Phim tài liệu âm nhạc "Màu cỏ úa" nói về nhạc sĩ Trần Tiến đang được chiếu tại TP HCM và dự kiến sẽ công chiếu ở Hà Nội vào tuần sau. Trước đó, phim "Đoạn trường vinh hoa" cũng vừa kết thúc 2 tuần được phát hành có giới hạn ở cụm rạp BHD Star. Mặc dù nhà làm phim tài liệu thường không đặt nặng doanh thu ngay từ lúc bắt đầu dự án nhưng sự đón nhận ngày càng nồng nhiệt của khán giả là tín hiệu tích cực cho thể loại này ở thị trường phim Việt.
Người xem đầy rạp
Phim tài liệu âm nhạc "Màu cỏ úa" được nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Thúy Lan thực hiện trong suốt 5 năm. Tác phẩm khắc họa về nhạc sĩ Trần Tiến qua giọng kể của ông, của người thân, bạn bè, những ca khúc đậm chất tự sự đan xen các đoạn phim tư liệu cũ được lồng ghép khéo léo. "Màu cỏ úa" được chiếu từ tối 23-11 tại cụm rạp Dcine Bến Thành (TP HCM). "Chúng tôi dự định tuần sau sẽ đưa phim đến chiếu ở Hà Nội. Phim đang nhận được sự hưởng ứng tốt từ phía khán giả, họ đến xem đầy rạp" - bà Trịnh Lê Minh Hằng, Giám đốc Skyline Media, nhà sản xuất bộ phim, cho biết.
Ngay từ khi "Màu cỏ úa" được công chiếu, nhiều người trong giới dự đoán phim sẽ thu hút khán giả bởi âm nhạc của nhạc sĩ Trần Tiến được nhiều người yêu thích. Khán giả muốn thưởng thức phim để hiểu hơn về chân dung nhạc sĩ, khám phá những góc nhìn khác với những gì đã được biết qua báo chí, qua những kênh thông tin chưa chi tiết.
Trước "Màu cỏ úa", phim tài liệu "Đoạn trường vinh hoa" do đạo diễn Lê Mỹ Cường và đồng tác giả Thanh Nguyễn thực hiện cũng vừa ra rạp phục vụ khán giả. Phim theo chân gánh cải lương tuồng cổ Phương Ánh rong ruổi qua những đình làng, cổ miếu ở các tỉnh miền Tây quay lại những buổi biểu diễn, sinh hoạt của đoàn. Sau 8 buổi chiếu tại các trung tâm văn hóa từ Hà Nội, Cần Thơ, TP HCM, "Đoạn trường vinh hoa" đã có 2 tuần chiếu giới hạn tại cụm rạp BHD Star.
"Đoạn trường vinh hoa" là tác phẩm được thực hiện theo phong cách tài liệu điện ảnh trực tiếp, góc quay, màu sắc đẹp, âm thanh ổn, nội dung gãy gọn, chạm được cảm xúc người xem. Phim nhận được nhiều lời khen từ phía truyền thông lẫn khán giả. "Trong buổi chiếu cuối cùng tại TP HCM, nghệ sĩ Hồng Ánh chia sẻ chị mong phim được ra rạp bán vé để phục vụ được nhiều khán giả hơn, nhất là người trẻ. Phía đại diện nhà phát hành cũng có mặt, nhận thấy tiềm năng của phim nên cùng chúng tôi thảo luận tiến hành các công đoạn xin phép đưa phim ra rạp bán vé" - cô Trà Mi, phụ trách truyền thông dự án "Đoạn trường vinh hoa", nói.
Trong năm 2020, một phim tài liệu âm nhạc tạo được tiếng vang lớn khi ra rạp phải kể đến "Sơn Tùng M-TP: Sky Tour Movie" nhờ vào sự nổi tiếng của Sơn Tùng M-TP. Phim thu 11,6 tỉ đồng sau 10 ngày công chiếu và cũng là phim tài liệu âm nhạc có doanh thu cao nhất tại Việt Nam.
Cảnh trong phim “Màu cỏ úa”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Rất tiềm năng
So với trước đây, phim tài liệu ra rạp đã nhiều hơn về mặt số lượng, chủ đề hấp dẫn và có nhiều tín hiệu tích cực hơn về độ thu hút khán giả. Mặc dù không phải phim tài liệu nào cũng gặt hái doanh thu cao khi ra rạp nhưng việc được ra rạp, tăng độ lan tỏa, giới thiệu tác phẩm đến nhiều khán giả đã là nguồn động viên với những người dốc tâm huyết cho phim tài liệu.
Phim tài liệu độc lập Việt từng có những tác phẩm gây được tiếng vang doanh thu khi ra rạp như: "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, "Lửa Thiện Nhân" của đạo diễn Đặng Hồng Giang. Về sau, một số phim tạo được hiệu ứng truyền thông như "Đi tìm Phong" của đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus, "Những cánh én đầu tiên" của đạo diễn Lê Nguyên Bảo… Năm 2020 là năm có nhiều phim tài liệu ra rạp nhất khi tính đến nay là 3 phim.
Sau những thành công nói trên, những tưởng phim tài liệu đã dễ dàng hơn trong quá trình ra rạp nhưng thực tế vẫn khó khăn. Nhà làm phim vẫn chật vật đi tìm kiếm nhà phát hành. Việc sản xuất phim tài liệu cũng gặp khó vì thường kéo dài từ hơn 1 năm đến 5 năm, kinh phí hạn hẹp. Những người làm được phim tài liệu độc lập đều xuất phát từ đam mê với đề tài, nhân vật mình chọn và cố gắng theo đuổi. Họ không nghĩ đến yếu tố thương mại và tác phẩm làm ra chỉ mong giới thiệu tới càng nhiều khán giả càng tốt thông qua các buổi chiếu miễn phí. Đó là vì con đường để họ đưa phim ra rạp nhiêu khê, khó khăn như một giấc mơ khó chạm đến.
Nhà sản xuất Hồng Ánh từng ngạc nhiên khi phim "Đi tìm Phong" gặt hái nhiều giải thưởng quốc tế mà không có nhà phát hành Việt Nam nào quan tâm đưa về chiếu ở quê nhà. Hồng Ánh cùng ê-kíp trong công ty của cô đã gõ cửa khắp nơi và cuối cùng phim được các nhà phát hành lớn: CGV, Galaxy, Lotte, Cinestar hỗ trợ sau 2 suất chiếu ở Viện Trao đổi văn hóa Pháp (IDECAF) với 450 khán giả vào năm 2018.
So với "Đi tìm Phong", các phim tài liệu như "Đoạn trường vinh hoa", "Màu cỏ úa" không còn vất vả trong quá trình tìm kiếm nhà phát hành. Những nhà làm phim tài liệu hiện chỉ kỳ vọng các nhà sản xuất thấy được tiềm năng từ thể loại này và mạnh dạn đầu tư, hỗ trợ để thị trường phim Việt phong phú hơn với sự gia tăng của số lượng phim tài liệu. Nhà sản xuất Trịnh Lê Minh Hằng cho biết sự thành công, lan tỏa của phim tài liệu còn phụ thuộc vào chủ đề, cách kể câu chuyện mà nhà làm phim chọn lựa khai thác.
Sự quan tâm của khán giả dành cho những phim tài liệu gần đây cho thấy thể loại này vẫn tạo được sức hút và còn rất tiềm năng, cần được khuyến khích để tạo sự đa dạng cho thị trường phim Việt. Nếu có sự chung tay của nhà làm phim, nhà sản xuất, phát hành, phim tài liệu Việt hứa hẹn sẽ khai phá được tiềm năng, tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng hơn trong tương lai.
Bình luận (0)