xã hội như ngày xưa qua gánh hát, đoàn hát mà chỉ chọn vài điểm diễn tiêu biểu, chủ yếu phục vụ du lịch.
Vai trò của nhà nước trong chỉ đạo, đồng hành cũng được đặt ra. Nghệ sĩ cải lương phải có chính sách bảo đảm mọi mặt về đời sống để biểu diễn phục vụ cộng đồng - một hình thức bao cấp mới. Đưa nghệ thuật cải lương vào trường học để học sinh làm quen và dần yêu thích, nhằm tạo công chúng cho cải lương về lâu dài.
Theo TS Mai Mỹ Duyên, phải có lộ trình rõ ràng để vực dậy sàn diễn cải lương. Bà quan tâm đến 4 chủ thể quan trọng cần được chấn chỉnh: đào tạo khán giả, đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghệ sĩ và đào tạo đội ngũ lý luận phê bình sân khấu. NSND- đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, nhấn mạnh vấn đề cốt lõi chính là xác định nội lực hiện tại của sân khấu cải lương, vai trò của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trong chiến lược đầu tư đồng bộ những vấn đề trọng tâm để tìm ra giải pháp toàn diện cho sân khấu cải lương. "Phải thành lập ngay trung tâm nghiên cứu sân khấu cải lương để nơi này sẽ tham mưu, định hướng, tìm ra những giải pháp khả thi cho việc phục hồi các giá trị nghệ thuật của sân khấu cải lương và đưa sân khấu cải lương thoát khỏi những vấn đề hệ lụy còn tồn tại" - Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, NSND Trần Ngọc Giàu, nhấn mạnh.
Bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, cho biết Thành ủy sẽ có những đề xuất mang tính thuyết phục đến các cấp lãnh đạo để có cơ chế, chính sách đãi ngộ đúng mức cho sân khấu cải lương, nhằm định hướng cho bộ môn nghệ thuật này khắc phục những bất cập, tránh sự buông lỏng của cơ quan quản lý để sàn diễn cải lương được sáng đèn, có nhiều tác phẩm hay và có sự đầu tư trong đào tạo để không bị hụt hẫng đội ngũ kế thừa. "Giải pháp cần thiết cho sân khấu cải lương hiện nay chính là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; nâng cao tính chuyên nghiệp nhằm xây dựng môi trường hoạt động văn hóa - nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật cải lương, thu hút được khán giả trẻ; đầu tư cho sáng tác, dàn dựng để có những tác phẩm thu hút người xem…" - bà Thân Thị Thư nói.
Bình luận (0)