Trở lại sau non nửa thế kỷ, "Tình biển nghĩa sông" (NXB Hội Nhà văn, 2019) là tuyển thơ từ 3 tập in trước đó của Hoàng Thoại Châu, gồm: "Áo trắng ngày xưa" và "Tình biển nghĩa sông" (đều do Âu Cơ xuất bản năm 1969) cùng "Tình biển nghĩa sông (2)" (Hướng Dương xuất bản năm 1973).
Dẫu tuyển từ 3 tập thơ nhưng ta thấy ở đây sự thống nhất không chỉ ở chủ đề mà ở cá tính của tác giả, kiên quyết theo đuổi lựa chọn dấn thân. Thơ ông chuyển dịch từ vùng ái tình ướt át đầy những hoa những bướm, những cỏ xanh, tóc huyền...sang một vùng hiện thực đầy rẫy những cảnh tượng đổ nát, tủi hận. "Chuyến tàu yêu" dần rời khỏi cái nhịp bình lặng của thôn quê tỉnh lẻ đến nhập vào phồn hoa đô hội.
Thơ Hoàng Thoại Châu đi ra từ truyền thống của ca dao, Thơ Mới, với những câu thơ như được ca dao sinh ra và sẽ xóa tên tác giả để gửi trả lại ca dao. Cảm tưởng như Hoàng Thoại Châu mang ơn những "cây đa, bến nước, con đò" mang ơn những "bãi mía, nương dâu" và làm thơ vì cái nghĩa ấy. Cũng giống như Nguyễn Bính từng "van em em hãy giữ nguyên quê mùa", không dưới một lần, nhà thơ kêu gọi những đồng bào của mình từ bỏ lối sống lai căng để trở về với cội nguồn dân tộc.
Nhưng dĩ nhiên, thời đại đã khác, giếng nước, mái đình cũng khác. Ai sinh ra trong giai đoạn lịch sử đó mà không bị cuộc chiến tác động, nghệ sĩ nào thấy những cảnh quê hương điêu tàn, thấy đồng bào chết thảm dưới bom rơi đạn lạc mà không khỏi xót xa. Nhà thơ Hoàng Thoại Châu đem cái xót xa ấy vào thơ mình, như tuyên ngôn: "Tôi muốn nói về phiên buồn đất nước" về những "xóm thôn nghèo và chứng tích thương đau" về "hai mươi năm lẻ đạn cày quê hương"… Cho nên dẫu nhiều bài được tác giả sáng tác khi còn trẻ nhưng lại ít hoa mộng mà thực tế, ít thuyết lý mà thiên về bộc lộ. Đặc biệt ở những bài thơ theo thể tự do, lúc nào cũng giống như một lời chứng của nhà thơ về thời đại của mình, tuổi trẻ của mình. Chẳng những thế, ông còn nói lớn bằng giọng lúc hùng hồn, lúc thống thiết lời kêu gọi hòa bình cho quê hương Việt Nam, chấm dứt chiến tranh, để không còn cảnh "Bên khung cửa hắt hiu gió lạnh", có "Những đứa trẻ trông chờ", "Bởi ba chúng bây giờ ngoài chiến trận!..."
Hoàng Thoại Châu làm thơ từ năm 17, 18 tuổi ở Quảng Nam. Sau này vô Sài Gòn, ông nương nhờ cửa Phật tại Tổ đình Ấn Quang, tiếp tục sáng tác và tham gia các phong trào phản chiến, cộng tác với các báo ở mảng văn học như "Chánh đạo", "Tiểu thuyết Thứ Năm"... Đến cuối năm 1973, trong một buổi đọc thơ, ông bị chính quyền Sài Gòn bắt, sau đó bị đày ra Côn Đảo cho đến khi đất nước thống nhất. Từ đây, ông trở thành nhà báo chuyên nghiệp với bút danh Ba Thợ Tiện ở các Báo Tuổi Trẻ, Lao Động...
Bình luận (0)