Trong chuyến tham quan, khảo sát hoạt động sân khấu phía Bắc của đoàn CLB Phóng viên sân khấu Hội Sân khấu TP HCM, chúng tôi được dịp xem vở kịch "Nữ ca sĩ hói đầu" của LucTeam, công diễn ngay thời điểm Hà Nội chuẩn bị sự kiện Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Đạo diễn Trần Lực tự tin: "Vị thế Việt Nam trong bang giao quốc tế cũng là cơ hội để mở rộng giao lưu văn hóa, nghệ thuật. Việc chọn kịch nước ngoài dàn dựng cho công cuộc thể nghiệm sàn diễn của LucTeam cũng là một cách đo nhiệt độ khán giả".
Diễn kịch phương Tây bằng chất phương Đông
Đông đảo khán giả đã đến với vở diễn thứ ba này của Sân khấu LucTeam tại Trung tâm Văn hóa Pháp.
Hơn một năm qua, LucTeam đã mang đến cho khán giả thủ đô 3 vở diễn mới lạ, mỗi vở để lại dấu ấn đẹp trong cách thể nghiệm, gồm: "Quẫn" (tác giả: Lộng Chương), "Cơn ghen của Lọ Lem" (tác giả: Molière) và kịch phi lý "Nữ ca sĩ hói đầu" của tác giả người Pháp gốc Romania Eugène Ionesco.
So với 2 vở trước, "Nữ ca sĩ hói đầu" được Trần Lực tự tin dựng theo phong cách sân khấu ước lệ, biểu hiện. Bởi anh cho rằng mình ảnh hưởng từ sân khấu truyền thống tuồng, chèo, cải lương nên mạnh dạn kể chuyện phương Tây bằng ngôn ngữ phương Đông.
NSƯT Trần Lực
Sau 20 năm lăn xả với điện ảnh, NSƯT Trần Lực quay lại sân khấu nơi anh thường nói là "để trả nghiệp" bởi anh là con trai của đôi nghệ sĩ chèo Trần Bảng - Trần Thị Xuân. "Nói gì thì máu chảy trong huyết quản của tôi vẫn là máu sân khấu" - anh tâm sự và khẳng định những yếu tố làm nên sức hấp dẫn trong hình thức dàn dựng của anh chính là lấy hơi thở truyền thống từ tuồng, chèo để phả vào sân khấu đương đại.
Chính vì thế, trong vở kịch phi lý "Nữ ca sĩ hói đầu", khán giả nhận ra vũ đạo của tuồng qua những động tác vung tay áo hoặc đi xuyên của các nhân vật kịch. Rồi âm nhạc được phả vào đó chất liệu của dân ca, của chèo. Khán giả thích thú hơn khi anh chuyển những vấn đề xã hội được đề cập trong kịch gần gũi với người Việt Nam. Tinh vi và tinh tế đến từng câu thoại khiến khán giả vỗ tay khen ngợi không ngớt.
Cháy bổng đam mê
Đồng nghiệp đất Bắc cho rằng NSƯT Trần Lực liều lĩnh khi bỏ lại sau lưng hào quang của điện ảnh và truyền hình, để dấn thân vào kịch, một cuộc chơi không lượng sức. Thế nhưng, anh cho rằng mình không "mù quáng" trước hấp lực của sân khấu. Bởi anh hiểu được ý nghĩa của việc gầy dựng một thánh đường nơi khán giả chờ đón cái mới trong hình thức, nội dung của kịch.
Đi theo mô hình xã hội hóa của sân khấu phía Nam, bằng những nỗ lực sáng tạo và niềm đam mê cháy bỏng, anh cùng các cộng sự và học trò đã chào sân dưới thương hiệu đoàn kịch tư nhân LucTeam. Nói theo nhận định của PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái: "Lực đang cố thổi hơi thở mới cho sân khấu kịch tại Hà Nội, đó là hơi thở đương đại và truyền thống đạt tới đỉnh cao nghệ thuật".
Sự dốc sức không toan tính danh vọng, bạc tiền của anh đã nhận được sự hưởng ứng của nghệ sĩ đồng nghiệp. NSND Lê Khanh nói: "Tôi nhận thấy LucTeam là nơi mình tìm thêm chất liệu cho sáng tạo không dừng của người nghệ sĩ. Vì đam mê mà anh Trần Lực mạnh dạn tạo lối đi cho riêng mình bằng nhiều thể nghiệm trong dàn dựng, diễn xuất. Đó là điều sàn diễn cần hiện nay".
Chạm đến trái tim người xem
Sân khấu LucTeam ra đời đã nhận được sự chia sẻ của số đông khán giả. Dòng kịch phi lý vốn quá lạ lẫm với người xem Việt Nam, do vậy NSƯT Trần Lực chủ trương: "Khán giả xem không hiểu, có thể xem nhiều lần, mỗi lần giá vé giảm 25%". Anh tự tin cho rằng mình không liều, bởi có mạnh dạn khai phá đường thì mới đến đích. "Xét cho cùng, khi dựng kịch phi lý, nó khác các dòng kịch khác về hình thức nhưng cốt lõi vẫn là những vấn đề hết sức nhân văn từ cuộc sống, từ thời sự" - đạo diễn Trần Lực phân tích.
Cảnh trong vở “Nữ ca sĩ hói đầu”
LucTeam đã tìm được sự đồng điệu. Một vòng qua nhiều sân khấu tại thủ đô trong những ngày đầu năm, người viết nhận định khán giả không quay lưng với sàn diễn. Chẳng qua, như NSND Lê Khanh nói: "Chúng ta cứ nói sân khấu chết lâm sàng. Chẳng qua khán giả không có cái mới để xem. LucTeam của anh Trần Lực đã nỗ lực tạo ra sản phẩm để hấp dẫn người xem".
Và với tư cách người làm nghề, bỏ qua những chuyện "cơm, áo, gạo, tiền" hoặc lời dè bỉu "làm vì danh, chơi ngông vì giàu", NSƯT Trần Lực cố gắng làm sân khấu một cách tử tế. Mỗi vở có thời gian tập từ 4-6 tháng. Cách bán vé, tiếp thị khán giả tại thủ đô cũng khác cách làm quá cũ của sân khấu tại Hà Nội. Anh học theo mô hình của các sân khấu tư nhân ở phía Nam, bán vé qua mạng, có nhiều ưu đãi và tạo những sản phẩm quảng cáo, giới thiệu những giai đoạn vở diễn sắp ra đời.
Thành công bước đầu của Trần Lực là đã tạo không gian riêng cho sân khấu. Từ sự cộng tác của họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu người Pháp George Burchett, nhạc sĩ Lương Huệ Chinh chịu trách nhiệm âm nhạc cho vở, tác phẩm của LucTeam đã trở nên sống động hơn khi có không gian riêng. Người xem vì thế tìm đến với LucTeam vì có "gu" riêng như kịch IDECAF, Phú Nhuận, Hoàng Thái Thanh ở TP HCM.
Tìm kiếm khán giả đồng điệu
Điều rất mừng cho NSƯT Trần Lực là Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội đã hết sức hỗ trợ để sân khấu LucTeam dàn dựng vở. Sau "Quẫn" và "Cơn ghen của Lọ Lem", Trung tâm Văn hóa Pháp đã đồng hành cùng anh trên con đường đi tìm những tác phẩm xứng tầm và đáp ứng được thị hiếu của công chúng. Nói về tương lai, NSƯT Trần Lực không quá tự tin khi cho rằng nếu không còn đủ tiền để chịu bù lỗ thì anh sẽ đóng cửa LucTeam. Nhưng hễ còn khán giả mua vé chứ không quen xem theo kiểu vé mời như lâu nay, sân khấu LucTeam vẫn sáng đèn với nhiều tác phẩm mới. "Cái giá cho việc mở đường mà đi bao giờ cũng đắt. Nhưng không làm thì sao biết khán giả muốn gì ở kịch?" - Trần Lực nói về tâm huyết của LucTeam trong hành trình đi tìm giá trị của cái mới, tìm khán giả đồng điệu.
Bình luận (0)