Trong cuộc họp góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hôm 14-9, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, thiếu tướng Lê Tấn Tới đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định cấm phim có tình tiết cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật như: phạm tội nhưng không bị xử lý; phản ánh quá chân thực, chi tiết về sự tự chuyển biến, tự chuyển hóa, làm người xem nhận thức sai và có thể bắt chước, làm theo.
Thiếu tướng Lê Tấn Tới lấy ví dụ rằng sau khi phim "Người phán xử" được chiếu trên kênh VTV1, tình hình các băng ổ nhóm tội phạm, xã hội đen xảy ra rất nhiều.
Phim "Người phán xử" là tác phẩm Việt hóa thu hút nhiều khán giả theo dõi
Trước nhận định của Thiếu tướng Lê Tấn Tới, nhiều người trong giới cho rằng đây là nhận định mang tính chủ quan bởi phim thể loại tội phạm, hành động tương tự như "Người phán xử" đã xuất hiện từ lâu trong các nền điện ảnh khác của khu vực lẫn thế giới. Phim truyền hình Việt cũng không thiếu thể loại về tội phạm, về thế giới ngầm.
Một thời gian dài, các phim xã hội đen của Hồng Kông cũng được chiếu khắp các đài Việt. Hiện nay, khán giả có thể xem vô số phim với đủ thể loại ở khu vực lẫn thế giới.
"Ở Mỹ và các nước khác theo tôi biết thì tội phạm tăng khi nền kinh tế bị suy sụp và người dân thất nghiệp. Điển hình cụ thể năm nay do Covid-19 gây ra. Nhưng ở Việt Nam thì khác với các nước trên thế giới một cách ngược đời ghê, chỉ có coi xi-nê mới làm tăng tội phạm" – đạo diễn Charlie Nguyễn viết trên trang cá nhân.
"Người phán xử" bị cho là khiến tình hình băng nhóm tội phạm tăng
Biên kịch Thanh Hương cho rằng phim phản ánh xã hội chứ không cổ súy cho những cái xấu trong xã hội. Các phim giang hồ, xã hội đen, trinh thám của Việt Nam luôn theo luật nhân - quả, ác không thể thắng thiện và lực lượng chức năng luôn ở vị thế chiến thắng so với tội phạm.
"Việc đổ lỗi hoàn toàn cho phim là không đúng, nó quá phiến diện!" – biên kịch Thanh Hương nhận định. Biên kịch này nói thêm một người như thế nào còn phụ thuộc môi trường sống, vào giáo dục của gia đình, hoàn cảnh xã hội tạo ra chứ không phải xem xong một phim về xã hội đen thì gia nhập băng nhóm tội phạm.
Đạo diễn và biên kịch Kay Nguyễn cho rằng phim truyền hình có ảnh hưởng nhất định đến khán giả bởi thường dài tập, chiếu thời lượng nhiều. Một bộ phim tạo được sức hút thì có thể tạo tác động nào đó đến xã hội.
Một số phim truyền hình Hàn Quốc từng tạo các hiệu ứng như sau phim "Anh em nhà bác sĩ" thì số lượng lựa chọn nghề bác sĩ tăng lên, sau phim về bóng rổ thì cũng có nhiều học sinh, thanh niên chọn học bóng rổ, sau phim "Họa sĩ gió" các phụ huynh cũng thích để con mình đi học vẽ…
"Những ảnh hưởng của phim truyền hình là có bởi thời lượng chiếu nhiều nhưng không vì thế mà có thể kết luận băng ổ tội phạm, xã hội đen tăng là do xem "Người phán xử". Bởi tội phạm đâu có kiên nhẫn, thời gian xem phim truyền hình luôn phát sóng theo khung giờ cố định" – đạo diễn kiêm biên kịch Kay Nguyễn chia sẻ.
Một số người cho rằng khi không có bất kỳ số liệu thống kê xã hội học nào cho thấy sau khi xem xong "Người phán xử" tình hình băng nhóm tội phạm gia tăng thì không thể đưa ra kết luận như thế.
Nhà báo Cát Vũ cho rằng nhận định của thiếu tướng Lê Tấn Tới có đúng có sai. Đúng là phim truyền hình có ảnh hưởng đến đời sống, nhất là những phim tạo được chú ý. Tuy nhiên, nhận định rằng sau khi phim "Người phán xử" chiếu tội phạm tăng lên thì không đúng bởi phim về giới xã hội đen, tội phạm không phải hiếm hoi. Các phim này ở các nước trong khu vực khai thác rất nhiều và là thể loại phổ biến. Trong nội dung phim "Người phán xử", lực lượng chính nghĩa, cái thiện cuối cùng vẫn thắng.
Khán giả nhận định trái chiều quanh "Người phán xử"
Về phía khán giả, nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh nhận định của thiếu tướng Lê Tấn Tới. Một số người cho rằng nên cấm các phim bạo lực, phim về giang hồ, xã hội đen vì ảnh hưởng đến trẻ nhỏ, vị thành niên.
Họ nhận định: "Không chỉ phim "Người phán xử", nhiều phim trên mạng cũng làm về giang hồ, xã hội đen. Các cháu tôi rất thích xem, cứ mong muốn giống chị này, anh kia"; "Tôi mong cấm những phim này trên truyền hình vì chẳng có giá trị giáo dục nào"; "Nhiều phim đâm chém, giết người và cả bán dâm, tôi thấy không mang đến cái gì tốt cả"…
Một số người khác nhận định phim là giải trí, việc bó buộc không có cái này, cái khác là vô lý vì chúng vẫn tồn tại trong xã hội. Phim không theo sát đời sống xã hội lại bị cho là thiếu chân thật, không mang hơi thở cuộc sống.
Họ nói: "Tôi thấy không có căn cứ gì để nói xem phim bạo lực là trở thành bạo lực, tội phạm là đi phạm tội. Cái gì cũng cấm, nghệ thuật còn lại gì?"; "Phim ảnh luôn luôn phải có nhiều tình tiết hư cấu vì nghệ thuật, mới hấp dẫn người xem. Dẫu sao nó cũng là 1 thứ để giải trí thôi! Có ai ngoài đời thật học hỏi những cái trong phim?"; "Vấn đề tội phạm tăng hay giảm do nhiều yếu tố xã hội, sao lại đổ cho phim ảnh?"…
Bình luận (0)