Dự án do Công ty Giải trí Tiếng Hát Việt và nhà sản xuất phim điện ảnh MAR6 Pictures hợp tác thực hiện. Nội dung phim kể về cuộc đời của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trải dài qua nhiều giai đoạn của nền giải trí, âm nhạc Việt Nam. Những góc khuất đời tư lẫn những tranh cãi, lùm xùm suốt quá trình hoạt động trong showbiz của ca sĩ này cũng sẽ được thể hiện trên phim.
Dòng phim ca nhạc
Trước "Hào quang rực rỡ" của Đàm Vĩnh Hưng, nhiều ca sĩ Việt cũng đã đầu tư cho dòng phim ca nhạc. Bộ phim ca nhạc "Sky Tour" của ca sĩ Sơn Tùng M-TP từng gặt hái thành công, chỉ sau 3 ngày công chiếu, phim bán được 58.000 vé, doanh thu hơn 5 tỉ đồng.
Không ít ca sĩ đã bỏ tiền tỉ đầu tư làm phim ca nhạc, thường là phát trên các kênh YouTube riêng. Bộ phim ca nhạc"Trọn đời bên em" của ca sĩ Lý Hải có lượt người xem ngất ngưởng, phim kéo dài đến tập thứ 10 thì ngừng. Hai ca sĩ rất ăn khách trên các trang mạng trực tuyến là Hồ Việt Trung và Hồ Quang Hiếu cũng đã chung vốn làm phim ngắn ca nhạc hài "Giải cứu tiểu thư". Khi phát trên kênh YouTube, phim thu hút hơn 112 triệu lượt xem.
Ca sĩ Phạm Phương Thảo với bộ phim "Mong manh em" phát trên truyền hình VTV. Cô vừa hát vừa là nhân vật chính trong phim, nữ ca sĩ lần đầu thử sức với công việc diễn xuất. Bộ phim có thời lượng khoảng 40 phút, dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn Dương Lan Hương. Nữ ca sĩ Yên Hà cũng vừa phát hành phim ca nhạc song ngữ Việt - Nga mang tên "Đất nước". Còn ca sĩ Huyền Trang Sao Mai cũng vừa trở lại với khán giả bằng bộ phim ca nhạc "Mẹ là điều tuyệt vời nhất" - một bộ phim nói về tình mẫu tử thiêng liêng.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng gây xôn xao dư luận với dự án phim tiểu sử “Hào quang rực rỡ”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Dòng phim ca nhạc được thực hiện bởi các ca sĩ hay các nhóm nhạc nổi tiếng từ lâu đã trở thành một dòng phim quan trọng ở các nước châu Âu và Mỹ. Tại châu Á, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc cũng phát triển mạnh dòng phim ca nhạc. Ở Việt Nam, khoảng 5 năm trở lại đây, các ca sĩ bắt đầu chuyển hướng theo xu thế này.
Theo giới chuyên môn, số lượng phim ca nhạc khá nhiều nhưng chất lượng chưa thuyết phục được khán giả. Phim thành công chủ yếu dựa vào thương hiệu cá nhân, tên tuổi của ca sĩ là chính. Đơn cử phim của Sơn Tùng - MTP cháy vé là bởi ca sĩ này có lượng người hâm mộ lớn. Họ chính là những người mua vé vào xem phim, chứ khán giả bình thường gần như không quan tâm.
Các phim ca nhạc của ca sĩ nên ca sĩ sẽ xuất hiện ở vị trí nhân vật chính. Điều này có nghĩa là ngoài ca hát ra, ca sĩ phải có khả năng diễn xuất tốt mới thu hút được khán giả. Song không phải ca sĩ nào cũng có khả năng diễn xuất, vì vậy phần lớn phim của các ca sĩ chiếu ngoài rạp hay trên các kênh cá nhân đều bộc lộ tính nghiệp dư, ít chất điện ảnh.
Khả năng truyền cảm hứng
Trên thế giới, phim về các huyền thoại âm nhạc luôn được khán giả mong chờ, không phải bởi nó sẽ hé lộ điều gì bí mật về đời tư của nghệ sĩ, mà là bởi khả năng truyền cảm hứng đến khán giả thông qua âm nhạc. Những tác phẩm đầy sức hút này đã khơi dậy tình yêu nghệ thuật, dùng âm nhạc kể câu chuyện nhân vật và đem lại cảm xúc không thể diễn tả bằng lời.
Khán giả từng mê mệt với những bộ phim như "Bohemian Rhapsody" (tựa Việt: "Huyền thoại ngôi sao nhạc rock") được nhận xét là đã làm sống lại cuộc đời của thủ lĩnh nhóm nhạc Queen. Phim "Rocketman" (tựa Việt: "Người hỏa tiễn") xoay quanh cuộc đời của một trong những nam ca sĩ nổi tiếng - Elton John.
Gần đây nhất, bộ phim "Elvis" khai thác những khía cạnh trong cuộc đời và âm nhạc của Elvis Presley cũng gây chú ý đặc biệt. Sau khi được công chiếu tại Liên hoan phim Cannes 2022, "Elvis" nhận về tràng pháo tay kỷ lục dài 12 phút. Nam diễn viên chính Austin Butler nhận được hàng loạt lời khen từ giới phê bình. Bộ phim "Elvis" mang đến cho khán giả hàng loạt ca khúc bất hủ của Elvis Presley - do chính Austin Butler thể hiện theo phong cách hoàn toàn mới nhưng vẫn giữ được nét đặc sắc từ ca khúc gốc.
Ngoài sức lay động vốn có của những bản nhạc đã nổi tiếng, những bộ phim nói trên còn dễ dàng chinh phục các mốc doanh thu "khủng" bởi sức hấp dẫn tự thân của nghệ sĩ, lượng người hâm mộ hùng hậu. Chính vậy mà các nhà sản xuất lớn trên thế giới đều tìm kiếm và chinh phục đề tài này. Những người trong cuộc cho biết ở thị trường nhạc Việt, để làm phim về một nhân vật mang tính biểu tượng còn phải đắn đo nhiều điều.
Những luồng dư luận
Trở lại với dự án phim tiểu sử "Hào quang rực rỡ" do Bảo Nhân và Nam Cito đạo diễn, trong dự án này, nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sẽ đóng chính mình ở giai đoạn từ 30 tuổi cho đến hiện tại. Đoàn phim sẽ tìm kiếm diễn viên hóa thân Đàm Vĩnh Hưng ở thời trẻ. Những nhân vật có thật, xuất hiện trong cuộc đời Đàm Vĩnh Hưng như mẹ, Hoài Linh, Dương Triệu Vũ, Vũ Hà, Mỹ Tâm, Lam Trường… được sử dụng theo 2 hình thức là tự đóng chính họ thời hiện tại và tuyển chọn người hóa thân thời trẻ. Phim dự kiến ra rạp năm 2024.
Đạo diễn Bảo Nhân cho biết đây là một bộ phim dành cho đại chúng, đậm chất giải trí như con đường Đàm Vĩnh Hưng đã đi, phim chân thật và cảm xúc như con người thật của ca sĩ này. Vốn là một cái tên gây chú ý của làng nhạc Việt, lần này Đàm Vĩnh Hưng lại gây tranh cãi ngay từ khi công bố dự án phim, việc tranh cãi xoay quanh danh xưng "ông hoàng nhạc Việt", từ "The King" ở tựa phim hiện đã được tuyên bố xóa bỏ, chỉ còn giữ lại tựa "Hào quang rực rỡ". Những tranh cãi ngay từ ban đầu này được người trong giới cho là dấu hiệu cho thấy phim sẽ dẫn đến nhiều bình luận trái chiều từ khán giả ngay khi ra rạp. Đây được xem là một trong những thách thức lớn nhất của phim tiểu sử, những phim về cuộc đời của các nghệ sĩ, ca sĩ.
Khán giả Việt từng được xem phim tiểu sử âm nhạc "Em và Trịnh" do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn, phim "Vòng eo 56" do Vũ Ngọc Đãng làm đạo diễn. Nếu "Em và Trịnh" lấy cảm hứng từ cuộc đời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giai đoạn 1950-1990, từ lúc trẻ đến trung niên cùng các bóng hồng trong đời ông thì "Vòng eo 56" do người mẫu Ngọc Trinh bỏ tiền đầu tư thực hiện với mong muốn mọi người hiểu rõ hơn về cuộc đời cô.
Không ngoài dự đoán, "Vòng eo 56" lẫn "Em và Trịnh" đều tạo ra nhiều tranh luận trái chiều ngay khi ra rạp. Trong đó, phim "Em và Trịnh" vướng phải vô số chỉ trích nguyên mẫu không hài lòng về nhân vật của mình trong phim như giáo sư Michiko, ca sĩ Khánh Ly, ca sĩ Thanh Thúy. Tất cả những lùm xùm khiến một số người hâm mộ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bức xúc và đến nay tác phẩm này vẫn gây tranh luận khi được nhắc đến.
"Ban đầu, chúng tôi rất khó khăn khi tiếp nhận dự án này vì chưa hiểu hết cuộc đời của một ca sĩ như Đàm Vĩnh Hưng. Nhưng qua một quãng thời gian dài tiếp xúc, trò chuyện tâm sự với anh, chúng tôi nhận thấy Đàm Vĩnh Hưng mà mọi người biết đến, khán giả biết đến, truyền thông biết đến, đều đã qua "bộ lọc". Và những thông tin chưa công bố này đã chạm vào cảm xúc của chúng tôi. Do vậy, chúng tôi quyết định thực hiện bộ phim" - đạo diễn Bảo Nhân bày tỏ.
Theo các nhà chuyên môn, những thách thức với dòng phim tiểu sử, chân dung nhân vật là có, đó cũng là đặc trưng của thể loại phim này. Tuy nhiên, đây không phải là rào cản khiến nhà làm phim phải dè chừng hoặc các nghệ sĩ, ca sĩ sẽ chùn bước khi muốn kể câu chuyện đời mình qua phim. Chỉ có điều, câu chuyện có đủ sức nặng, góc nhìn người làm phim có đủ hấp dẫn để thuyết phục khán giả tin vào tác phẩm thì rất khó đoán. Nó phụ thuộc vào tài năng của ê-kíp thực hiện. Nếu làm tốt, tác phẩm sẽ là kỷ niệm đáng nhớ của cuộc đời ca sĩ, nghệ sĩ, giúp họ có thêm nhiều sự ủng hộ từ công chúng nói chung và ngược lại cũng có thể phản tác dụng.
Bình luận (0)