Với tôi, thành phố phương Nam này giống như một người bạn tri kỷ giữa đời để có thể tâm sự tất cả những buồn vui. Thành phố như là quê hương, khi nhắc đến lòng bỗng nghe yêu thương đến lạ. Để có một tôi của ngày hôm nay không thể không kể đến những tháng ngày tôi được học tập, được sống bên những người dân của thành phố này và lớn khôn thêm, thực sự trưởng thành.
Tôi vốn là học trò dân tỉnh lẻ lên TP HCM trọ học. Ngày đầu tiên đối với tôi là một ngày không thể nào quên. Tôi cứ đinh ninh mình thuộc diện được ở ký túc xá nên không tranh thủ lên sớm để thuê nhà trọ. Khi làm xong thủ tục nhập học, đến ký túc xá thì được trả lời đã hết chỗ ở. Trong lúc con nhỏ nhà quê lúc đó với hành lý ngổn ngang, trong lòng đang lo lắng không biết đi đâu về đâu bỗng dưng gặp được một nhóm thanh niên tình nguyện. Nhờ sự giúp đỡ của các anh chị mà cuối cùng tôi cũng được ở ghép với một bạn có hoàn cảnh giống như tôi. Trước khi lên TP HCM tôi thường nghe mọi người cảnh báo rằng "ở thành phố hãy nhớ đừng có tin ai", thì ngay lúc đó cái nhìn của tôi dường như thay đổi. TP HCM đón tôi bao dung như thế, để rồi từ người khách trọ, không lâu sau tôi trở thành người thân của TP HCM. Đến nỗi mỗi khi rời xa chốn này, trong lòng tôi luôn nhớ về những con đường có lá me bay.
Ngã sáu công trường Dân chủ, TP HCM, nhìn từ trên cao Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ngày đó, con đường tôi đi học mỗi ngày là đường Nguyễn Du, rẽ hướng nhà thờ Đức Bà, rồi đi ngang Nhà Văn hóa Thanh Niên đến hồ Con Rùa, qua những con đường có lá me bay trong thơ và nhạc. Trường tôi đối diện tòa soạn báo Mực Tím, tờ báo có bút nhóm Vòm Me Xanh gắn liền với tuổi thơ tôi. Khỏi phải nói tôi vui biết chừng nào, vì có những điều đó làm cho lòng tôi thêm phần ấm áp. TP HCM luôn mở lòng, chỉ cần mỗi ngày đi trên con đường có lá me rơi, thỉnh thoảng được anh vá xe đạp đầu đường bơm xe cho miễn phí, là tôi đã cảm thấy thân thương biết nhường nào. Thành phố phồn hoa mà không xa lạ, dang tay chào đón tất cả mọi người, nuôi dưỡng những ước mơ của những người trẻ trên giảng đường đại học.
TP HCM đối với tôi còn rất nhiều điều bình dị mà thân thương. Có lẽ tôi không thể nào quên số tiền năm ngàn đồng mỗi buổi sáng của chị con gái bà chủ nhà trả công cho tôi. Sáng nào cũng vậy, tôi đạp xe qua chợ Cầu Muối lấy hai bánh bột về cho chị ấy bán bột chiên gần rạp hát Nam Quang cũ. Kiếm được những món tiền đầu tiên, tôi hết sức vui mừng. Chị ấy cũng luôn làm cho tôi một đĩa đặc biệt trước khi về đi học. Rồi những lần hết tiền, ăn mì gói, bà chủ nhà bảo lấy thêm cơm cho chung vào tô mì để được no lâu. Những lần bị bệnh, những lúc căng thẳng thi cử càng thấy thêm tình người, không chỉ bà chủ nhà mà còn là những người dân trong cùng chung một con hẻm. Rồi những tháng lương đầu tiên đến từ việc dạy kèm cũng trên đất này, từ những con người TP HCM nghĩa tình, bao dung hết thảy những người con xa xứ.
Thời sinh viên của tôi trôi qua ở TP HCM đầy ắp tình cảm như thế. Thỉnh thoảng về ngang trường cũ, tôi vẫn ghé cà phê vỉa hè bên hông Trường đại học Kiến trúc, chỗ góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Pasteur. Có nhiều người quen, có nhiều người mới, nhưng ngồi được một lúc thì đều đã như quen, có thể nói với nhau đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Nói chuyện một hồi thì cũng sực nhớ là phải đi làm, chạy xe đến ngã tư đèn đỏ, dừng lại vẫn không quên chừa đường cho người rẽ phải. Ai nói người dân ở thành phố lớn vô tình? Tôi nhớ rất rõ một lần đi cùng đám bạn trên đường gặp một đám tang, chính những người bạn ở TP HCM là những người đầu tiên dừng lại và ngả mũ xuống, thể hiện thành kính trước người đã khuất.
Sẽ có những người bảo rằng sao không kể những cái xấu, cái chưa được? Đã là con người thì có người này người khác, huống hồ gì một vùng đất, một thành phố lớn với hàng triệu con người. Với tôi, những điều chưa hay chưa đẹp tại TP HCM không lấn át hay làm mất đi những vẻ đẹp, những giá trị vốn có của thành phố này. Tôi không chỉ yêu thương mà còn tự hào vì giờ đây sau 45 năm ngày chính thức mang tên của vị cha già kính yêu của dân tộc, TP HCM ngày càng phát triển lên tầm cao mới.
Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải
Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.
Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).
Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.
Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)