Bên cạnh cuộc thi "Nhà biên kịch tài năng" do Công ty CJ CGV Việt Nam (CGV) tổ chức, mới đây, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) phối hợp cùng VTV giải trí tổ chức cuộc thi "Tìm kiếm kịch bản truyền hình 2018" nhằm giải quyết phần nào tình trạng khan hiếm kịch bản hay và tạo điều kiện cho người trẻ thi thố tài năng, tìm kiếm cơ hội thực hiện đam mê biên kịch của mình.
Tạo nguồn kịch bản hay
Lâu nay, biên kịch vẫn bị cho là khâu yếu vì không đủ kịch bản cung ứng nhu cầu thị trường. Đây là nguyên nhân khiến nhà sản xuất đổ xô tìm mua kịch bản phim ăn khách của các nước mang về Việt hóa. Một số biên kịch trẻ tạo dựng được ấn tượng ban đầu nhưng chủ yếu ở mảng điện ảnh và số lượng không nhiều.
"Cô Ba Sài Gòn" là một trong những phim có kịch bản do người trẻ viết được khán giả đón nhận.(Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Những năm gần đây, không khó để nhận ra nhiều phim truyền hình Việt do VFC sản xuất gây sốt dư luận khi trình chiếu trên VTV phần lớn là sản phẩm Việt hóa từ kịch bản nước ngoài như "Người phán xử", "Cả một đời ân oán". Phim "Sống chung với mẹ chồng", một chủ đề không xa lạ trong gia đình, cũng là tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết Trung Quốc. Những phim khác đa phần là hợp tác với nước ngoài mang chủ đề ngôn tình: "Tuổi thanh xuân", "Khúc hát mặt trời"...
"Cuộc thi "Tìm kiếm kịch bản truyền hình 2018" được tổ chức nhằm tìm kiếm những kịch bản ấn tượng, xuất sắc đưa vào sản xuất, nâng cao chất lượng phim truyền hình Việt. Đây là sân chơi hữu ích cho các biên kịch tài năng, đam mê, mong muốn tác phẩm của mình được gửi đến đông đảo công chúng thông qua những bộ phim được phát trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam" - đại diện VFC, ban tổ chức cuộc thi, cho biết.
Tốp 3 thí sinh cuộc thi "Nhà biên kịch tài năng" 2017 cùng nhân viên CGV tham dự Liên hoan Phim quốc tế Busan. (Ảnh do CGV cung cấp)
Cũng chung mục đích phát hiện tài năng biên kịch trẻ, phía CGV cũng tổ chức cuộc thi "Nhà biên kịch tài năng", tập trung vào mảng kịch bản phim điện ảnh. Năm 2017, trong thời gian ngắn, cuộc thi này thu hút 4.000 người tham gia, tác phẩm "Con đường" của tác giả Võ Anh Vũ giành giải vàng. Ông Dong Won Kwak, Tổng Giám đốc CGV Việt Nam vào thời điểm đó, cho biết: "Chúng tôi biết được thực trạng khan hiếm kịch bản hay ở thị trường phim Việt và nghĩ đến việc góp phần thay đổi thực trạng này bằng cuộc thi kịch bản". Phía CGV khẳng định cuộc thi "Nhà biên kịch tài năng" sẽ được tổ chức thường niên. Mỗi năm khoảng 6 biên kịch được tìm ra, cứ cộng dồn nhiều năm cũng sẽ cho ra con số không nhỏ trong tương lai.
Chọn hạt giống tốt
Giấc mơ về đội ngũ biên kịch vàng vẫn còn mãi là giấc mơ nếu các hãng sản xuất lớn không chủ động tìm kiếm hạt giống tốt cho khâu biên kịch. Những hạt giống này lẩn khuất trong số đông người trẻ đam mê, nhiệt huyết nhưng chưa có cơ hội thử sức.
Theo các nhà chuyên môn, ngoại trừ những biên kịch chuyên nghiệp đã có tên tuổi, không cần tìm cơ hội, các cuộc thi tìm kiếm kịch bản hay hoặc biên kịch giỏi là nơi người trẻ tìm cơ hội thử sức. Các nhà tổ chức cũng muốn thông qua các cuộc thi tìm kiếm hạt giống tốt để gieo trồng. Nhà biên kịch Châu Thổ cho rằng các cuộc thi biên kịch là cơ hội cho những người trẻ mê nghề biên kịch tham gia. Những hạt giống tốt sẽ được phát hiện thông qua ý tưởng kịch bản.
Tuy nhiên, theo biên kịch Thanh Hương, nếu chỉ phát hiện hạt giống tốt mà không đào tạo, vun bồi thì không có điều kiện tốt nảy mầm, sinh trưởng tốt được.
Hai cuộc thi về biên kịch mảng điện ảnh và truyền hình từ hai hãng sản xuất, phát hành lớn nói trên đều nghĩ đến chuyện vun bồi cho hạt giống tìm được của mình theo cách khác nhau. Phía CGV, ban tổ chức cuộc thi "Nhà biên kịch tài năng", chọn hướng tập huấn ngắn hạn cho các thí sinh vào vòng 2 cùng hội đồng thẩm định. Sau cuộc thi, họ vẫn bên cạnh các thí sinh vào tốp 6, hỗ trợ và làm cầu nối với nhà sản xuất... Trong khi đó, thí sinh thắng cuộc thi "Tìm kiếm kịch bản truyền hình 2018" được tham gia quá trình sản xuất phim để thêm kinh nghiệm thực tế hữu ích trong các khâu tiền kỳ, hậu kỳ.
Rất nhiều người trẻ mê nghề biên kịch phim
Thực tế, số lượng người trẻ Việt đam mê nghề biên kịch rất nhiều. Trong những buổi trò chuyện chuyên đề về biên kịch, số lượng người tham gia đông đảo. Người trong giới cho rằng càng nhiều cuộc thi biên kịch càng tốt vì tạo cơ hội cho người trẻ được giới thiệu bản thân với nhà sản xuất, tích lũy kinh nghiệm. "Tôi thấy cuộc thi là cơ hội để người trẻ mang tác phẩm của mình đến với công chúng, điều mà những biên kịch thế hệ trước chật vật mới thực hiện được" - biên kịch Hồng Vân bày tỏ. Theo biên kịch Hoàng Anh: "Chúng ta không có sàn giao dịch công khai về kịch bản nên cuộc thi là cơ hội để người trẻ mang sản phẩm trực tiếp giới thiệu với nhà sản xuất. Trong số gần 50 phim Việt ra rạp mỗi năm, phim đạt doanh thu tốt chỉ khoảng 30%. Các bạn trẻ còn nhiều cơ hội kể câu chuyện hay, chinh phục khán giả và khiến nhà đầu tư chọn lựa tác phẩm của mình".
Bình luận (0)