"Một lần, một đạo diễn điện ảnh nổi tiếng, nghệ sĩ nhân dân, vốn là bạn thân, vừa nhìn thấy tôi đã tung luôn một câu: Bộ phim X. chẳng ra cái gì, tại sao báo chí các anh làm rùm beng lên thế? Ca ngợi hết lời. Các anh định cổ vũ, biểu dương cái gì vậy?
Tôi chưa xem bộ phim nhưng cứ vẫn trả lời: Thì các anh còn lạ gì, nhà báo chúng tôi chuyên "ăn theo nói dựa" mà. Phim chưa quay xong, các anh đã quảng cáo, tiếp thị, giới thiệu linh đình và khi đưa ra rạp cũng có không ít khách xem. Một sự kiện văn hóa như vậy mà báo chí không thông tin là có lỗi. Làm sao chúng tôi dám không kịp thời "ăn theo" các anh? Còn tại sao khen? Toàn dựa vào ý kiến người trong giới anh cả đấy. Ai cũng vun vào, nào có nghe nhà phê bình, lý luận nào phân tích những cái chưa được? Và chúng tôi đành nói theo lời các anh vậy…".
Nhà văn, nhà báo lão thành Phan Quang mở đầu như vậy cho bài viết "Văn học, nghệ thuật và báo chí trong cuộc sống ngày thường" nói về mối quan hệ hợp - phân, phân - hợp giữa văn học nghệ thuật với báo chí, truyền thông - là một trong 20 bài - in trong cuốn "Qua tên gọi bốn con đường", tập tiểu luận của Phan Quang do NXB Văn học vừa ấn hành vào dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, 21-6-2018.
Bằng trải nghiệm của bản thân, trọn cả đời người từ tuổi 17 ở đầu nguồn sông Thạch Hãn (Quảng Trị) đến tròn 90 tuổi bên bờ hồ Gươm, Hà Nội (lấy từ tên tập bút ký "Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ hồ Gươm" của Phan Quang, NXB Trẻ, 2017), dù có những thời gian dài ông là chính khách, nhà quản lý, nhà văn hóa, dịch giả nhưng Phan Quang vẫn miệt mài, trung thành, không ngơi nghỉ với đọc, đi, nghĩ, viết của nghề báo, để ở cái tuổi người xưa nay hiếm ông còn nhả tơ cho nền báo chí Việt Nam bằng những bài viết đậm chất thời sự: "Nghĩ về bản lĩnh báo chí Việt Nam", "Về sự tồn vong của báo in trước cơn bão tin học", "Đạo đức và trách nhiệm người cầm bút"…
Ngoài những bài viết về lĩnh vực báo chí mà ông là bậc thầy, trong "Qua tên gọi bốn con đường", bằng kiến văn thông tuệ của mình, dựa vào một số tư liệu trong và ngoài nước, từ những điều tưởng như bình thường, mang tính phổ quát trong cuộc sống, Phan Quang đã làm cho người đọc bất ngờ, thú vị với kiến giải và đúc kết của mình.
Bìa cuốn sách "Qua tên gọi bốn con đường"
Từ những phân tích, bình luận về người Việt, về chiến tranh Việt Nam trong cuốn "The Vietnamese and their revolution" (Người Việt Nam và cuộc cách mạng của họ) của 2 thầy trò người Pháp, Mỹ - thầy là Paul Mus, người Pháp, sinh năm 1902, thành viên Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội từ năm 1926, giáo sư Trường Đại học College de France - Paris từ 1946, đồng thời là giáo sư thỉnh giảng Trường Đại học Yale, Mỹ từ năm 1949 đến 1969; trò là John McAlister Jr., người Mỹ sinh năm 1936, giáo sư Trường Đại học Princeton rồi Đại học Stanford - Phan Quang đã đúc kết: "Lòng yêu nước Việt Nam đậm tính nhân văn". Hoặc trong bài "Chữ quốc ngữ trong văn hiến Việt Nam", sau khi nêu quá trình hình thành chữ quốc ngữ kéo dài đến 300 năm, ông bất ngờ đưa ra nhận xét: "Tôi nghĩ không phải ngẫu nhiên mà thành phố mang tên Hồ Chí Minh ngày nay vẫn giữ nguyên vẹn tên hai con đường chạy song song, đường bên trái mang tên nhà nho Hàn Thuyên, đường phía bên phải mang tên giáo sĩ Alexandre de Rhodes. Cũng không phải không hàm chứa ý nghĩa cao cả mang ý nghĩa tượng trưng, khi chính giữa hai con đường song hành ấy có đại lộ dài hơn, rộng hơn mang tên Lê Duẩn; ba con đường như thể đồng hành để cuối cùng đại lộ Lê Duẩn băng qua đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đàng hoàng tiến thẳng cổng chính dinh Độc Lập, biểu tượng của quốc gia Sài Gòn trước năm 1975, trước nữa là phủ Toàn quyền Đông Dương". Từ đó, ông kết luận: "Chỉ cần tên gọi bốn con đường…, chừng ấy thôi đủ cho mọi người nhìn thấy ý chí kiên cường cùng truyền thống khoan dung của người Việt, bắt đầu thể hiện thành văn từ thời Lý Thường Kiệt với "Nam quốc sơn hà…", qua Nguyễn Trãi với "Bình Ngô đại cáo" đến "Tuyên ngôn độc lập" của Hồ Chí Minh, cũng như hình dung rõ của quá trình giao lưu, tiếp biến và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt từ chữ Hán sang chữ Nôm, rồi từ mẫu tự Latin sáng tạo nên chữ quốc ngữ ngày nay".
Chỉ 250 trang khổ 13,5 x 20,5 cm nhưng khi gấp lại cuốn sách biết bao nhiêu điều về đất nước, con người và văn hóa Việt đáng phải suy ngẫm!
Bình luận (0)