GS-TS Trần Quang Hải cho biết: "Đây là tín hiệu vui sau thời gian căng mình chống dịch Covid-19, Việt Nam có thêm 2 di sản văn hóa được thiết lập hồ sơ và kỳ vọng sẽ được công nhận. Tính đến thời điểm này, nước ta đã có 13 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, một niềm tự hào rất lớn".
Đối với các nghệ sĩ của bộ môn nghệ thuật chèo, sự kiện này là một niềm hạnh phúc. Theo nghệ nhân Trung Kiên (TP HCM), chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian của người Việt, phát triển mạnh và phổ biến ở đồng bằng sông Hồng cùng 2 khu vực lan tỏa là trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Ông cho rằng chèo đã mang tính quần chúng và thường gắn với các lễ hội dân gian nhằm tạ ơn thần thánh phù hộ cho vụ mùa bội thu, dân làng no ấm và để những người nông dân chân lấm tay bùn có thể giao lưu, cất lên tiếng lòng của mình. "Tại TP HCM hiện có hơn 100 CLB nghệ thuật chèo đang sinh hoạt tại các quận - huyện, đưa các tiết mục chèo đến với các hội diễn, liên hoan, tạo sức lan tỏa sâu rộng" - nghệ nhân Trung Kiên bày tỏ.
NSƯT Xuân Hinh (nam) trong một trích đoạn chèo cổ cùng với dàn diễn viên nữ Nhà hát Chèo Việt Nam. Ảnh: MINH LUÂN
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng những làn điệu chèo thường sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài từ thế kỷ thứ X đến nay, nghệ thuật chèo đã đi sâu vào đời sống văn hóa, xã hội, miêu tả cuộc sống bình dị của người nông dân, ca ngợi những phẩm chất cao quý của con người.
"Bên cạnh đó cũng có những vở chèo mang tính hài hước, phê phán những thói hư, tật xấu, chống lại bất công, thể hiện tình yêu thương, lòng bao dung, sự tha thứ. Nhất là khi đưa những vấn đề thời sự xã hội vào chèo đã tạo được hiệu ứng tích cực. Việc UNESCO công nhận chèo là Di sản văn hóa phi vật thể bởi yếu tố vẫn tạo được sức sống trong cộng đồng" - PGS-TS Minh Thái nhấn mạnh.
Riêng đối với võ cổ truyền Bình Định, các võ sư đã bày tỏ niềm vui mừng. Võ sư Nguyễn Minh Luận (Quy Nhơn) cho biết võ Bình Định xuất hiện từ sớm, đến thời Tây Sơn, vào thế kỷ XVIII thì thể hiện rõ nét. Năm 2012, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ghi danh võ cổ truyền Bình Định là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
"Năm 2013, UBND tỉnh Bình Định quyết định thành lập Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định - nơi giao lưu, trao đổi về các dòng võ cổ truyền và là nơi bảo trợ trên 100 võ đường võ cổ truyền Bình Định. Hiện toàn tỉnh có hàng ngàn nghệ nhân đang nắm giữ Di sản văn hóa phi vật thể võ cổ truyền Bình Định, thực hành và truyền dạy tại 177 võ đường, CLB võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh" - võ sư Nguyễn Minh Luận chia sẻ.
Theo GS-TS Trần Quang Hải, hiện đã có nhiều võ đường võ cổ truyền Bình Định được thành lập, thực hành và truyền dạy ở nhiều nước trên thế giới.
Bình luận (0)