Tuyên truyền giấc mơ siêu cường
Trong phim "Điệp vụ Biển Đỏ" của đạo diễn Lâm Siêu Hiền, quân đội Trung Quốc tiếp tục là trung tâm và có vai trò chính của cuộc chiến bảo vệ chính nghĩa. Phim có nội dung lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật, nói về cuộc di tản 225 người nước ngoài và gần 600 công dân Trung Quốc từ cảng Aden ở miền Nam đất nước Yemen đang xảy ra nội chiến vào cuối tháng 3-2015. Cuộc giải cứu này có sự tham gia của nhiều bên nhưng khi lên phim của Trung Quốc, quân đội họ là trung tâm.
Không chỉ phô diễn lực lượng quân sự, lên gân vai trò Trung Quốc một cách thái quá, những chi tiết tuyên truyền sai lệch về chủ quyền biển đảo cũng được ẩn ý ở khúc cuối phim.
Trung Quốc phô diễn sức mạnh quân sự qua phim "Điệp vụ Biển Đỏ"
Trước "Điệp vụ Biển Đỏ", điện ảnh Trung Quốc có phim "Chiến Lang 2" của Ngô Kinh cũng cùng thể loại. Phim này ca ngợi vai trò trung tâm của người lính Trung Quốc và sức ảnh hưởng tinh thần Đại Hán. Nhân vật chính của phim là Lãnh Phong đến Châu Phi giải cứu người Trung Quốc gặp nạn.
Kẻ phản diện là lính đánh thuê người Mỹ cuối cùng bị Lãnh Phong tiêu diệt, phim có đoạn cuối đăng ảnh hộ chiếu người Trung Quốc với dòng chữ: "Hãy nhớ Tổ quốc luôn bảo vệ bạn!" đậm tính tuyên truyền. Đồng thời, thông điệp "Bất cứ kẻ nào dám khiêu chiến với Trung Quốc cũng đều bị tiêu diệt, cho dù mục tiêu có xa tới tận đâu" cũng thể hiện rõ.
Trong những phim "bom tấn" do hãng phim Trung Quốc hợp tác cùng các hãng phương Tây sản xuất, không chỉ buộc có thêm diễn viên Trung Quốc mà đường dây phim cũng đề cao nước này. Những nhân vật chủ chốt trong phim như nguyên soái, tướng lĩnh dần thay bằng người Trung Quốc hay yếu tố then chốt giải cứu toàn bộ hành tinh được giao hẳn cho nước Trung Quốc.
Cảnh trong phim "Điệp vụ Biển Đỏ"
Ngô Kinh trong phim "Chiến lang 2"
Điều này có được phần lớn do các hãng phim phương Tây muốn phim được dễ dàng công chiếu tại thị trường Trung Quốc. Phần khác, các hãng phim phương Tây dần bị Trung Quốc thâu tóm, nhiều dự án "bom tấn" do phía công ty phim Trung Quốc bỏ vốn hợp tác nên bắt buộc kịch bản sửa chữa theo hướng có lợi cho nước này.
Trước đây, các phim của Mỹ, Anh... vẫn có phần đề cao binh sĩ nước họ, các nhân vật anh hùng cũng hay can thiệp nội bộ nước này, nước khác. Tuy nhiên, họ không tôn vinh quá lố chủ nghĩa dân tộc cũng như vai trò độc tôn trong các cuộc giải cứu, chiến đấu tổng hợp nhiều lực lượng đến từ nhiều nước. Nó khác xa những gì Trung Quốc đang làm, đưa hết mọi vinh quang cho lực lượng một nước và làm mờ lực lượng nước khác một cách lố bịch. Vì thế, "Điệp vụ Biển Đỏ" và phim "Chiến lang 2" dù "hốt bạc" ở Trung Quốc, được người dân nước này ca ngợi nhưng khi chiếu ở nước ngoài lại chẳng có doanh thu, vì khán giả không đón nhận.
Xâm nhập, chi phối Hollywood
Thực tế hiện nay cho thấy, Trung Quốc chi phối ngày càng mạnh Hollywood. Nhiều hãng phim lớn của Trung Quốc góp vốn sản xuất, mở đường cho diễn viên trẻ nước này xuất hiện trước thế giới và truyền bá tư tưởng nước mình. Trong phim "Mission: Impossible – Rogue Nation" ra mắt năm 2015, nữ diễn viên Trương Tịnh Sơ góp mặt cùng dàn sao: Tom Cruise, Simon Pegg, Alec Baldwin... Dù trong bản phim hoàn chỉnh, Tịnh Sơ chỉ xuất hiện chớp nhoáng nhưng có được cơ hội này với một diễn viên trẻ không dễ. "Mission: Impossible – Rogue Nation" do China Movie Channel, Alibaba Pictures của Trung Quốc cùng một số công ty khác góp vốn sản xuất.
Tương tự, trong "Kong: Skull Island", diễn viên trẻ Trung Quốc là Cảnh Điềm cũng xuất hiện vai phụ. Dù cô bị chê giữ vai trò "bình hoa di động" nhưng vẫn được xem là yếu tố để thu hút khán giả Trung Quốc. Một số phim khác: "2012", "Transformers: Age of Extinction", "The Martian"... đều có nội dung ít nhiều ca ngợi thiên nhiên, con người Trung Quốc, thuận lợi cho việc công chiếu tại nước này.
Cảnh Điềm cứu thế giới trong phim "Pacific Rim"
Cô diễn xuất nhạt dù đất diễn nhiều
Trong phim "bom tấn" Pacific Rim mới đây, Cảnh Điềm tiếp tục có vai nhiều đất diễn. Mặc dù được ưu ái phô diễn nhan sắc nhưng "thuốc độc phòng vé" này vẫn diễn nhạt, cô nói tiếng Hoa và tiếng Anh lẫn lộn, gây khó cho khán giả tiếp nhận.
Tờ Guardian từng đăng tải bài xã luận cảnh báo về sự bùng nổ điện ảnh Trung Quốc vượt biên giới ngay khi ông Vương Kiện Lâm thu mua Legendary Entertainment năm 2016. Để chuẩn bị, năm 2012, tỉ phú này đã mua chuỗi rạp chiếu phim lớn thứ hai của Mỹ AMC Entertainment với giá 2,6 tỉ USD. Sau đó, ông thâu tóm hai rạp chiếu phim lớn nhất châu Âu là Odeon và UIC. Có được khâu phát hành, ông chủ tập đoàn Wanda từng bước thu mua các công ty sản xuất.
Sau Legendary Entertainment, hiện tại, ông vẫn đang đàm phán để thu mua Dick Clark Productions. Wanda định nắm giữ 20% thị trường rạp chiếu phim trên thế giới vào năm 2020. Sự xâm nhập mạnh mẽ của Trung Quốc từng khiến các nhà lập pháp Mỹ e ngại nước này sử dụng phim ảnh như công cụ để mở rộng ảnh hưởng văn hóa, lan truyền các giá trị tư tưởng.
"Việc mở rộng ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc và quyền lực mềm trên toàn thế giới là mục tiêu của nước này. Tôi không nghĩ mọi người nghĩ về điều đó nhưng tôi chắc ông Vương Kiện Lâm làm vậy, những bước đi của ông ta thể hiện điều đó" - nhà báo Michael Forsythe của tờ New York Times có trụ sở tại Hồng Kông, dành nhiều thời gian nghiên cứu các hợp đồng kinh doanh của ông Vương, cho biết.
Bình luận (0)