Nghệ thuật kịch nói là loại hình gắn liền với mảng đề tài xã hội, phản ánh những mối quan hệ gia đình và dễ tiếp cận với số đông công chúng. Sau năm 1975, khi những người nghệ sĩ tiên phong của sân khấu cải lương "đứng trong đội hình" sân khấu cách mạng thổi những làn điệu "vọng cổ" ngọt ngào vào trong từng bài ca cổ, vở cải lương thì tôi đã được xem ghi hình những vở diễn cách mạng đậm tính nhân văn như: "Đâu có giặc là ta cứ đi", "Chuông đồng hồ điện Kremli", "Hòn đất", "Chim Việt - Cành Nam"…
Tôi nhớ các anh đạo diễn, biên tập những ngày đầu của HTV như: Phạm Khắc, Triều Dâng, Trần Văn Sáu, Thế Ngữ, Huỳnh Minh Nhị, Kiều Tấn, Kim Hà… đã góp phần mang lại thành quả cho từng chương trình, vở diễn được phát sóng.
Câu nói đầu tiên tôi được nghe trên đài truyền hình: "Đây là Đài Truyền hình Sài Gòn Giải phóng...", do phát thanh viên Hồ Mỹ Hạnh thể hiện với chất giọng đầy khẳng khái, rất ấn tượng và xúc động. Đó là lúc 19 giờ ngày 1-5-1975, một thời khắc lịch sử mở đầu cho những hoạt động thường xuyên của HTV suốt 45 năm nay. Tôi rất tự hào về những thành quả của sân khấu cách mạng miền Nam, thông qua màn ảnh nhỏ đã làm nên diện mạo một nền giải trí văn hóa mang nét đặc trưng của vùng đất phương Nam.
NSND Kim Cương và các nghệ sĩ lão thành trong chương trình “Nghệ sĩ tri âm” lần 6 do bà tổ chức.Ảnh: THANH HIỆP
Gia đình tôi có niềm hạnh phúc lớn là trong các vở kịch nói của đoàn Kim Cương thì "Lá sầu riêng" được quay hình sớm nhất. Thời đó với tivi đen trắng, thứ bảy giới thiệu kịch "Lá sầu riêng" thì hầu như khán giả ở nhà xem màn ảnh nhỏ, đường phố vắng lặng. Má tôi - NSND Bảy Nam - gần như không bỏ sót buổi phát sóng nào của vở kịch này, vì nó là gia bảo.
Ngày nay, sân khấu truyền hình đóng vai trò quan trọng bởi đó là phương thức đưa sân khấu đến gần hơn với công chúng, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0. Tôi đánh giá cao một vệt những chương trình đặc sắc của HTV như: "Chuông vàng vọng cổ", "Ngân mãi chuông vàng", "Vầng trăng cổ nhạc", "Nghệ sĩ và sàn diễn"…
Trong 45 năm qua, quyết định "ở lại" của thế hệ nghệ sĩ chúng tôi thật sự là một niềm tự hào vì đó là lựa chọn đúng. Chúng tôi đã lớn thêm hơn cùng với niềm vui chung của cả nước và nhân dân TP. Vào tháng 4 đầy hào hùng, thiêng liêng này của 45 năm trước, tôi nhớ mình cùng nhiều đồng nghiệp đã đổ về đường Nguyễn Du - nơi có trụ sở tạm thời của ngành văn nghệ - và quyết định ở lại. Khi đó, anh Hồ Vĩnh Thuận - người trong ban giám đốc đầu tiên của Đài Truyền hình Sài Gòn Giải phóng - đã cầm tay tôi nói: "Chị chọn một bài phát biểu để quay hình số đầu tiên của nghệ sĩ Sài Gòn với khán giả truyền hình". Khi đó, tất cả nghệ sĩ kỳ cựu của ngành sân khấu đều vui mừng phấn khởi, nhớ như in ngày đầu tiên được lên sóng truyền hình sau ngày 30-4-1975.
Điều tôi quan tâm hiện nay là trong sự hân hoan chào mừng đất nước thống nhất 45 năm, cả nước vừa trải qua đợt cao điểm ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Chúng ta không chủ quan, vẫn tuân thủ mọi biện pháp để tránh dịch bệnh lây lan và với trách nhiệm người nghệ sĩ, ý thức này cần được tiếp tục duy trì.
Tôi vẫn thường nói với các nghệ sĩ đồng nghiệp trẻ rằng bên cạnh sự cống hiến để có được những sản phẩm hướng tới khán giả, lực lượng nghệ sĩ trẻ hôm nay phải tiếp tục sáng tạo mang lại những dấu ấn mới cho công chúng yêu thích văn hóa nghệ thuật Việt bằng một niềm tin chiến thắng. Chúng ta đã chiến thắng trong biết bao gian khổ để giành lấy độc lập thì việc chiến thắng dịch bệnh, đẩy lùi những tư tưởng xấu, ca ngợi, hun đúc tinh thần đoàn kết, bảo vệ, xây dựng đất nước là trọng trách của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.
Bình luận (0)