Nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ đã được thế giới vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. TP HCM lại là nơi có hàng trăm câu lạc bộ ĐCTT đang hoạt động với đội ngũ nghệ nhân đờn, ca giỏi đông đảo nhưng di sản này chưa được khai thác đúng mức để tạo nên đặc sản văn hóa đặc trưng của TP HCM. Đó là điều đáng tiếc không chỉ đối với những nhà làm du lịch mà với đội ngũ nghệ nhân giỏi của bộ môn nghệ thuật độc đáo này.
Phố ĐCTT, sao không?
Theo các nhà chuyên môn, ĐCTT Nam Bộ có ở nhiều địa phương của vùng đất Nam Bộ nhưng TP HCM nhiều lợi thế hơn trong việc khai thác biến thành đặc sản riêng của mình. Là trung tâm du lịch, mỗi năm, TP HCM đón một lượng khách rất lớn trong nước và quốc tế. ĐCTT Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, được UNESCO vinh danh, nên bộ môn nghệ thuật này càng dễ trở thành đặc sản đối với du khách. TP HCM có hàng ngàn nghệ nhân ĐCTT với nhiều độ tuổi khác nhau cũng là một lợi thế về nhân lực đủ hình thành phố ĐCTT. Và, thay vì thi thoảng đưa ĐCTT ra phố đi bộ Bùi Viện hoặc Nguyễn Huệ biểu diễn trong những sự kiện văn hóa của TP, nên chăng xây dựng hẳn một không gian dành cho bộ môn này biểu diễn thường xuyên, tạo thành nét văn hóa đặc trưng độc đáo của TP HCM.
Trình diễn đờn ca tài tử tại phố đi bộ Nguyễn Huệ trong chương trình “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương”
Hầu hết các nhà chuyên môn đều thấy rằng không có sản phẩm du lịch nào không mang nội dung, thể hiện bản sắc văn hóa. Nghệ sĩ Phương Bảo cho biết: "Tôi làm chương trình du lịch "Ngôi nhà âm nhạc Phương Bảo" được rất đông du khách đến tham quan, thưởng thức. Họ hỏi tôi sao TP HCM không có khu phố, con đường không gian của di sản, trong đó có ĐCTT và thất vọng khi nghe tôi nói TP của chúng tôi chưa làm được".
Theo nghệ sĩ Phương Bảo, TP HCM là trung tâm văn hóa lớn, nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa nghệ thuật. Từ thành quả của 2 lần tổ chức Festival ĐCTT cấp quốc gia tại Bình Dương và Long An, chúng ta có nhiều bài học kinh nghiệm để biến ĐCTT thành đặc sản của mình.
Không khó để so sánh, đối chiếu, tìm ra mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch nếu không xúc tiến thực hiện. Theo TS Phạm Từ, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, bản chất của du lịch là văn hóa. Ông nói: "Du lịch là đi chơi, thăm thú, tìm hiểu một nền văn hóa khác lạ để trải nghiệm, nghỉ ngơi. Làm du lịch là nghề lấy văn hóa để tiếp đãi văn hóa. Sản phẩm quan trọng của du lịch là văn hóa. Vì vậy, xây dựng thương hiệu văn hóa của TP HCM, theo tôi, không thể tách rời di sản văn hóa đã được thế giới vinh danh này".
Phải tinh tế trong xây dựng
Chị Bùi Phương Thảo, hướng dẫn viên một công ty du lịch tại TP HCM, nhìn nhận: "Không phải nơi nào tổ chức đưa ĐCTT vào phục vụ du khách cũng đạt hiệu quả. Thông thường, khách được thưởng thức ĐCTT trong bữa ăn, sau đó giao lưu với các nghệ nhân, nghệ sĩ". Theo chị, ĐCTT hiện nay chỉ mới là tiết mục cần thiết "góp mặt" trong tour du lịch chứ chưa được xem là một sản phẩm du lịch để được khai thác xứng tầm. Đa số du khách các nước muốn tìm hiểu và cần sự trải nghiệm văn hóa nơi mình đến nên cần không gian đúng chuẩn mang nét đặc trưng, mỗi khi đến TP HCM là họ được xem.
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng: "Với cách làm tổ chức biểu diễn trong quán ăn, quán nhậu sẽ làm hình ảnh di sản kém đi trong mắt công chúng và du khách. Nó tiềm ẩn mặt tiêu cực của ngành du lịch văn hóa. Chỉ khi xây dựng ĐCTT thành không gian văn hóa như Đường sách TP HCM đã làm được thì sẽ góp phần tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá rộng rãi với nhiều du khách trong và ngoài nước về các di sản văn hóa nghệ thuật của dân tộc trong đó có ĐCTT; góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân, trong đó có các nghệ sĩ, nghệ nhân ĐCTT; kích thích thêm sự phát triển của việc học tập, kế thừa bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống".
"Làm sao để du khách tìm đến TP HCM, nơi có không gian ĐCTT để gặp gỡ, giao lưu với các nghệ nhân, nghệ sĩ ngay tại không gian sinh hoạt truyền thống chứ không phải chỉ gặp ở nơi được xem là chương trình "phụ". Chính giá trị thực tế này sẽ giúp các nghệ nhân tái sản xuất sản phẩm nghệ thuật phục vụ cho du lịch, làm nên thương hiệu văn hóa cho TP HCM thông qua ĐCTT" - PGS-TS Trần Yến Chi mong muốn.
Vấn đề hiện nay chính là tìm được nơi để xây dựng không gian ĐCTT của TP HCM. Việc này không khó nhưng rất cần nỗ lực của nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND TP HCM.
Kỳ tới: Không lẽ chỉ có "À ố show"?
Quyết tâm là làm được
GS-TS Trần Quang Hải nói: "Những di sản văn hóa nghệ thuật độc đáo của cha ông ta để lại dù được thế giới công nhận, tôn vinh nhưng đang bị lãng phí. Nghệ thuật sân khấu chính là nơi thể hiện những tinh hoa của dân tộc mà không loại hình nghệ thuật nào có được lợi thế này. Theo tôi, nếu không hành động ngay, để di sản mất đi khi có quá nhiều cơ hội làm cho nó lớn mạnh, sẽ có lỗi với tiền nhân".
Nghệ sĩ Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu, đề xuất TP HCM nên tận dụng những rạp hát đang sử dụng trái công năng, trên một trục đường hoặc trên một khu phố tại khu vực trung tâm để nâng cấp cải tạo thành những nhà hát nhỏ trình diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát bội, cải lương, chèo, ĐCTT... hình thành nét văn hóa độc đáo không nơi nào có được. Ông Giàu cho rằng việc này có thể khó nhưng quyết tâm là làm được.
Bình luận (0)