Mới đây, tại trụ sở Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ở TP Geneva - Thụy Sĩ, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva, đã trao văn kiện nộp lưu việc Việt Nam gia nhập Hiệp ước WIPO về quyền tác giả (WCT) cho Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang, cơ quan lưu chiểu theo quy định của hiệp ước.
Phát biểu tại lễ trao văn kiện, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai tuyên bố Việt Nam gia nhập WCT không chỉ nhằm đáp ứng cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam mới tham gia mà còn tạo nền tảng pháp lý hữu hiệu để bảo vệ tác phẩm và quyền tác giả trên môi trường số.
Theo điều 21 của WCT, các quy định của hiệp ước sẽ chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam sau 3 tháng kể từ ngày văn kiện được trao cho tổng giám đốc WIPO.
TS Lê Hồng Phước (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) cho biết WCT đề cập 2 đối tượng quan trọng cần được bảo vệ bởi quyền tác giả, đó là các chương trình máy tính được tạo ra dưới bất kỳ hình thức thể hiện nào và cơ sở dữ liệu ở bất kỳ hình thức nào, miễn là việc lựa chọn hoặc sắp xếp nội dung cơ sở dữ liệu có sáng tạo trí tuệ.
"Một khi đã có được hành lang pháp lý vững chắc, sự xâm hại quyền tác giả sẽ không diễn ra như lâu nay vì đã có luật định để xử lý triệt để. Khi các biện pháp ngăn chặn được ứng dụng ngay trong phần mềm thì còn hơn cả chế tài xử phạt, vì bất kỳ trang mạng cá nhân hoặc YouTube nào ăn cắp sản phẩm trí tuệ của người khác sẽ lập tức bị chặn" - TS Lê Hồng Phước khẳng định.
NSND Kim Cương đã bảo vệ tác quyền quyển hồi ký “Sống cho người, sống cho mình”. Ảnh: THANH HIỆP
Giới nghệ sĩ Việt đã bày tỏ sự vui mừng trước thông tin trên bởi việc vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên nền tảng số thời gian qua đã gây nhức nhối đối với giới nghệ sĩ sáng tác âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh…
NSND Trần Minh Ngọc nhận định nạn ăn cắp tác phẩm trên mạng xã hội hiện diễn ra rất tinh vi. Từ một máy chủ ở nước ngoài, những kẻ xấu "xài chùa" những bản phối âm, những kịch bản văn học sân khấu mà không hề xin phép, hoặc tự ý sửa chữa, điều chỉnh làm mất đi giá trị tư tưởng của tác phẩm.
Theo NSND Trần Minh Ngọc, việc gia nhập WCT trong thời điểm hiện nay dù chậm nhưng đã mở ra tín hiệu vui, đó là ngành công nghiệp sáng tạo và công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ có tiềm năng tăng trưởng cao, giúp ngành nghệ thuật Việt thúc đẩy phát triển kinh tế - du lịch một cách mạnh mẽ. NSND Đào Bá Sơn tin rằng việc Việt Nam gia nhập hiệp ước sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc liên quan đến bảo vệ các tác phẩm và quyền tác giả của tác phẩm trong môi trường số.
Từ Pháp, GS-TS Trần Quang Hải đánh giá việc tuân thủ và thực hiện WCT sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam. Hiệp ước này sẽ tạo động lực kinh tế quan trọng để các cá nhân và công ty sáng tạo nghệ thuật trong môi trường kỹ thuật số, cũng như cung cấp cơ sở pháp lý đáng kể cho thương mại điện tử lành mạnh vốn đóng vai trò quan trọng để duy trì các ngành công nghiệp bản quyền quốc gia, thu hút đầu tư và bảo vệ sự sáng tạo ở trong nước.
Bình luận (0)