Trong "Hội nghị phổ biến, triển khai Luật Điện ảnh số 05/2022/QH ngày 15 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội và Nghị định số 131/2022/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh" do Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM tổ chức ngày 14-4, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, thông tin về những kế hoạch, đề án liên quan đến phát triển điện ảnh ở thành phố.
"Được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thủ tục xin phép trước đây và được sự chấp thuận của UBND TP HCM, TP sẽ tổ chức Liên hoan phim ngắn lần đầu tiên trong năm nay. Nội dung này sẽ là một bước khởi động cho năm 2024, chúng tôi đã xây dựng đề án và gửi đến các cơ quan thẩm quyền, để lần đầu tiên tổ chức Liên hoan phim Quốc tế TP HCM lần thứ nhất. Liên hoan phim lần này xác định sẽ cố gắng xây dựng thành thương hiệu riêng để có thể trở thành điểm đến thường kỳ, qua đó phát triển du lịch và phát triển kinh tế xã hội của TP HCM" - bà Thúy thông tin.
Một phim ngắn Việt tham gia liên hoan phim nước ngoài
Bên cạnh xúc tiến quảng bá điện ảnh, về nội dung liên quan đến phát triển cơ chế, chính sách cho điện ảnh TP HCM, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu cho UBND TP HCM về chiến lược phát triển ngành văn hóa thành phố đến 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Nội dung này cũng đã được UBND TP HCM phê duyệt.
Theo đó, sở này đề xuất xây xây dựng một phim trường hiện đại ở huyện Củ Chi, xây dựng bảo tàng điện ảnh, trung tâm chiếu phim hiện đại và một trung tâm sản xuất phim…
Ông Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, trả lời tại hội nghị
Tại hội nghị, ông Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, đã giải đáp nhiều thắc mắc từ đại diện các doanh nghiệp, sở - ban ngành xoay quanh Luật Điện ảnh số 05/2022/QH cũng như Nghị định 131/2022 liên quan đến phân loại phim, quản lý phim trên mạng, nhập khẩu phim, xin phép khi làm phim có hợp tác với nước ngoài…
"Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tự phân loại, tự chịu trách nhiệm phim của mình. Cơ quan quản lý sẽ kiểm tra các nội dung phim sau khi các tổ chức gửi danh sách phim phổ biến và kết quả phân loại phim đến cơ quan quản lý. Thời gian tới, tất cả doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức phổ biến phim trên mạng đều phải thực hiện quy định pháp luật. Tất cả tổ chức của Việt Nam hay xuyên biên giới không có trụ sở tại Việt Nam thì thời gian tới cũng phải có đại diện, địa chỉ liên lạc cụ thể để khi có phản hồi từ phía người xem, người dùng hoặc cơ quan quản lý nhà nước về phim vi phạm pháp luật thì sẽ có đầu mối, thông tin liên hệ tiếp nhận, xử lý" – ông Đỗ Quốc Việt nói.
Bình luận (0)