Nhiều năm trước, cuốn sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú dài hạn (KT3) là điều kiện tiên quyết và bắt buộc phải có để nộp hồ sơ dự tuyển viên chức, công chức ngành giáo dục. Với người dân ngoại tỉnh đến TP HCM sinh sống, phải có hộ khẩu mới có thể gia nhập lực lượng lao động khu vực công.
Năm 2014, tôi được cấp sổ KT3 tại phường 15, quận Bình Thạnh, TP HCM. Người đứng ra bảo lãnh cho tôi chú Ph. một người dân quê gốc Quảng Ngãi làm nghề may và sửa quần áo. Chú vào TP HCM lập nghiệp từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Chú nói "Tao cũng là người nhập cư, tao sống mấy chục năm nay ở TP này, hiểu được nỗi khổ của chúng mày". Mộc mạc đến lạnh lùng, chú Ph. hướng dẫn tôi điền thông tin vào các bản kê khai nhân khẩu, sao chụp giấy tờ rồi chú nộp lên công an phường.
Những hàng quán vỉa hè đã nuôi sống bao người nhập cư trong những ngày đầu đến với thành phố phương Nam
Hai tuần sau tôi nhận được sổ KT3, gặp đúng lúc một địa phương đang có thông báo tuyển giáo viên. Năm đó, các quận nội thành vẫn chưa tiếp nhận ứng viên các tỉnh bên ngoài TP HCM nên tôi nộp hồ sơ dự tuyển một huyện ngoại thành và đậu năm đó.
Để được bảo lãnh vào chung hộ khẩu của một gia đình đâu có dễ. Đầu tiên chủ hộ sẽ "nhìn mặt" - hai chữ mà có nhiều dịp ngồi nhậu chung với người lớn tuổi tôi mới được biết. Chủ hộ xem tôi ăn ở ra sao, sinh hoạt trước nay thế nào, nói năng và giao thiệp có "đàng hoàng" hay không... và may mắn, tính tính điềm đạm cũng làm tôi ghi điểm trong mắt chủ hộ.
Khi công việc tôi thuận lợi rồi, đôi lúc ngồi uống cà phê, chú Ph. nói thêm "Thấy mày vất vả, lại siêng năng nên tao làm cái sổ cho mày, tao cũng không mất gì, coi như trả nợ TP HCM ngày trước đón nhận tao". Tôi trả lời: "Với chú thì không mất gì, nhưng với con đó là một tờ giấy thay đổi cuộc đời. Giúp người dưng như con có công việc tốt hơn, thăng tiến hơn và định cư với TP phương Nam này..."
Khi các khu vực công trước đây, đặc biệt là ngành giáo dục đòi hỏi người dự tuyển phải có hộ khẩu/KT3 ở TP HCM thì rất nhiều người đã "chạy" giấy tờ rất tốn kém và vất vả. Bây giờ thì không cần hộ khẩu nữa, nhưng, sự hào phóng đến từ sự tử tế của người TP HCM thì nơi đâu bạn cũng có thể bắt gặp, chỉ là bạn thờ ơ, chưa tinh tế nhìn ra thôi. Người TP HCM im lặng quan sát, ít khi xét đoán một ai ra mặt. Thấy "chơi" được thì họ đón nhận, không thì thôi, họ không ra điều kiện gì cả. Thực ra, để bắt đầu sống ở TP HCM, bạn không cần phải có gốc gác, mối quan hệ nhờ vả..., mà chỉ cần tử tế, biết đối nhân xử thế có trước có sau, con người nơi đây sẽ bù đắp cho bạn những gì bạn khiếm khuyết. Ai cũng thấy, vùng đất này cả hàng chục hàng trăm năm qua luôn sẵn lòng đón nhận người tứ xứ tụ về, đúng là vùng đất của bao dung, hào sảng.
Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải
Nhận bài dự thi từ ngày 10-4-2021. Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.
Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021)
Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.
Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)