Lần nọ, một cô bạn thân gọi điện cho tôi, nói rằng muốn sinh một đứa con với bạn trai. Cô bảo đứa con đang dự định này sẽ là sợi dây buộc chặt mối quan hệ hiện tại. Tôi thở dài nói rằng sẽ ủng hộ nhiệt thành cho ý tưởng về một đứa trẻ sắp tượng hình, nếu như cô ấy sinh nó ra vì tha thiết muốn có thêm một đứa con; còn nếu chỉ coi đấy là một phương tiện để duy trì hoặc níu kéo mối quan hệ thì tôi kiên quyết phản đối. Bởi, chỉ riêng sự toan tính coi những đứa trẻ như công cụ đã là một ý nghĩ không nhân văn.
Gánh nặng trọng trách
Có lẽ không ở đâu trên thế gian như ở xứ này, những hài nhi từ khi chưa ra đời đã phải gánh lắm trọng trách đến thế.
Đầu tiên, với rất nhiều người cha, đứa trẻ ấy sẽ phải gánh vô số trọng trách của dòng tộc; vì vậy, nó nên là một đứa con trai để nối dõi tông đường, trở thành phương tiện thờ cúng tổ tiên. Gia đình tuyệt tự là đại họa, ngay cả ở giữa thế kỷ XXI, thời đại của smartphone và các dự án mặt trăng, sao Hỏa. Vì thế, nếu thai nhi là con gái, đôi khi nó sẽ không phù hợp với mục đích của dòng tộc, cần phải bị loại bỏ. Chọn lọc giới tính đã gây nên một dự báo kinh hoàng: Đến năm 2050, Việt Nam sẽ khủng hoảng thừa 4,3 triệu đàn ông.
Thứ hai, với rất nhiều người mẹ, đứa trẻ có thể phục vụ cho một vài toan tính đàn bà, ấy là để trói buộc một cuộc tình, để níu chân đức ông chồng khi mơ hồ ông ta đã không còn hoàn toàn thuộc về mình trong khi mình ít nhiều đã phai nhạt xuân sắc, để bảo đảm phần thừa kế trọn vẹn nếu như nhà chồng ấy là một cự phú hoặc chỉ đơn giản là để an tâm bởi những đứa con sẽ thêm nút thắt cho "lạt mềm buộc chặt", phòng lỡ đâu sau này "bác ta có gì đó bên ngoài thì đây sẽ là chốn "quay đầu là bờ"; người ta có thể bỏ vợ chứ đâu dễ bỏ con".
Với rất nhiều bậc cha mẹ, đứa con giống như vốn đầu tư trả góp để phòng lúc ốm đau, khi tuổi già. Nên khi khuyến khích nhau đẻ thêm con, người ta hay nói câu cửa miệng: "Đẻ thêm nữa đi để sau này có đứa nó hầu cho". Người già lúc nằm viện thấy giường nhà bên cạnh con đàn cháu đống vào thăm, đổ bô bưng chậu thì xem ra lấy làm tủi thân, rầu rĩ lắm, nghĩ biết thế ngày xưa cố đẻ thêm vài đứa nữa giờ có phải "số hưởng" rồi không.
Họ quên mất rằng một khi bản thân đã coi con cái là hàng loạt công cụ nhằm phục vụ mục đích của họ, chưa cho đi đã đòi nhận lại, ấy đã là vô tình trở thành người không tử tế. Người ta vẫn nói rằng tình yêu thương của cha mẹ là tình yêu vô điều kiện, tình yêu một chiều, vậy phải chăng khi đòi hỏi con cái phải đáp ứng ngần ấy mục tiêu, đó hẳn phải là "có điều kiện".
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Tự trái tim ta biết phải làm gì
Ta nghe chuyện Tây thấy mà sốc, cứ như chuyện người ngoài hành tinh, cớ làm sao cha mẹ, con cái lại phải trả tiền ăn, tiền nhà cho nhau như người dưng. Cớ làm sao con cái phương trưởng mà lại tống cha mẹ già vô trại dưỡng lão. Cớ làm sao bố mẹ nhà cao cửa rộng mà lại bắt đứa trẻ mới ngơ ngác 18 xuân xanh ra ở thuê trọ rồi đêm hôm đi rửa bát kiếm thêm trả tiền nhà. Sống chi mà vô cảm, tàn nhẫn!
Thế nên, mới phổ biến ở xứ mình rằng những đứa con sức dài vai rộng vẫn cứ ở ì mà ăn bám cha mẹ. Thậm chí, nhiều gia đình, con cái ở tuổi U50 rồi mà bố mẹ vẫn phải nhức đầu lo công ăn việc làm, lo nhà cho ở, lo tiền chợ hằng tháng cho cả vợ chồng, rồi cho cả mấy đứa cháu. Việc một bà già về hưu vẫn phải cáng đáng hết đại gia đình 4 người, gồm con trai, con dâu và 2 đứa cháu, cả về công sức lẫn tiền bạc, hoàn toàn không phải là hiếm. Những lúc ngồi tâm sự với nhau, họ đổ cho số trời. Nhà nào có con vừa mới ra trường đã gửi tiền nuôi bố mẹ thì được coi là có phúc. Còn gia cảnh nào con xấp xỉ 50 tuổi, cha mẹ già vẫn phải lo cho từng bữa ăn rồi thậm chí kéo cày trả nợ thay con thì coi như cái họa. Họa, phúc là do… kiếp trước mà thành. Họ bảo nhau thế. Do là kiếp trước mình mắc nợ nó hoặc nó mắc nợ mình; xem ai mắc nợ nhiều hơn thì kiếp này phải trả nợ.
Ừ thì Tây họ sòng phẳng nhưng họ sẽ hiếm có chuyện con cái đùn đẩy nhau trách nhiệm chăm nuôi cha mẹ già, thậm chí mắng chửi nhau, cạch mặt nhau, kèn cựa nhau trước mặt cha mẹ già xem kẻ nuôi nhiều, người nuôi ít. Ừ thì Tây họ không "trẻ cậy cha, già cậy con" nhưng họ ít có cảnh kiện cáo, chém giết nhau tranh giành tài sản, thậm chí mạt đến mức con phải nuôi mẹ nằm liệt giường thì đâm oán ức tới nỗi cầm chổi quật mẹ như quân thù rồi đổ cả bô chất thải vào mặt mẹ. Trong tình cảm, trách nhiệm chỉ nên để xuống hàng thứ yếu, bởi nếu không yêu thương thực lòng, "trách nhiệm" xem ra giống như một thứ xã giao ngoài mặt mà thôi; ở đó, người ta phải khoác mặt nạ đạo đức mà trong lòng thì đầy oán thán. Còn nếu yêu thương thực bụng, há có phải ràng buộc và điều kiện nào nữa hay không. Tự trái tim ta biết phải làm gì với cha mẹ ta và các con của ta. Và tình yêu ấy sẽ được cảm nhận không phải bằng những nợ nần đồng lần từ tiền kiếp.
Truyền thống văn hóa khác hẳn phương Tây
"Trẻ cậy cha, già cậy con" là truyền thống văn hóa khác hẳn phương Tây - nơi mà bố mẹ già không bao giờ sống với con cái trưởng thành (nếu có hãn hữu, họ thường đưa cho con tiền ăn, tiền nhà hằng tháng như một trách nhiệm độc lập). Khi các cụ già cảm thấy đã đến lúc tuổi tác không cho phép, họ sống một mình một căn hộ (nếu người bạn đời đã về với thế giới bên kia) thì họ sẽ tự nguyện vào nhà dưỡng lão. Còn những đứa trẻ, đến năm 18-20 tuổi đều buộc phải chuyển ra ở riêng để tự lập như một cách rèn luyện kỹ năng sống và một thói quen văn hóa bất di bất dịch. Chúng sẽ phải vừa đi học vừa đi làm thêm để tự kiếm tiền trang trải cuộc sống, cho dù cha mẹ chúng giàu có đến mức nào đi chăng nữa. Cả nước hành xử như thế nên ai không làm vậy mới là kỳ quặc, là "ăn bám", "tầm gửi", "đáng xấu hổ". Vạn bất đắc dĩ đứa con mới sống tạm cùng cha mẹ một thời gian (thường là sau khi ly dị) nhưng cũng phải trả tiền ăn, tiền nhà cho cha mẹ một cách sòng phẳng. Cha mẹ, con cái, anh chị em đều tiền ai, công sức ai người nấy hưởng, hoàn toàn không có trách nhiệm phải nghe những lời mắng nhiếc "Sao cậu ăn nên làm ra thế mà để cho cha mẹ/anh/chị/em/con cái phải sống ở căn nhà chật hẹp như vầy?".
Bình luận (0)