Nhà thiết kế Thủy Nguyễn, giám đốc sáng tạo của dự án, cho biết cô cùng ê-kíp mất 6 tháng kỳ công để tạo ra bộ phượng bào. Bộ phượng bào được lên ý tưởng dựa trên nghiên cứu của cô qua nhiều tư liệu lịch sử kết hợp với yêu cầu của đạo diễn về nhân vật, thêm vào một chút sáng tạo của bản thân. Cô gặp khá nhiều áp lực khi phải thiết kế trang phục cho một nhân vật lịch sử, lại là người ở vị trí mẫu nghi thiên hạ.
"Ba tiêu chí hàng đầu mà mình đặt ra cho bộ phượng bào này là: thể hiện được quyền uy của nhân vật, đẹp và không tạo cảm giác "quá cũ". Mình không muốn để khán giả cảm thấy quá xa lạ khi nhìn vào trang phục của nhân vật, dù họ đang xem một bộ phim về thời xưa" - nhà thiết kế Thủy Nguyễn chia sẻ.
Thanh Hằng vào vai thái hậu Dương Vân Nga
Bộ phượng bào của cô nặng gần 10kg
Phượng bào bị chỉ trích phần nút áo
Phượng bào nặng tới 9,5kg, gồm 5 lớp áo giao lĩnh lớn, nhỏ từ trong ra ngoài (còn gọi là trường lĩnh); 2 lớp váy; tà áo kéo từ trái qua phải với hàng nút sao gắn tỉ mỉ giữa ngực. Thiết kế cầu kỳ nhiều lớp, cùng dáng áo thụng và tay áo dài rộng chính là một chuẩn mực để thể hiện vị trí tôn quý của người mặc trong xã hội thời bấy giờ. Bên cạnh đó, bộ trang phục còn mang một sức nặng không hề nhỏ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
"Ngay khi nhìn thấy Thanh Hằng khoác lên mình bộ phượng bào và tỏa ra khí chất của một hoàng hậu, mọi lo lắng và áp lực theo mình trong suốt thời gian qua đã được giải tỏa. Mình rất hồi hộp chờ đợi và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của khán giả" - nhà thiết kế Thủy Nguyễn cho biết.
Ngay khi những hình ảnh tạo hình nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga do Thanh Hằng hóa thân được phía nhà sản xuất đăng tải, nhiều ý kiến trái chiều xuất hiện trên các diễn đàn về cổ phong Việt, sử Việt. Những ý kiến không hài lòng xuất hiện khi loạt ảnh mô tả tỉ mỉ tạo hình của nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga được sản xuất chia sẻ. Một số cho rằng phim thể loại dã sử, kỳ ảo thì có thể sáng tạo, cải biến trang phục nhất định. Tuy nhiên, số khác lại nhận định trang phục này ảnh hưởng trang phục triều Mãn Thanh, nhất là dáng áo, kiểu nút áo và điều đó khó được chấp nhận dù thể loại phim là dã sử.
Lớp áo giao lĩnh được khen ngợi vì thuần Việt và đẹp
Nhưng thêm áo ngoài vào thì lại bị chê ảnh hưởng trang phục Mãn Thanh
Đa phần những ý kiến trên mang tính đóng góp, không hề nặng nề chỉ trích và tất cả đều mong phía nhà sản xuất có thể tiếp thu để tạo ra tác phẩm được lòng công chúng nhất. Họ cho biết: "Cổ trang là đã tiêu tốn không ít chi phí rồi. Phục trang vậy là ổn và đẹp rồi, cũng có tinh thần đầu tư nghiên cứu, chưa kể đã bảo là dã sử cổ trang mà cứ đòi trang phục sát sử đến từng chi tiết thì thôi, bóp chết sáng tạo, chả ai dám làm", "Không bàn đến chuyện phục trang đúng sai nhưng khi phát hiện có chi tiết thiếu sót thì nên chỉnh sửa cho phù hợp", "Thái hậu Dương Vân Nga là nhân vật ở thế kỷ thứ 10, khi ấy Mãn Thanh còn là 1 tộc nhỏ ở Bắc Trung Quốc. Hơn 5 thế kỷ sau người Mãn Thanh mới chiếm được Trung Nguyên thì họ ảnh hưởng đến trang phục thái hậu kiểu gì?", "Tôi nghĩ cần chỉnh sửa lại, cũng không phải là quá nhiều mà lại có kết quả tốt hơn"…
Nhà thiết kế Thủy Nguyễn sau đó cũng chia sẻ rằng nút áo được làm theo hơi hướng các thời đại về sau. Ban đầu, ê-kíp cũng thiết kế nút áo nhưng rồi lại quyết định chọn kiểu này vì độ hài hòa với trang phục, sự sang trọng cần có của trang phục hoàng hậu.
Dù nhà thiết kế đã lý giải nhưng nhiều người vẫn cho rằng tốt nhất nên sửa lại chút ít để không vướng tranh cãi, lùm xùm ảnh hưởng đến phim. Phía nhà sản xuất cho biết đã nhận được rất nhiều ý kiến của khán giả về phim, đặc biệt là trang phục của nhân vật. Điều đó cho thấy, dự án nhận được sự quan tâm của công chúng. Ê-kíp phim trân trọng những ý kiến đóng góp của khán giả và cho biết sẽ tiếp thu để hoàn thiện hơn các thiết kế phục trang tiếp theo của phim.
“Quỳnh hoa nhất dạ” khắc họa nhiều cột mốc quan trọng trong cuộc đời Thái hậu Dương Vân Nga. Chính vì vậy, khán giả có thể trông đợi những trang phục lộng lẫy hơn nữa của riêng Dương Vân Nga và những nhân vật khác trong phim.
Đây không phải lần đầu tiên tác phẩm dã sử lại gây lùm xùm về vấn đề trang phục. Trước đây, các phim cổ trang, phim lấy cảm hứng từ nhân vật lịch sử có thật hoặc liên quan đến lịch sử đều được công chúng hết sức quan tâm. Một số phim bị chỉ trích vì mắc lỗi, gây ảnh hưởng lớn đến phim, như tác phẩm "Mỹ nhân" đoàn phim cho quan mặc quan phục có in hình vua sư tử.
Đa phần các ý kiến cảm thông , cho rằng phim cổ trang Việt sẽ có nhiều khó khăn trong vấn đề nghiên cứu sử liệu về trang phục qua các triều đại xưa. Thêm vào đó, các phim thể loại dã sử, có yếu tố kỳ bí, hư cấu thì trang phục không buộc phải y hệt lịch sử. Tuy nhiên, đoàn phim đã chấp nhận xông pha vào lĩnh vực nhiều khó khăn và tranh cãi này thì cần nghiên cứu, lắng nghe, tiếp thu những ý kiến góp ý từ phía công chúng để không tạo nên chỉ trích về sau. Đây cũng là giải pháp để tránh vào "vết xe đổ" như nhiều tác phẩm trước đó.
“Quỳnh hoa nhất dạ” là phim điện ảnh sẽ khởi quay từ đầu 2021. Tác phẩm lấy cảm hứng từ cuộc đời Thái hậu Dương Vân Nga nhưng thuộc thể loại dã sử, kỳ ảo.
Bình luận (0)