Việc bức tranh bảo vật quốc gia "Vườn Xuân Trung Nam Bắc" của danh họa Nguyễn Gia Trí trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM bị hư hỏng nặng vì vệ sinh, bảo quản sai cách là hồi chuông cảnh báo đối với việc bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật nói chung và tác phẩm hội họa nói riêng hiện nay.
Can thiệp bằng hóa chất tẩy rửa: Điều không tưởng
"Không thể hình dung được một tác phẩm bảo vật quốc gia vô giá như "Vườn Xuân Trung Nam Bắc" bị đối xử như thế" - nguyên chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hà Nội Nguyễn Đỗ Bảo thốt lên đầy bức xúc khi biết nguyên nhân gây hư hỏng tác phẩm "Vườn Xuân Trung Nam Bắc" là do can thiệp không đúng cách trong quá trình vệ sinh, bảo quản.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho rằng bức tranh "Vườn Xuân Trung Nam Bắc" khó có thể phục hồi nguyên trạng bởi hư hại khá nhiều.
"Có hiểu biết ở mức độ bình thường thôi người ta cũng nhận thức được rằng không ai can thiệp vào mặt tranh bằng hóa chất. Nếu dùng thứ gì đó để tác động vào bề mặt tranh, làm mất đi phần hồn, giá trị tinh thần và không khí trong tranh sơn mài là điều vô cùng nguy hiểm. Bởi làm như thế không có gì có thể phục hồi lại được" - họa sĩ Vi Kiến Thành khẳng định.
Giới chuyên môn đặt vấn đề tại sao không có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành khi tiến hành bảo quản, vệ sinh các tác phẩm hội họa (từ việc khảo sát thực trạng, lập kế hoạch, thống nhất phương án thực hiện) và sự giám sát chặt chẽ của các cấp quản lý. Một tác phẩm giá trị lớn như "Vườn Xuân Trung Nam Bắc" lại được bảo quản một cách cẩu thả bởi sự thiếu hiểu biết, vô trách nhiệm của đơn vị quản lý. "Họ đã dùng cách vệ sinh bàn, tủ sơn mài đối với một tác phẩm sơn mài. Đó là điều kinh khủng" - một chuyên gia trong ngành ngao ngán.
Cần có kiến thức chuyên sâu
Các chuyên gia mỹ thuật lưu ý việc vệ sinh tác phẩm hội họa sơn mài đòi hỏi người làm phải tìm hiểu kỹ về đặc thù trong nghệ thuật vẽ tranh sơn mài của mỗi tác giả. Kỹ thuật phủ các lớp sơn, dát vỏ trứng, dát vàng, dát bạc, dây vàng, chôn các lớp… của mỗi người đều khác nhau.
Giới chuyên môn cho hay trên thực tế, việc bảo quản một bức tranh mỹ thuật không quá khó. Vấn đề cốt yếu là người quản lý phải có kiến thức chuyên môn, nắm được quy tắc bảo quản tranh. Theo đó, tranh sơn mài nghệ thuật có nhiều bức đã có tuổi đời 70-80 năm nhưng còn rất mới. Nếu là người không có chuyên môn, nhìn tranh xuống màu, soi lại tuổi thọ của tranh thấy lên đến mấy mươi năm tưởng tranh đã cũ nhưng giới chơi tranh nói chỉ cần dùng nước cất và khăn mềm lau là xong.
Đối với tác phẩm sơn mài, chỉ cần đừng để bị thấm nước thì tuổi thọ tác phẩm hơn 100 năm là bình thường. "Việt Nam chưa có quy trình chuẩn với những tiêu chí, yêu cầu cụ thể đối với việc bảo quản tác phẩm nghệ thuật nói chung và tác phẩm hội họa nói riêng. Bên cạnh đó, trình độ của những người làm công tác bảo quản, quản lý tác phẩm nghệ thuật còn nhiều hạn chế" - nhà phê bình Nguyễn Đỗ Bảo nói. Điều này hoàn toàn trái ngược với quy trình cực kỳ khắt khe của giới mỹ thuật trên thế giới.
Bức tranh “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” của Nguyễn Gia Trí trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, chụp năm 2018. Ảnh: LÊ LY
Phải đào tạo chuyên gia
Chuyên gia bảo quản tác phẩm nghệ thuật Christiane Campioni đến từ Đức, trong buổi gặp gỡ ngày 4-5 tại LYTHI Auction, khi bàn đến cách bảo quản tranh mỹ thuật đã khẳng định: "Người chơi tranh không chỉ cần gu thẩm mỹ, kiến thức chuyên môn mà còn cần phải hiểu biết cả kiến thức giữ tranh". Theo bà Christiane Campioni, điều quan trọng nhất mà người chơi tranh phải để ý là khí hậu. Để bảo quản lâu dài một tác phẩm nghệ thuật cần có môi trường khí hậu ổn định với điều kiện phù hợp cho tác phẩm nghệ thuật. Trong các ứng dụng thực tế, điều này có nghĩa là một tác phẩm nghệ thuật không nên tiếp xúc với điều kiện quá ẩm, quá khô hoặc quá sáng. Quan trọng nhất là cần tránh sự thay đổi thường xuyên của môi trường khí hậu. Nên tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp để không bị quá nóng và bức xạ UV quá mức. Đó chính là quy tắc để giữ "thanh xuân" cho một tác phẩm mỹ thuật.
Bà Christiane Campioni cũng đưa ra nhiều trường hợp đáng buồn về các tác phẩm nghệ thuật trên thế giời đã bị phá hủy bởi những người không chuyên nghiệp khi họ tin rằng mình có thể làm được công việc bảo tồn. "Các bước đào tạo một chuyên gia bảo quản là khá dài. Ở Đức, bạn phải trải qua 2 năm thực tập sau 5 năm học, cho đến khi bạn được chứng nhận tốt nghiệp bảo quản. Điều đó có nghĩa là bạn không phải được hướng dẫn đơn giản về cách bảo quản và bảo tồn một tác phẩm nghệ thuật mà đòi hỏi kết nối với rất nhiều nghiên cứu, điều tra một cách cụ thể về khoa học, kỹ thuật vẽ tranh, hiểu biết về vật liệu và kỹ thuật làm nên tác phẩm... kết hợp các lĩnh vực khác nhau để tìm ra giải pháp tốt nhất" - bà Christiane nói.
Có nhiều cách và lý thuyết khác nhau cho việc giữ và kéo dài tuổi thọ đối với một tác phẩm mỹ thuật. Nhưng người có thể làm tốt công việc này, theo giới chuyên môn, phải là các chuyên gia được đào tạo lâu dài về chuyên ngành và có sự nhạy cảm, kiến thức nhất định về mỹ thuật, bởi công việc của một người phục chế rất linh hoạt và liên quan đến nhiều ngành khoa học khác nhau.
Nỗ lực khắc phục ở mức tốt nhất
Từ kết quả kiểm tra của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, tác phẩm " Vườn Xuân Trung Nam Bắc" có mức độ hư hại trên 30%. Đoàn kiểm tra nhận định: Do bị tác động, tác phẩm bị mất đi lớp sơn bề mặt nên sự uyển chuyển, tinh tế, liên kết giữa các mảng sơn, mảng vỏ trứng, mảng dát vàng đã không còn sự uyển nhã, huyền ảo của nghệ thuật sơn mài Nguyễn Gia Trí. Xét ở góc độ hư hại về tinh thần và phần linh hồn của tác phẩm, bức tranh đã bị hư hại khoảng trên 30%. Xét ở góc độ hư hại về vật chất bề mặt tác phẩm, độ hư hại khoảng 15%. Các mảng vỏ trứng bị trơ ra, mảng dát vàng bị mài mòn, nét và các mảng hình tiếp giáp nhau bị lộ, mất đi sự tinh tế giữa mảng và nét.
Nguyên nhân dẫn đến mức hư hại này là vì Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM đã giao việc vệ sinh tranh cho ông Lưu Minh Phụng, thợ sửa chữa vật dụng sơn mài ở TP HCM thực hiện. Do thiếu kiến thức về nghệ thuật hội họa sơn mài, ông Phụng đã dùng nước rửa chén, bột chu, giấy nhám can thiệp quá mức lên bề mặt tranh. Hiện Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM đã chỉ đạo Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM lập dự án tu sửa tác phẩm một cách thận trọng, khoa học, khắc phục sự hư hại hiện tại ở mức độ tốt nhất. Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM cần xây dựng phương án và giải pháp tu sửa, làm thử nghiệm một số vị trí trên tranh; giao việc tu sửa phục hồi tác phẩm cho họa sĩ Nguyễn Xuân Việt - học trò của họa sĩ Nguyễn Gia Trí; hoặc họa sĩ có chuyên môn, uy tín cao trong nghề sơn mài.
Bình luận (0)