Một cảnh trong vở diễn của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM năm 2019
Trong cuộc họp sáng 26-10 tại Hội Sân khấu TP HCM do Hội và Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM đồng chủ trì, 15 đơn vị nghệ thuật công lập và xã hội hóa đã thảo luận về những vấn đề liên quan đến Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc đợt 2 do Cục Nghệ thuật Biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Trước tình hình dịch bệnh Covid -19 còn diễn biến phức tạp, hầu hết các đơn vị nghệ thuật kịch nói tại TP HCM không thể tham dự Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc 2021 được tổ chức tại TP Hải Phòng (từ ngày 4 đến 18-11). Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã "bật đèn xanh" sẽ phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, Hội Sân khấu TP HCM để tổ chức Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc đợt 2 vào tháng 12.
Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu kịch IDECAF, cho rằng: "Có câu "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ", hiện nay sau đợt bùng dịch khủng khiếp, số ca tử vong chạm mốc hơn 21.000 người, liệu liên hoan, hội hè có phản tác dụng khi mà tháng 12 chưa chắc dịch bệnh ổn định. Phụ huynh sẽ không dám đi xem kịch, họ sợ lây nhiễm về gia đình ảnh hưởng đến con cái. Nên chăng dời liên hoan sang tháng 3 hoặc quý 2 năm 2022?".
NSƯT Trịnh Kim Chi phát biểu trong cuộc họp
NSƯT Trịnh Kim Chi cũng đồng quan điểm. Theo NSƯT Trịnh Kim Chi, Cục Nghệ thuật Biểu diễn muốn tạo sân chơi làm nghề cho nghệ sĩ kịch nói TP HCM nên mới có cuộc họp này. Thông qua những ý kiến đóng góp của từng đơn vị, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM và Hội Sân khấu TP HCM sẽ ghi nhận, sau đó kiến nghị với Cục Nghệ thuật Biểu diễn tìm giải pháp căn cơ cho việc tổ chức.
NSƯT Trịnh Kim Chi cho rằng nên dời lại vào tháng 3 hoặc vào quý 2 năm 2022, để các đơn vị có thời gian chuẩn bị tốt hơn cho vở diễn dự thi. TP HCM vẫn còn thực hiện giãn cách xã hội, hiện nay như sân khấu của NSƯT Trịnh Kim Chi vẫn phải tập kịch online, chưa dám tập hợp đông diễn viên, thì nếu tổ chức vào tháng 12 sẽ khó đạt hiệu quả nghệ thuật.
NSƯT Ngọc Trinh phát biểu trong cuộc họp
NSƯT Mỹ Uyên chia sẻ Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM sẽ dựng vở để tham gia, vì mục đích hòa mình vào không khí chào mừng những thành tựu của sân khấu kịch nói Việt Nam sau 100 năm tồn tại và phát triển. Quan trọng hơn hết là vì quyền lợi chính đáng của lực lượng diễn viên trẻ đã dốc sức, tận lực với sân khấu nhỏ 5B suốt thời gian qua, họ cần được cọ xát với liên hoan để phát huy sáng tạo, đồng thời được đánh giá về mặt tiến bộ trong nghề.
"Tôi cũng đồng ý việc nên dời liên hoan đến tháng 3-2022" – Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, NSƯT Mỹ Uyên, nói.
Đại diện 15 sân khấu kịch nói xã hội hóa và một đơn vị công lập trong cuộc họp sáng 26-10
Riêng NSƯT Ngọc Trinh, cô cho rằng cần có thời gian để đầu tư chất lượng vở diễn. Hơn nữa trong lúc này diễn kịch, có những cảnh ôm nhau diễn viên còn ngại, huống chi khán giả đến xem với số lượng đông. Cô ủng hộ ý kiến nên dời lại đến năm 2022. Vì Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc đã dời đến tháng 11-2022 thì liên hoan dành cho kịch đợt 2 tại TP HCM vẫn có thể dời để đảm bảo về mọi mặt.
Ông Tôn Thất Cần, Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, và NSƯT Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, đồng chủ trì cuộc họp
NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, đã ghi nhận ý kiến của 15 đơn vị nghệ thuật xã hội hóa và 1 đơn vị nghệ thuật công lập (Nhà hát kịch TP HCM) để đề xuất với Cục Nghệ thuật Biểu diễn về các phương án tổ chức Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc đợt 2 tại TP HCM.
Qua các ý kiến đóng góp của nghệ sĩ, các ông bà bầu sân khấu kịch nói sắp tới, Sở sẽ tổ chức định kỳ 6 tháng 1 lần, họp mặt giữa lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM và các sân khấu xã hội hóa của nhiều bộ môn nghệ thuật như: hát bội, cải lương, kịch nói, xiếc, ảo thuật, ca múa nhạc… để lắng nghe ý kiến và trao đổi, tìm các giải pháp thích hợp cho hoạt động biểu diễn trước tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Bình luận (0)